Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những dấu hiệu nhận biết nguy cơ loãng xương

Tạp Chí Giáo Dục

Xương mỏng hoặc loãng xương là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt ở những người lớn tuổi.
Loãng xương có thể dẫn đến nguy cơ gãy xương, không chỉ gây đau đớn mà còn làm mất khả năng di chuyển độc lập. Tuy nhiên, nếu biết duy trì vận động, bổ sung canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống có thể giúp xương khỏe mạnh.
Theo Naturalon, một số dấu hiệu sau cảnh báo nguy cơ phát triển bệnh loãng xương ở mỗi người.

Duy trì vận động, bổ sung canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống có thể giúp xương khỏe mạnh – Ảnh: Shutterstock

Xương nhỏ và mỏng. Khung xương nhỏ tạo nên cái nhìn thiện cảm về vóc dáng đáng mơ ước, nhưng cũng có nghĩa là xương mỏng nên rất nguy hiểm. Ngoài ra, những người có bộ xương nhỏ có nhiều khả năng phát triển bệnh loãng xương hơn so với những người có xương to, nguyên nhân người xương nhỏ không có nhiều thứ để mất trước khi họ có nguy cơ bị gãy xương. Như một quy luật chung, hầu hết mọi người đều đạt đến khối lượng xương cao nhất ở tuổi 25. Đến khoảng 30-40 tuổi, nhiều người bắt đầu bị mất xương. Tốc độ mất xương xảy ra phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố di truyền, thói quen, lối sống, chế độ ăn uống, tập thể dục và tiêu thụ canxi.
Có sự hiện diện corticosteroid hoặc prednisone. Nếu cơ thể có nồng độ corticosteroid hoặc thuốc cortisone trong một thời gian dài do các bệnh tự miễn như lupus, bệnh Crohn, hoặc nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp, các loại thuốc can thiệp đến các hóc môn, vitamin D, canxi và các khoáng chất quan trọng khác trong cơ thể sẽ dễ dẫn đến nguy cơ mất xương.
Dấu hiệu này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ bởi họ có nhiều khả năng phát triển bệnh tự miễn. Ngoài ra, phụ nữ cũng dễ phát triển bệnh loãng xương vì estrogen đóng vai trò quan trọng đối với mật độ xương và các loại thuốc này tác động tới nồng độ estrogen bình thường. Những người bị bệnh tuyến giáp hoặc uống thuốc chống trầm cảm cũng có nguy cơ mất xương.
Nếu bị gãy xương ít nhất 1 lần trong 2 năm qua. Xương cần phải đủ mạnh để đối phó với các tác động ngoại lực. Nếu bạn từng bị gãy xương ít nhất 1 lần trong 2 năm gần đây mặc dù chỉ thực hiện các hoạt động bình thường trong cuộc sống, bạn cần đến bác sĩ để đo mật độ xương.
Hút thuốc. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thuốc lá là một trong những nguyên nhân khiến xương mỏng hơn. Số liệu thống kê cho thấy những người có thói quen hút thuốc lá có nguy cơ loãng xương nhiều hơn những người không hút thuốc lá. Không quan trọng bạn đã hút thuốc lá trong bao lâu và ở độ tuổi bao nhiêu, chỉ cần từ bỏ thói quen nguy hiểm này, cơ thể của bạn có thể bắt đầu xây dựng xương mới dù ở bất cứ lứa tuổi nào.
Phụ nữ châu Á trên 50 tuổi. Đây là một trong những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ phát triển bệnh loãng xương. Theo một số nghiên cứu gần đây, khối lượng xương thấp có xu hướng phổ biến nhiều hơn so với trước đây. Đặc biệt khi bắt đầu bước sang tuổi 50, phụ nữ cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của xương để tránh những rủi ro. Hơn 90% phụ nữ ở tuổi 75 có ít nhất một lần bị gãy xương.
Yếu tố di truyền. Theo Naturalon, nếu bạn có người thân trong gia đình từng bị gãy xương hoặc có tiền sử bị loãng xương, nguy cơ phát triển bệnh này ở bạn sẽ rất cao.
Kinh nguyệt không đều. Phụ nữ có nồng độ estrogen thấp gây ra hiện tượng kinh nguyện không đều hoặc không thường xuyên cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy estrogen có liên quan đến xương mỏng hơn. Mức độ estrogen thấp có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố như rối loạn ăn uống, bệnh buồng trứng đa nang, di truyền.
Rối loạn ăn uống. Những người đang mệt mỏi vì đấu tranh với chứng biếng ăn, nên thận trọng về sức khỏe của xương. Trọng lượng cơ thể nhẹ làm giảm kích thích tố trong cơ thể, từ đó tác động đến các hóc môn gây trở ngại cho khả năng xây dựng xương. Ngược lại, những người thèm ăn vô độ cũng nằm trong nhóm nguy cơ này.
Thiếu canxi, magiê, hoặc vitamin D. Nếu bạn trên 50 tuổi, cần thường xuyên quan tâm đến việc uống sữa hoặc ăn các sản phẩm từ sữa cũng như tích cực bổ sung magiê và vitamin D để đảm bảo sức khỏe cho xương.
Nghiện rượu. Rượu làm suy yếu xương. Nó làm tan các vitamin và khoáng chất cần thiết từ xương. Nếu bạn uống nhiều hơn 2 ly rượu mỗi ngày, đặc biệt là nữ, xương có nhiều khả năng mỏng hơn.

Trúc Lam

(TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)