Khách hàng sẽ tìm mua những chiếc điện thoại hỗ trợ 3G để khai thác công nghệ mới
|
Công nghệ số với tiện ích vượt trội mà các dịch vụ mạng di động thế hệ thứ ba này mang lại, cũng như khoản kinh phí rót vào việc triển khai 3G trong 3 năm đầu sẽ lên đến con số 2 tỷ USD (33.000 tỷ đồng).
Viễn cảnh 3G
Ngay sau khi có kết quả trúng tuyển 3G của Bộ Thông tin và Truyền thông, 4 nhà cung cấp dịch vụ mạng di động “vượt vũ môn” là Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông VN (VNPT- VinaPhone), Công ty Thông tin di động (MobiFone) và Liên doanh Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) và Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) đã vẽ nên một viễn cảnh mới về tiện ích từ các dịch vụ mà mạng di động thế hệ thứ ba này mang lại, như: điện thoại truyền hình (Video Call); truyền tải đồng thời âm thanh, dữ liệu (Rich Voice); nhắn tin đa phương tiện (MMS), tải phim (Video Downloading) từ điện thoại di động; xem phim trực tuyến (Video Streaming); dịch vụ thanh toán điện tử (Mobile Payment); truy cập internet di động, quảng cáo di động.
Các nhóm hỗ trợ cá nhân cũng được nâng cấp: truyền dữ liệu, sao lưu dự phòng dữ liệu; thông báo gửi, nhận email và kết nối từ xa từ điện thoại di động đến các thiết bị điện tử tại văn phòng hay ở nhà…
Có thể hiểu, với 3G một cuộc cách mạng công nghệ mới sắp diễn ra và cuộc "chiến đấu giành thị phần của giữa các nhà cung cấp dịch vụ cũng đang được ráo riết chuẩn bị".
Chưa thể thay thế 2G
Tập đoàn VNPT cho biết, việc đầu tư nâng cấp mạng 2G lên 3G sẽ giúp đơn vị này tiết kiệm khoảng 60% chi phí so với việc đầu tư một mạng 3G mới hoàn toàn. Vì vậy, vấn đề xây dựng hạ tầng trong khoảng 3 năm đầu cũng không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, theo dự đoán của VNPT, thuê bao mạng 3G trong 3 năm đầu cũng chỉ chiếm 10% so với 2G, phải mất khoảng 10 năm thì 3G mới có thể phát triển mạnh mẽ.
Trong khi đó, Viettel cho biết sẽ thiết kế những gói cước riêng dành cho từng nhóm đối tượng khách hàng dựa trên cơ sở nhu cầu sử dụng, khả năng chi trả của từng lớp khách hàng.
Đại diện liên doanh liên doanh giữa EVN Telecom và Hà Nội đưa ra mục tiêu khá cao trong chiến dịch chiếm lĩnh thị phần: Ngay trong năm đầu tiên triển khai mạng 3G sẽ đạt 15% tổng số thuê bao 2G đã có; 3 năm sau đạt 25% thị phần.
3G “Third Generation” – thế hệ thứ 3 của mạng điện thoại di động – công nghệ được xem là cuộc thay đổi mạng dịch vụ di động băng hẹp truyền thống chuyển sang các dịch vụ băng rộng đa phương tiện. |
Tuy nhiên, theo một công ty cung cấp thiết bị đầu cuối, hiện nay số lượng thiết bị sử dụng cho công nghệ 3G chỉ đạt 3%-5% số máy bán ra trên thị trường. Một trong những nguyên nhân là do giá thiết bị vẫn đứng ở mức tương đối cao, từ 400 – 500 USD/sản phẩm và ứng dụng 3G hiện tại là chưa xuất hiện.
3G đối mặt với thất bại?
Trước giả thiết đưa ra về khả năng thất bại của việc triển khai 3G, Thứ trưởng Thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng khẳng định, thời điểm này đã chín muồi cho việc triển khai 3G tại Việt Nam; những yếu tố như công nghệ đã tương đối phù hợp, giá cả thiết bị hạ tầng và thiết bị đầu cuối đã giảm khá nhiều và phù hợp với mức thu nhập của người dân Việt Nam.
Mặt khác, vấn đề dịch vụ nội dung cho 3G cũng được các doanh nghiệp quan tâm. Bởi nếu không có những dịch vụ nội dung, thì không thể phát huy được ưu thế của công nghệ 3G. Trong khi đó, công nghiệp nội dung cũng như dịch vụ đi kèm hiện đang được xem là điểm yếu nhất trong vấn đề kinh doanh dịch vụ di động ở thị trường Việt Nam hiện nay.
Liên quan đến việc mua sắm và lắp đặt các thiết bị 3G, các doanh nghiệp đề nghị Bộ TT-TT sớm ban hành chuẩn thiết bị cũng những điều kiện đi kèm, giúp doanh nghiệp định hướng rõ ràng trong vấn đề mua sắm, triển khai mạng lưới dịch vụ 3G.
Thanh Trầm (Theo Dantri)
Bình luận (0)