“Kỳ nữ” Kim Cương (phải) và bạn thân Thẩm Thúy Hằng thời còn trẻ. Ảnh: Viễn Kính |
Năm 16 tuổi, Kim Cương chính thức tham gia vào nghiệp diễn chuyên nghiệp tại đoàn Năm Phỉ. Năm 1956, lần đầu tiên đóng vai chính trong vở Giai nhân và ác quỷ. Ngay lập tức, cô được báo chí phong tặng là “Kỳ nữ Kim Cương”. Tiếp theo là một Điêu Thuyền lả lướt và tài sắc bên cạnh Lữ Bố oai hùng của má bảy Phùng Há trong Lữ Bố hí Điêu Thuyền. Dư luận thời ấy lúc nào cũng xôn xao bàn tán về những vai diễn của cô đào trẻ, đẹp, khả ái Kim Cương.
Diễn xuất – kinh doanh – biên kịch đều giỏi
Là con gái của cố NSND Bảy Nam, gia đình mấy đời gắn bó với cải lương, nhưng đến lượt Kim Cương, sau những vai thành công trong các vở cải lương, chị lại thấy mình thích hợp với kịch nói hơn. Và chị đã thành công rực rỡ với sự chuyển hướng của mình với nhiều vở diễn sống mãi trong lòng khán giả như Vực thẳm chiều cao, Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Tôi làm mẹ, Nhân danh công lý… cùng một dàn diễn viên nổi tiếng: NSND Bảy Nam, Kim Cương, Túy Hoa, Ngọc Đức, Tú Trinh, Ngọc Đan Thanh, Kiều Phượng Loan, Huỳnh Thanh Trà, Vân Hùng, Thương Tín, Long Hải… rồi đến các vở Lôi vũ, Người tình trễ xe, Bông hồng cài áo, Sắc hoa màu nhớ… cũng thành công vang dội.
Làm nghệ thuật thì được phong là “kỳ nữ”, kinh doanh nghệ thuật Kim Cương cũng giỏi không kém, đây là một điều mà xưa nay rất hiếm, bởi nghệ sĩ tài danh rất khó thành công trong kinh doanh. Nhưng chị đã làm được. Hơn mấy chục năm theo nghề hát, chị đã đẩy mạnh “thương hiệu” đoàn kịch Kim Cương đứng ở vị trí số một trong làng kịch nói miền Nam. Bước qua phim ảnh, chị cũng là nữ nghệ sĩ chiếm kỷ lục về đầu phim tham gia, đồng thời là một nhà sản xuất phim năng động, nắm bắt thị hiếu khán giả tuyệt vời. Từ những phim chị sản xuất trước năm 1975 như: Biển động, Mưa trong bình minh, Chiếc bóng bên đường… hay những phim thực hiện sau này Lá sầu riêng, Trà hoa nữ… đều đạt doanh thu rất cao. Trong khi nhiều phim Việt ra đời bị các rạp (do người Hoa làm chủ) không cho trình chiếu phải ngất ngư nằm chờ chết, thì những bộ phim của Kim Cương lại được chiếu hết rạp này đến rạp khác, do đó mà chị không tránh khỏi các điều tiếng thị phi, ganh tỵ.
Trước những năm đất nước thống nhất, hàng triệu khán giả Sài Gòn rất mộ điệu sân khấu cải lương, đi “coi hát” đã trở thành thói quen của họ. Kịch nói chỉ có mỗi đoàn Kim Cương là hấp dẫn với những vở diễn đậm chất bi thương. Với bút danh Hoàng Dũng, Kim Cương đã viết trên 50 vở kịch tâm lý xã hội, hầu hết được biểu diễn trên sân khấu Kim Cương, “lấy” không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả.
Sở trường của Kim Cương mà khán giả ấn tượng nhất là vào những vai bi. Một lần, chị đóng phim Trương Chi – Mỵ Nương, đến cảnh Mỵ Nương nhìn chén ngọc thấy hồn Trương Chi trong chén, cô cảm động và khóc. Theo yêu cầu của đạo diễn, nhân vật Mỵ Nương của Kim Cương chỉ nên nhỏ vài giọt nước mắt rớt vào chén để cho hồn Trương Chi tan biến vào hư vô. Nhưng có lẽ do quá nhập tâm vào nhân vật mà chị đã khóc sướt mướt, khóc ngon lành đến hơn một giờ đồng hồ khiến đoàn phim phải ngừng quay chờ chị… nín.
