Trong bức thư gửi học sinh năm 1946, Bác Hồ viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Những năm qua, rất nhiều học sinh – sinh viên thành phố mang tên Bác, nhất là những bạn trẻ đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng đã nỗ lực hết mình học tập, làm việc và cống hiến, qua đó góp phần xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình…
Cô Nguyễn Ngọc Lan Vy và các em học sinh tại buổi lễ kỷ niệm 74 năm ngày thành lập trường
Hai cô giáo… “cool ngầu”
Đó là cô Nguyễn Ngọc Lan Vy và Nguyễn Thị Huỳnh Như. Điểm chung của 2 cô là cùng sinh năm 1999, cùng được kết nạp Đảng khi còn ngồi trên ghế giảng đường ĐH và cùng trở thành giáo viên Trường THPT Tenlơman (quận 1, TP.HCM). Và đặc biệt hơn nữa, mặc dù cả 2 cô đều dạy những môn “khô như ngói” là toán và giáo dục quốc phòng – an ninh nhưng lại rất được học sinh yêu quý. Mỗi tiết học của các cô đều thu hút sự hứng thú học tập của học sinh… Trong mắt các em học sinh, cô Lan Vy và cô Huỳnh Như là hai cô giáo… “cool ngầu”. Bởi các cô cực kỳ nghiêm khắc trong giờ dạy nhưng trong các hoạt động phong trào, vui chơi thì vô cùng “dễ thương”, cứ như là “chị hai” của học sinh.
Được biết, những ngày còn ngồi trên ghế Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), cô Lan Vy đã rất yêu môn toán và luôn cố gắng học thật tốt môn này. Và tình yêu môn toán đã thôi thúc cô đăng ký vào Trường ĐH Sài Gòn (Khoa Toán). Trong những năm tháng học tập tại Trường ĐH Sài Gòn, bên cạnh việc nỗ lực học tập, Lan Vy còn tích cực tham gia phong trào Đoàn. Năm học nào Lan Vy cũng tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, hỗ trợ các điểm thi, tham gia các chương trình thiện nguyện như chăm sóc người già neo đơn, dạy học cho trẻ em khó khăn…
“Năm 2020, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tôi là một trong 2 sinh viên Khoa Toán khóa 2017-2021 của Trường ĐH Sài Gòn được kết nạp Đảng. Năm 2021, tôi tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc nên được nhà trường giữ lại làm nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, tôi đã từ chối bởi ước mơ của tôi là được làm giáo viên dạy học sinh THPT…”, cô Lan Vy cho biết.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, Lan Vy đăng ký thi tuyển viên chức ngành giáo dục TP.HCM. Riêng đối với môn toán, Sở GD-ĐT TP.HCM có nhu cầu tuyển 33 giáo viên nhưng số hồ sơ đăng ký thi tuyển lên tới 371 hồ sơ.
“Nhìn tỷ lệ chọi “quá khủng”, lúc đó tôi cũng hơn run và đã có suy nghĩ thi để lấy kinh nghiệm, nếu không đậu thì đi học thạc sĩ”, Lan Vy chia sẻ.
Và vượt qua 338 “đối thủ”, Lan Vy đã trúng tuyển nguyện vọng 1 và chính thức trở thành giáo viên dạy toán Trường THPT Tenlơman. Hiện nay, cô Lan Vy đang chủ nhiệm và dạy toán lớp 11A4; đồng thời dạy toán các lớp 10A1 và 10A12. Mỗi tiết học của cô đều là một buổi học vui vẻ và bổ ích đối với các em học sinh…
“Hiện tại, ngoài dạy học, tôi cũng tranh thủ thời gian học cao học tại Trường ĐH Sài Gòn. Dự kiến tháng 10 này, tôi sẽ lấy bằng thạc sĩ…”, cô Lan Vy cho biết thêm.
Năm 2017, Huỳnh Như trúng tuyển vào Khoa Quốc phòng an ninh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Mặc dù là một cô gái nhỏ nhắn lại học chuyên ngành có rất nhiều nam nhưng Huỳnh Như không hề tỏ ra mình là “phái yếu” chút nào. Bên cạnh học tập, cô sinh viên Huỳnh Như cũng rất tích cực tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi, Xuân tình nguyện và là ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn K43GDQHA…
Với những thành tích nổi bật như đoàn viên ưu tú, sinh viên 5 tốt, thanh niên tiên tiến cấp trường và học lực xếp loại giỏi, năm 2021, Huỳnh Như vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Cũng trong năm 2021, Huỳnh Như thi tuyển viên chức ngành giáo dục TP.HCM. “Môn giáo dục quốc phòng có 100 ứng viên, trong khi nhu cầu tuyển dụng chỉ có 17 chỉ tiêu. Cứ tưởng mình sẽ không đậu, không ngờ đậu cao không tưởng. Tôi đứng đầu danh sách trúng tuyển. Theo đó nguyện vọng 1 là về Trường THPT Tenlơman. Hiện nay tôi đang dạy 18 lớp cho cả 3 khối (10, 11 và 12)”, cô Huỳnh Như chia sẻ.
