Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những “danh hiệu” một thời vang bóng: Bài 4: “Hoa hậu cải lương” Mộng Tuyền

Tạp Chí Giáo Dục

“Hoa hậu cải lương” Mộng Tuyền năm 1968.  Ảnh: Viễn Kính

Năm 1956, ông Trần Tấn Quốc (người sáng lập ra giải Thanh Tâm) có mở một cuộc trưng cầu ý kiến của khán giả và độc giả Báo Tiếng Dội. Nữ nghệ sĩ Kim Lan của đoàn Việt Kịch Năm Châu được bình chọn danh hiệu Hoa hậu Cải lương. Mãi đến năm 1963, nữ nghệ sĩ tài sắc Mộng Tuyền đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm thì chị là người thứ hai được phong tặng danh hiệu này.
Từ Kim Loan đến Mộng Tuyền
Mộng Tuyền sinh năm 1947 tại Cần Thơ. Năm mười tuổi, chị theo gia đình lên Sài Gòn học tại Trường dòng Bà Phước thuộc khu vực Cầu Ông Lãnh. Nhà nghèo, đông anh em, chị theo cha rong ruổi hát ở những đoàn hát nhỏ phụ giúp gia đình với nghệ danh Kim Loan. Năm 13 tuổi, chị cùng gia đình về lại Cần Thơ theo học cổ nhạc với thầy nhạc Ba Cứ, sau đó thành lập Ban Cổ nhạc Kim Loan thường trình diễn giúp Ty Thông tin Cần Thơ và Hội Khuyến học ở tỉnh nhà. Rời quê nhà một lần nữa, chị theo đoàn Thủ Đô ba tháng để tập luyện các bài bản cải lương. Năm 1961, chị chính thức bước chân vào nghề hát bắt đầu từ đoàn Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao. Năm 1963, chị đầu quân về đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, chính soạn giả Nguyễn Phương và Kiên Giang đề nghị bà bầu Thơ ký hợp đồng mời chị về đoàn cũng như viết vở Mùa xuân còn mãi hát tại rạp Hưng Đạo để giới thiệu nghệ sĩ trẻ Kim Loan. Nghệ danh Mộng Tuyền là do Kim Loan đóng vai sơn nữ Mộng Tuyền trong vở tuồng này được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Sau đó, nhờ khả năng ca diễn xuất sắc khi thủ vai vũ nữ Thu Lan trong vở Phu tử tòng tử, chị đã được trao tặng huy chương vàng giải Thanh Tâm cùng năm với các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Thanh Tú, Diệp Lang. Năm 1967-1968, chị có vai Nhã trong Bọt biển 3 của soạn giả Nguyễn Phương tạo tiếng vang sau khi trở về cộng tác lại trên sân khấu Thanh Minh – Thanh Nga.Với bản tân cổ giao duyên Thầm kín, chị cũng đã ghi kỷ lục về doanh số bán ra thời bấy giờ. Không chỉ là hoa hậu cải lương, Mộng Tuyền còn là một ngôi sao điện ảnh. Bộ phim Gánh hàng hoa do Thái Dương Phim sản xuất năm 1971 (Mộng Tuyền vào vai Liên) thì 1972, chị vinh dự nhận giải Ảnh hậu qua vai diễn này của Báo Trắng Đen đồng thời trở thành ứng cử viên nặng ký của giải Diễn viên xuất sắc nhất. Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Mộng Tuyền vinh dự cùng các ngôi sao của miền Nam khác như Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương… tham gia bộ phim truyện nhựa đầu tiên của Đài Truyền hình TP.HCM là Cô Nhíp dài 2 tập (16 ly). Sau đó, chị tiếp tục tham gia phim Trang giấy mới, đặc biệt là bộ phim Tình yêu của em của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, chị được trao tặng giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất của Liên hoan phim Việt Nam năm 1982. Sau ngày nữ nghệ sĩ Thanh Nga mất, Mộng Tuyền lại vụt sáng khi thay thế hầu như tất cả các vai của Thanh Nga đã diễn trên sân khấu Thanh Minh – Thanh Nga. Với với vai Vân trong vở Bóng tối và ánh sáng, Mộng Tuyền đã đoạt huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc tại Hải Phòng.
Chuyện đời – chuyện nghề
