Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Những “đề thi” di động

Tạp Chí Giáo Dục

SV Trường CĐ Vinhem Pich đang làm mẫu cho TS làm bài thi môn Hình họa mỹ thuật tại Trường ĐH Kiến trúc sáng 10-7. Ảnh: Mê Tâm

“Hôm qua, các “đề thi” có khi vẫn đang chạy ngoài đường nhưng hôm nay họ đã chễm chệ, chỉnh tề ngồi làm mẫu cho hàng trăm thí sinh làm bài thi môn vẽ…”- Thầy Trần Thành Nam (Ban chỉ đạo thi Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) nói. Hàng năm, cứ đến mùa tuyển sinh ĐH, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM “tuyển chọn” hơn 100 “người mẫu” là sinh viên để làm mẫu phục vụ thí sinh thi hình họa mỹ thuật.
Năm nay, số lượng “người mẫu” trường thuê lên đến 170 người, tất cả đều là sinh viên Trường CĐ VinhemPich. Thầy Trần Thành Nam (Ban chỉ đạo thi Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) giải thích, để được tuyển chọn, các em phải đạt một số “tiêu chuẩn” nhất định như da trắng một chút, dáng cao, nghiêm túc, mặt mũi không có sẹo, không bị cận thị… Cũng theo thầy Nam, “đề thi” mỗi năm mỗi khác nên lượng “người mẫu” sinh viên trường tuyển chọn mỗi năm cũng không được lặp lại. Những năm trước, trường hay khuyến khích chọn người mẫu là các sinh viên trong trường nhưng có khi gặp phải tình trạng những “người mẫu” này khi cao hứng lại hướng dẫn bài thi cho thí sinh. Hai năm nay, trường kết hợp với Trường CĐ Vinhem Pich, vì “người mẫu” ở đây được đào tạo huấn luyện trong môi trường quân đội nên đảm bảo tính kỷ luật. Trung úy Lê Nguyễn Hồng Xuân (Trường CĐ Vinhem Pich) nhấn mạnh: “Đây là một dịp qua đó tạo điều kiện cho sinh viên trường được giao lưu, học hỏi và làm quen thêm sinh viên các trường ngoài quân đội. Những “người mẫu” được tuyển chọn, trước kỳ thi khoảng một tuần thường được nhắc nhở phải giữ gìn “nhan sắc”, tránh chấn thương để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho đợt thi”.
Với sinh viên thì làm “người mẫu” không chỉ là nhiệm vụ mà còn là dịp để họ có thêm nhiều bạn mới. Sinh viên Nguyễn Xuân Tùng (Trường CĐ Vinhem Pich) chia sẻ: “Tụi em học trong môi trường quân đội, bình thường chỉ quen tiếp xúc giữa con trai với nhau. Đến đây, được làm quen với nhiều thí sinh, nhất là các bạn nữ nên rất vui”. Một “người mẫu” khác cũng bày tỏ: “Cũng chính vì bình thường chơi với toàn con trai nên khi đến đây, lại làm mẫu cho các bạn gái vẽ, ban đầu tụi em cũng hơi ngại, nhưng giờ thì… quen rồi”. Làm người mẫu không hề đơn giản. Mỗi nhóm (thường 15-20 thí sinh) thi cùng một người mẫu. Để thuận tiện cho việc phác họa, có thí sinh yêu cầu người mẫu nghiêng thêm một chút về bên này, thí sinh khác lại yêu cầu nghiêng về hướng khác. Rồi cũng có thí sinh “khó tính” đề nghị “người mẫu” tươi tắn thêm lên… Có thí sinh vẽ được vài phút lại cầm tác phẩm chạy lên đối chiếu với “đề thi”, rồi hỏi: “Anh xem em vẽ thế này có giống anh không?”. Dù thí sinh có bị “lạc đề”, “người mẫu” cũng chỉ biết cười vì theo nguyên tắc không được trao đổi với thí sinh trong giờ thi.
Cả thí sinh và “người mẫu” đều phải trải hơn 4 giờ để hoàn tất phần thi này. Để tránh buồn ngủ vì phải ngồi một chỗ quá lâu, các “người mẫu” thường tìm cách nghĩ đến những điều gì vui, nghĩ đến kỷ niệm vui với gia đình, bè bạn… Sau buổi thi là những niềm vui, những lời cảm ơn rối rít của thí sinh dành cho “đề thi” của họ. Các “người mẫu” vui, không chỉ vì họ cũng góp một phần gì đó dù là rất nhỏ trong chặng đường đến với cánh cổng đại học của không ít thí sinh mà còn vì có những tình bạn sẽ được mở ra từ đó…
Theo thầy Trần Thành Nam chưa hé lộ năm tới sẽ tuyển chọn SV trường nào vì “đề thi” cần được bảo mật.
MÊ TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)