Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những “danh hiệu” một thời vang bong: Bài cuối: “Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài

Tạp Chí Giáo Dục

“Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài và NSƯT Lệ Thủy

Cách đây hai tuần, khán giả bất ngờ gặp lại nghệ sĩ Tấn Tài trong vai trò một khán giả đến xem vở Ngao sò ốc hến – xuất diễn cuối cùng tại Rạp Hưng Đạo để sau đó rạp này được đập và xây mới thành một nhà hát hiện đại. Không ai biết được rằng, Tấn Tài vừa đáp chuyến bay đi lưu diễn từ Mỹ trở về cách đó vài giờ để kịp chia tay với “thánh đường nghệ thuật cải lương” này – một trong những nơi đã đưa tên tuổi ông lên đỉnh vinh quang cho đến ngày hôm nay. Tấn Tài là thế, luôn sống hiếu nghĩa, chí tình nên được đồng nghiệp nể trọng, khán giả yêu mến.
Cuộc đời toàn “màu hồng”
Trong số các nam danh ca cùng thời như Minh Cảnh, Minh Phụng, Dũng Thanh Lâm, Thành Được, Thanh Sang… thì Tấn Tài là một trường hợp rất đặc biệt. 51 năm theo nghiệp ca hát, ông hầu như gặp toàn may mắn. Ngay lần đầu tiên bước lên sân khấu chuyên nghiệp – Đoàn cải lương Bướm Vàng của ông bầu Văn Thà năm 1959, Tấn Tài đã đảm nhận ngay vai chính. Sau đó, với chất giọng ngọt ngào truyền cảm, buồn man mác rất đặc trưng, ông được Hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu Liên ký hợp đồng độc quyền đầu tiên, rồi liên tục các hãng đĩa khác mời chào. Với số lượng khoảng 400 bài vọng cổ và 200 tuồng cải lương được thu đĩa, ông được báo chí kịch trường lúc bấy giờ đặt biệt danh “Hoàng đế đĩa nhựa”. Ông cười to giải thích: “Hồi ấy bên Mỹ có ông vua nhạc rock Elvis Presley thì Việt Nam cũng có ông hoàng đĩa nhựa chăng. Nói cho vui vậy thôi chứ có lẽ vì lúc đó tôi giữ kỷ lục mỗi ngày thu 5-6 đĩa hát, có đĩa tiêu thụ gần 1 triệu bản chỉ trong một ngày nên các ký giả mới ưu ái như vậy”. Năm 1963, Tấn Tài về cộng tác với Đoàn Thủ Đô, với vai Điệp Nhứt Lang trong vở Cát Dung Phương Tử của soạn giả Thiếu Linh, ông đoạt Huy chương vàng Giải Thanh Tâm (cùng năm với các nghệ sĩ Diệp Lang, Thanh Tú, Bạch Tuyết, Mộng Tuyền và Trương Ánh Loan). Những “bản ruột” của ông như: Bông ô môi, Xuân trên đất khách, Nhớ vợ hiền, Áo em tím sắc hoa cà, Sở Bá Vương, Nhẫn cỏ cho em, Hàn Mạc Tử, Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, Tâm sự anh gù, Qua đò Mỹ Thuận… và các tuồng cải lương: Bóng hồng sa mạc, Tình sử Dương Quý Phi, Chiều đông gió lạnh về, Tiếu ngạo giang hồ, Bụi mờ ải nhạn, Lệnh Hồ Xung, Băng Tuyền nữ chúa… đến nay vẫn luôn làm nức lòng của khán giả mộ điệu. Đặc biệt là vai A Li Khang trong Bóng hồng sa mạc gần như không có “đối thủ”.
Nghệ sĩ Tấn Tài tên thật là Lê Tấn Tài, sinh ra ở xã Vĩnh Trạch, huyệnThoại Sơn, tỉnh An Giang trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật. Thi đậu trung học đệ nhất cấp ở An Giang, ông ra làm thầy giáo dạy học ở Trường Thoại Ngọc Hầu một thời gian rồi bị cuốn theo phong trào đờn ca tài tử rầm rộ ở miền này. Và cũng chính từ bước đệm ấy đã đưa ông đến với nghệ thuật, hoán đổi một anh giáo làng trở thành anh kép nổi danh. Ông kể: “Cha mẹ tôi ngày trước làm nghề thương mại, có cái nhìn không mấy thiện cảm với nghiệp cầm ca. Khi biết tôi bỏ nghề giáo theo nghề hát, cha mẹ phản đối rất kịch liệt. Nhiều lần ba mẹ đã đến tận đoàn hát bắt tôi về nhà. Nhưng chỉ được vài ngày, tôi lại tìm cách khăn gói trốn nhà trở lại đoàn hát. Mãi đến năm 1963, khi tôi đoạt Giải Thanh Tâm, đêm phát giải được tổ chức tại Rạp Quốc Thanh, tôi phải năn nỉ suốt mấy ngày liền mới rước được ba mẹ từ quê lên ngồi xem ở hàng ghế