Chuyện tình cảm của Mộng Tuyền cũng rất lận đận và đoạn trường. Là nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, được rất nhiều khán giả thương, trong số đó không thiếu những vương tôn công tử, giàu có danh tiếng bấy giờ, nhưng ba chị canh chừng con gái rất nghiêm ngặt nên tất cả các cây si đều bị “bứng gốc”. “Hồi đó tôi chỉ biết ca hát, không màng đến chuyện yêu đương… Tôi nhớ nhất là lần soạn giả Hà Triều gửi thư tình, tôi cũng không dám đọc, đem đến đưa cho ba xem, giờ nhớ lại thấy trẻ con quá. Chồng của tôi sau đó là một quân nhân trong chế độ cũ. Tôi lấy chồng vì bổn phận của một người chị muốn cho gia đình và các em sung túc, hạnh phúc nhiều hơn. Đối với chồng, tôi mang nặng ơn nghĩa hơn là tình yêu… Tuổi trẻ vẫn còn bồng bột và nông nổi, tôi chia tay với chồng cũng do định mệnh đưa đẩy mặc dù tôi rất quý trọng hai chữ hạnh phúc và gia đình… Cuộc tình thứ hai của tôi kéo dài gần 20 năm rồi cũng ly tan. Tôi vẫn không có đứa con nào…” – Mộng Tuyền tâm sự.
Người chị mà Mộng Tuyền yêu mến nhất cho đến ngày hôm nay chính là cố NSƯT Thanh Nga. Năm 1977, có một lần Mộng Tuyền mời vợ chồng Thanh Nga đi ăn khuya bỗng Thanh Nga nắm lấy tay Mộng Tuyền nói rất khẽ: “Chị sợ ngày mình phải chôn anh Duy Lân lắm (chồng Thanh Nga lớn tuổi hơn chị rất nhiều), nghĩ phải chia tay nhau chị rất buồn. Chị ao ước làm sao anh Lân và chị cùng được chết với nhau…”. Không ngờ câu nói ấy thành định mệnh. Ngày Thanh Nga mất, Mộng Tuyền đang ở Long Xuyên, nghe hung tin, chị tức tốc đi xe về Sài Gòn. Vào tới nhà xác Bệnh viện Sài Gòn, chị thấy xác Thanh Nga nằm trong khoang chứa xác, gương mặt vẫn đẹp như đang ngủ, không khác một thiên thần trong trang phục áo dài màu đỏ. Tuy nhiên, vì quá đau lòng mà Mộng Tuyền đã ngất đi… Gần 20 năm qua xa xứ, thời gian qua Mộng Tuyền đã chính thức về biểu diễn tại quê nhà trong liveshow của nghệ sĩ Lệ Thủy, Thanh Sang và liveshow riêng của chị tại Nhà hát TP. Bên cạnh đó, chị cũng tham gia một vai khá hay – bà Hạnh trong bộ phim truyền hình dài 30 tập Tôi là ngôi sao do Hồng Ngân đạo diễn. Đặc biệt, Mộng Tuyền đã phát hành album Nhớ mãi mưa rừng tập hợp các bài tân nhạc, tân cổ, trích đoạn cải lương gắn liền với tên tuổi của chị trước năm 1975 như: Mưa rừng của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng; ca khúc Sầu lẻ bóng của nhạc sĩ Anh Bằng cũng là bài hát đầu tiên chị xuất hiện hát tân nhạc trên sân khấu Thúy Nga Paris; trích đoạn Người đẹp Bạch Hoa Thôn của soạn giảHoàng Khâm,(vai diễn Lý Hương Lan của Mộng Tuyền bên cạnh Hữu Phước, Thành Được, Hoàng Long…) đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả; bài tân cổ Nghe vọng cổ nhớ quê hương của soạn giả ViễnChâu nói về thân phận của những người Việt xa xứ luôn canh cánh một lòng khi nhớ về quê hương, chị đã hát và diễn hết mình như lời chị nói “diễn cho thật “đã” rồi dù có chết trên sân khấu cũng thấy mãn nguyện…”.
Lê Quang Thanh Tâm

Soạn giả Nguyễn Phương, người đã góp phần đưa Mộng Tuyền tỏa sáng trên sân khấu Thanh Minh – Thanh Nga nhận xét: “Mộng Tuyền là một nữ nghệ sĩ tài sắc, đẹp một cách tự nhiên. Với phong cách dịu hiền của người phụ nữ miền sông nước Hậu Giang, cô chẳng những chinh phục được sự ái mộ nồng nhiệt của khán giả bốn phương, mà còn nhận được sự thương yêu chân tình của các thế hệ nghệ sĩ đứng chung trên sân khấu”.

Bài 5: “Vua kép lão” Diệp Lang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)