Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những đề thi làm “nóng” học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm này nhiều trường THCS và THPT trên địa bàn TP.HCM tổ chức thi học kỳ I năm học 2016-2017. Trong đó, đề thi môn văn và giáo dục công dân với những câu hỏi mở, cập nhật trào lưu giới trẻ hiện nay hay những vấn đề thời sự khiến các em học sinh rất hào hứng.

Học sinh Trường THCS Colette (Q.3) phấn khởi trao đổi về đề thi môn giáo dục công dân

Đưa hướng nghiệp vào đề thi

Sau khi kết thúc bài thi học kỳ môn văn, nhiều học sinh khối 12 Trường THPT Nguyễn Du phấn khởi trước những nội dung rất gần với cuộc sống như hướng nghiệp, kỹ năng sống.

Ngay trong phần đọc hiểu đề đã đi thẳng đến vấn đề chọn ngành, chọn nghề phù hợp với bản thân. Theo đó, đề trích văn bản: “Học sinh có nhiều mơ ước nhưng rất ít học sinh trả lời được vì sao và làm cách nào để thực hiện được ước mơ. Hậu quả của việc chọn “thụ động” là nhiều ngành học không phù hợp với sở thích nghề nghiệp nên khi vào học các em cảm giác “đuối”, thiếu say mê, sáng tạo…, vì thế ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp sau này…”. Ngoài ra, đề còn đưa ra dẫn chứng bằng những con số cụ thể như: “Hiện có đến 80% học sinh chọn thi vào ĐH để có việc làm sau này. Trong khi thực tế 70% nhu cầu nhân lực lại là CĐ và TC nghề, ĐH chỉ chiếm 30%. Nếu chọn ngành nghề không đúng theo thực lực của mình thì chắc chắn thất bại”.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương (Phó Hiệu trưởng chuyên môn Trường THPT Nguyễn Du) cho biết: “Định hướng của nhà trường năm nay tập trung vào giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp cho các em học sinh nên kể cả các môn trắc nghiệm như toán, lý… cũng lồng ghép những vấn đề này vào”. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc là khi đưa vấn đề này vào đề thi liệu câu hỏi có kiểm tra được kiến thức văn chương của học sinh. Về chuyện này, cô Lan Hương khẳng định: “Đề không hề làm khó học sinh bởi vấn đề hướng nghiệp đã được nhà trường tư vấn rất kỹ. Hơn nữa, đề không xoay quanh việc yêu cầu các em làm về hướng nghiệp mà cái chính vẫn là ngữ liệu để các em giải quyết những yêu cầu của văn chương”.

Từ văn bản này, ngoài yêu cầu xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản, chỉ ra thao tác lập luận chủ yếu và nêu nội dung thì đề yêu cầu học sinh có đồng ý với nhận định: “Nếu chọn ngành nghề không đúng theo thực lực của mình thì chắc chắn thất bại?”. Em Nguyễn Ngọc Hà (học sinh lớp 12) phấn khởi cho biết: “Từ năm học trước, nhà trường đã đưa các ngữ liệu thời sự vào đề thi môn văn nên chúng em không thấy bất ngờ. Ngược lại, chúng em còn cảm thấy hứng thú bởi đây là những vấn đề rất thật trong cuộc sống”.

“Nóng” những vấn đề thời sự

Trong khi đề thi của Trường THPT Nguyễn Du nói về việc chọn ngành nghề thì đề thi môn văn của Trường THPT Trường Chinh lại xoay quanh chủ đề tình yêu qua bài hát Ông bà anh đang rất thu hút giới trẻ. Đề thi đã trích dẫn toàn bộ lời của bài hát với các câu hỏi liên quan như xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản, tình yêu của hai thế hệ có gì khác nhau, lời bài hát đã bộc lộ tâm sự gì của tác giả… Cô Dương Ngọc Yến (Tổ trưởng bộ môn ngữ văn Trường THPT Trường Chinh) cho biết: “Khi nhận đề thi, các em rất bất ngờ nhưng liền sau đó là thích thú, phấn khởi làm bài. Không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên bộ môn khác cũng cùng tâm trạng đó”. Ngay sau buổi thi, nhiều học sinh của trường còn chia sẻ trên trang facebook cá nhân và được bạn bè trường bạn vào bình luận, thích thú.