Hơn mười năm qua, Kim Cương không còn xuất hiện trên sân khấu nữa mà tập trung thời gian vào các công việc phúc lợi, làm từ thiện. Chị thường xuyên tổ chức các buổi văn nghệ gây quỹ cứu trợ bão lụt, giúp trẻ em mồ côi, những người tàn tật. Hiện, chị là Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật – mồ côi TP.HCM.
Tình yêu mong manh
Vinh quang không sao kể hết, nhưng hạnh phúc riêng tư đến với Kim Cương rất mong manh. Chị từng tâm sự rằng: “Kim chết lên chết xuống vì yêu. Nếu không yêu thì thôi nhưng đã yêu thì Kim yêu qua từng hơi thở, từng phút, từng giờ…”. Tình yêu đối với chị đọng lại nhiều nỗi buồn khi các mối tình vụt đến rồi ra đi. Sau những lần đó, công việc đã giúp chị quên đi nỗi buồn. Dù trong thời hoàng kim hay bây giờ, chị đều lấy sự bận rộn làm lẽ sống cho đời mình. Một câu chuyện mà ít khán giả biết đến đó là tình yêu của thi sĩ Bùi Giáng dành cho “Kỳ nữ” Kim Cương. Trong tâm hồn của Bùi Giáng hồi ấy, Kim Cương là “đệ nhất mỹ nhân” trong thiên hạ. Ông yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng nhất thế gian. Kim Cương kể: “Đến bây giờ, Kim vẫn giữ rất nhiều bài thơ của anh Bùi Giáng viết tặng riêng cho Kim. Biết anh lúc Kim khoảng 19 tuổi, còn theo đoàn cải lương của má Bảy Nam. Sau vài lần tiếp xúc, Kim thấy ở anh toát lên cái gì đó “kỳ kỳ”, bất bình thường nên Kim sợ. Đeo đuổi mãi không được, anh thở dài nói với Kim: “Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô (Bùi Giáng lớn hơn Kim mười mấy tuổi), vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé, nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi”. Kim cười: “Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Kim không dám hứa hẹn gì đâu…”. Kim nói thế để hoãn binh, nhưng sau đó anh đã đùng đùng dắt cháu tới. Trời ơi, hóa ra “thằng cháu” mà anh nói mới… 8 tuổi, Kim hết hồn, quả quyết là anh thật sự không bình thường”.
Từ đó, mỗi năm Bùi Giáng mỗi bệnh nặng hơn. Ông không có vợ con, suốt ngày đi lang thang ngoài đường, hò hét, trên người gắn đầy hoa, thường đến nhà tìm Kim Cương. Bé Toro, con trai của Kim Cương lúc ấy khoảng 5 tuổi, thường trố mắt ra nhìn ông, và hỏi: “Mẹ ơi, sao bác này giống cái xe hoa quá?”. Suốt 40 năm, cả chục cuốn sổ tay đã đầy ắp chữ của ông, chỉ riêng tặng “nương tử Kim Cương”. Những vần thơ yêu với nét chữ ngả nghiêng, chệnh choạng nhưng hồn nhiên say đắm này bây giờ là báu vật được chị trân trọng gìn giữ trong ngăn tủ.
Lê Quang Thanh Tâm
NSƯT Kim Cương luôn được khán giả yêu mến trong suốt hơn 40 năm hoàng kim của nghiệp diễn. Những giải thưởng mà chị đoạt được không thể nhớ hết: Diễn viên được yêu thích nhất năm 1956-1957; Diễn viên được yêu thích nhất của thoại kịch miền Nam; Tác giả kịch bản phim đoạt giải quốc tế…; mới đây, chị được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là Nữ tác giả sáng tác kịch bản sân khấu nhiều nhất Việt Nam. |
Bài 4: “Hoa hậu cải lương” Mộng Tuyền
Bình luận (0)