Cũng theo cô Huỳnh Như, hiện nay cô đang học văn bằng 2 ngôn ngữ Anh. Dự kiến tháng 11 sắp tới sẽ hoàn thành chương trình. Sau đó, cô sẽ thi cao học chuyên ngành giáo dục học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào năm 2025…
Đem theo niềm tự hào để học tập và làm việc
Anh Nguyễn Chế Thanh – nhân viên bộ phận pháp chế trụ sở chính Ngân hàng Công thương Việt Nam tại TP.HCM – đã tâm sự như vậy khi nhớ lại ngày kết nạp Đảng cách đây 8 năm. Lúc đó, anh đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền (quận 7, TP.HCM).
Cô Nguyễn Thị Huỳnh Như trong tiết học giáo dục quốc phòng
“Năm 2016, Đảng ủy Trường THPT Ngô Quyền đã tổ chức lễ kết nạp Đảng cho tôi. Hôm đó, chú Hà Sơn – Phó Bí thư Quận ủy quận 7 – đã tới dự và phát biểu: “Theo yêu cầu của Thành ủy TP.HCM, các quận, huyện ủy đều cố gắng kết nạp đảng viên trẻ từ các trường THPT. Nhưng đây thật sự là một việc rất khó khăn. Bởi theo yêu cầu thì các quần chúng ưu tú phải đủ từ 18 tuổi trở lên mới được xem xét kết nạp Đảng. Đồng thời, việc bố trí cho các em học sinh là đối tượng Đảng đi học lớp nhận thức về Đảng cũng không phải dễ do ảnh hưởng đến thời gian học của các em. Chính vì vậy mà gần 20 năm tách ra từ huyện Nhà Bè đến nay Đảng bộ quận 7 chưa kết nạp Đảng cho bất kỳ học sinh nào. Và đây là lần đầu tiên Đảng bộ quận 7 và Đảng bộ cơ sở Trường THPT Ngô Quyền mới kết nạp được cho một học sinh…”. Nghe chú Hà Sơn nói tôi là học sinh đầu tiên của quận 7 được kết nạp Đảng, tôi thấy tự hào lắm. Bao nhiêu năm qua, tôi đã đem theo niềm tự hào ấy để cố gắng học tập và làm việc, cống hiến sức trẻ cho thành phố ngày càng phát triển…”, anh Thanh nhớ lại.
Cũng theo anh Thanh, 3 năm học tại Trường THPT Ngô Quyền, ngoài việc nỗ lực học tập, anh còn làm lớp trưởng, Phó Bí thư, Bí thư Đoàn trường và rất tích cực tham gia các phong trào Đoàn của Quận đoàn quận 7, Thành đoàn TP.HCM…
Tháng 9-2016, anh Thanh trúng tuyển vào Trường ĐH Luật TP.HCM. Ngay khi mới vào trường, anh đã tích cực tham gia công tác Đoàn, cuối năm thứ nhất thì tham gia Ban Chấp hành Đoàn khoa (Khoa Luật Hình sự) và làm Phó Bí thư Đoàn khoa (Bí thư là giảng viên – PV).
“Là đảng viên nên tôi tham gia sinh hoạt Đảng với các giảng viên. Nhờ đó đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình học tập…”, anh Thanh cho biết thêm.
Năm 2020, anh Thanh tốt nghiệp Trường ĐH Luật TP và xin vào làm việc tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Hiện tại anh đã hoàn thành khóa đào tạo luật sư tại Học viện Tư pháp.
Thầy Nguyễn Văn Tường – Trợ lý thanh niên Trường THPT Ngô Quyền – cho biết: “Mặc dù đã ra trường 8 năm nhưng những năm qua Nguyễn Chế Thanh vẫn gắn bó với nhà trường, nhất là các hoạt động phong trào. Thanh vẫn thường tới trường chia sẻ kinh nghiệm học tập, làm cán bộ lớp, tham gia công tác Đoàn cho các em học sinh khóa sau…”.
Hòa Triều
Bình luận (0)