Em Nguyễn Ngọc Phương Uyên (học lớp 6/5 Trường THCS Colette) phấn khởi nói: “Đề thi hay, lại có nhiều câu hỏi mở, đưa hình ảnh hoặc vấn đề thời sự vào nên chúng em không phải học thuộc lòng, có kiến thức nền và hiểu biết xã hội là có thể làm tốt”.

Nói về việc tại sao lại đưa bài hát này vào đề thi, cô Ngọc Yến chia sẻ: “Tiêu chí của tổ bộ môn khi ra đề ở phần đọc hiểu là chọn những văn bản mới. Đây là bài hát mới đang thu hút giới trẻ quan tâm, các ca từ giản dị, lại mang tính giáo dục cao”. Phân tích sâu hơn, cô Ngọc Yến cho biết: “Chúng tôi muốn gửi đến học sinh thông điệp về một tình yêu trong sáng, giản dị, không vụ lợi, không vật chất để các em có ý thức hơn vì các em đã đến tuổi trưởng thành”.

Tương tự, các trường THCS cũng tích cực đổi mới trong công tác ra đề thi để phát huy tính sáng tạo của học sinh. Vừa qua, đề thi môn giáo dục công dân của Phòng GD-ĐT Q.3 có rất nhiều câu hỏi thực tế, trong đó câu 5 của tất cả các khối đều đưa văn bản thời sự để học sinh vận dụng. Chẳng hạn, ở khối 6 đề đưa thông tin trên báo: Học sinh Phạm Nguyễn Thành Trung, lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du. Gia đình Trung có một quán bún riêu nhỏ, bạn đã dùng số tiền ba mẹ cho ăn sáng dành dụm trong gần 3 năm để mua máy tính xách tay Sony trị giá 20 triệu đồng tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Đề yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ của mình về anh Trung. Đồng thời yêu cầu các em làm gì để thể hiện sự tiết kiệm (điện, nước, tiền thức ăn…) trong gia đình và nhà trường?

Trong khi đó, khối 7 đưa hình ảnh về mẩu giấy ghi lời nhắn xin lỗi của một học sinh ở Hải Phòng kèm số điện thoại sau khi làm vỡ kính ô tô của một người lạ được cộng đồng mạng chú ý. Trong khi đó, đề khối 9 lại đề cập đến thực phẩm bẩn và vấn nạn “hôi của”… Em Nguyễn Ngọc Phương Uyên (học lớp 6/5 Trường THCS Colette) phấn khởi nói: “Đề thi hay, lại có nhiều câu hỏi mở, đưa hình ảnh hoặc vấn đề thời sự vào nên chúng em không phải học thuộc lòng, có kiến thức nền và hiểu biết xã hội là có thể làm tốt”.

Đánh giá về đề thi, thầy Phan Huy (Hiệu trưởng Trường THCS Colette) chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên Phòng GD-ĐT quận đưa môn giáo dục công dân vào kiểm tra toàn quận nhưng được học sinh thích thú. Đề có nhiều câu hỏi hay, mang tính thực tế, kể cả hình ảnh cũng rất thực tế để giáo dục học sinh những đức tính tốt chứ không rập khuôn như các bài kiểm tra thông thường”.

Cô Trần Thúy An (Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1) cho biết tuần tới, học sinh toàn Q.1 cũng kiểm tra học kỳ môn giáo dục công dân do Phòng GD-ĐT quận ra đề. Chúng tôi hi vọng đề sẽ có tính liên hệ thực tiễn cao với nhiều câu hỏi thú vị”.

Bài, ảnh: Minh Châu

Bình luận (0)