danh dự cùng với hai người thầy Hai Tỉnh và Út Thôi đã dạy ca tài tử cho tôi trước đây. Sau đêm ấy, tôi xin đoàn nghỉ 5 ngày để cùng cha mẹ về quê Vĩnh Trạch mổ bò, heo, gà, vịt làm tiệc thết đãi tất cả bà con láng giềng. Cũng từ đó, cha mẹ tôi mới chính thức chấp nhận có đứa con làm kép hát…”. Trở lại hát chánh trên Sân khấu Thủ Đô, lương của ông từ 1.800 đồng/tháng đã lên đến 1.700 đồng/đêm. Đến năm 1964, Tấn Tài và Bạch Tuyết là đôi diễn viên chánh của Đoàn hát Dạ Lý Hương với những vai để đời trong các vở Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Võ Tòng sát tẩu, Sương mù trên non cao… Từ 1966 đến năm 1968, Tấn Tài là diễn viên chánh Đoàn Kim Chung 5, hát chung với Mỹ Châu, rồi Lệ Thủy các vở rất tuồng kiếm hiệp, màu sắc. Năm 28 tuổi, ông “nổi máu” đứng ra làm bầu, Gánh Tân Thủ Đô của ông “hốt bạc” không kém gì Đoàn Kim Chung, Kim Chưởng bởi chiêu mộ toàn ngôi sao như: Thành Được, Tấn Tài, Út Trà Ôn, Việt Hùng, Minh Chí, Út Hiền, Út Hậu, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết, Diệu Hiền… Ông tự hào là mình làm bầu nuôi gần 150 người nhưng chưa hề biết chữ lỗ là gì. Gánh Tân Thủ Đô sau giải phóng trở thành Đoàn cải lương tập thể Hậu Giang, Tấn Tài vẫn làm trưởng đoàn, được 7 năm, ông xin nghỉ đoàn đi hát tự do.
Sẽ có một quyển hồi ký của tác giả Tấn Tài
Năm 2007, sau chuyến lưu diễn tại Mỹ hơn 2 tháng, trở về nước, ông bị ngất xỉu và được gia đình đưa vào bệnh viện để phẫu thuật túi mật. “Tôi chỉ nằm viện có hai tuần nhưng không biết thông tin từ đâu nói tôi bị bệnh qua đời. Những ngày đó, nhà tôi tràn ngập những cú điện thoại của khán giả ở khắp nước. Có người đã khóc nức nở trong điện thoại, người nhà tôi giải thích thế nào họ cũng không tin. Một số cô bác khán giả ở các tỉnh miền Tây đón xe lên TP.HCM, hỏi đường đến tận nhà tôi để… chia buồn mặc dù thời điểm đó là đang mùa gặt lúa. Những tình cảm như thế khiến cho tôi chỉ biết khóc chứ không nói nên lời…” – ông cho biết. Năm 2009, ông đã tổ chức live show Đêm tri ân kỷ niệm 50 năm theo nghề hát cũng thành công vang dội. Năm nay, ông đã bước vào tuổi 72, sức khỏe vẫn còn tốt, thỉnh thoảng chạy show hát tăng cường cho các đoàn tỉnh cũng như sang nước ngoài phục vụ cho khán giả kiều bào. Năm 2002, vợ ông -nghệ sĩ Như Ngọc mất vì tai biến mạch máu não, ông vẫn sống một mình trong căn nhà quen thuộc. Hai con trai của ông, Lê Tấn Danh (tức hề Tấn Beo) và Lê Tấn Phúc (hề Tấn Bo) hàng ngày vẫn đưa vợ con về ăn cơm và trò chuyện với ông. Tấn Beo nói trong xúc động: “Cha tôi cả đời sống trọn đạo cùng nghề hát, ông yêu nghề và bao giờ cũng phấn đấu để xứng đáng với lòng thương mến của khán giả. Hồi đó, khi tôi rẽ sang đóng hài, cha tôi bảo: “Con sẽ làm nên chuyện” bởi theo lời cha thì: “Đời cha đã làm khán giả khóc nhiều qua các vai tuồng khổ ải, đến đời con thì phải trả nợ bằng tiếng cười chứ”…”. Nhiều năm qua, ông còn tập trung vào viết hồi ký, có hôm vào mạch cảm xúc, ông viết đến tận 4-5 giờ sáng. Bên cạnh đó, ông cũng dự tính thực hiện một album DVD nói về cuộc đời và sự nghiệp của mình để tặng khán giả đồng thời “cũng có cái để con cháu sau này coi cho biết”.
Bài và ảnh: HIỆP THANH
Đạo diễn – NSND Huỳnh Nga nhận xét: “Tấn Tài không nồng nhiệt và hừng hực như Hùng Cường; cũng chẳng trau chuốt giọng ca như Minh Cảnh, anh hồn nhiên tỏa sáng với chất giọng ngọt ngào, nhẹ bổng “trời cho”. Từng là một thầy giáo trước khi làm nghệ sĩ nên cái chất mô phạm khiến anh ngay cả khi đã thành danh ca lẫy lừng vẫn khiêm cung, từ tốn, chuẩn mực trong cả nghệ thuật lẫn đời thường”.
 

Bình luận (0)