Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những đề văn hay

Tạp Chí Giáo Dục

Cách ra đề môn văn trong các kỳ kiểm tra học kỳ hay tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM những năm gần đây có nhiều thay đổi nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh (HS).

Gợi mở nhưng có tính hệ thống

Với cách ra đề mở, HS cần tránh học theo văn mẫu. (Trong ảnh là một tiết học môn văn ở Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1)

Tại Q.1, đề kiểm tra học kỳ 1 khối lớp 8 vừa qua nhận được nhiều phản hồi tích cực của giáo viên (GV) và HS vì nội dung không chỉ phát huy khả năng sáng tạo của HS ở mức độ cao mà còn có tính hệ thống chặt chẽ, xuyên suốt trong ý tưởng giúp các em hiểu từ đầu đến cuối khi làm bài. Cụ thể, câu 1 hỏi về tình cảm gia đình trong tác phẩm Cô bé bán diêm; câu 2 hỏi về một chi tiết trong tác phẩm này; câu 3 cũng từ tác phẩm này để HS trình bày suy nghĩ của mình về tình cảm gia đình… Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn – người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy môn văn, chia sẻ: “Tôi thích đề kiểm tra này, đặc biệt là câu nghị luận xã hội khi có sự dẫn dắt rất rõ ràng. Câu hỏi này nói rõ có một nơi để về đó là nhà, có được những người để yêu thương đó là gia đình, có cả hai đó là hạnh phúc. Từ hoàn cảnh đáng thương của cô bé bán diêm, đề yêu cầu HS viết một văn bản trình bày suy nghĩ của các em về tình cảm gia đình”.

Nếu cách ra đề nào cũng yêu cầu học thuộc lòng thì các em dễ sa vào văn mẫu, khó phát huy được tính sáng tạo, kỹ năng làm bài…

Với đề kiểm tra này, cô Trần Thúy An cho rằng, câu dẫn đề rất hay, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, suy nghĩ, cảm nhận của HS khối lớp 8. Đồng thời, nội dung đề còn mang một ý nghĩa đẹp về tình cảm gia đình, tạo tính gợi mở, sáng tạo cho các em. So với năm học trước, cấu trúc đề kiểm tra học kỳ 1 năm nay không thay đổi nhưng có mở rộng hơn, đặc biệt câu nghị luận có sự dẫn dắt để tạo tâm thế cho các em khi làm bài”.

Tại Q.11, đề kiểm tra học kỳ 1 vừa qua cũng khá sát ý với HS nên sau khi chấm, nhiều GV nhận xét các em làm bài khá tốt. Cô Lâm Thị An Hà, GV môn văn Trường THCS Nguyễn Văn Phú, cho biết: “Đề kiểm tra đưa ra những vấn đề gần gũi với cuộc sống, chẳng hạn, ở khối lớp 9 phần nghị luận tiếp tục đưa ra vấn đề vô cảm của giới trẻ hiện nay đang được nhiều người quan tâm; còn phần tự sự thì các em được chọn: Kể một kỷ niệm đáng nhớ trong đời HS hoặc tưởng tượng mình đang trò chuyện với một người lính ở quần đảo Hoàng Sa và kể lại câu chuyện đó. Đề không chỉ rèn kỹ năng viết văn tự sự, nghị luận xã hội cho HS mà còn giáo dục các em về tình yêu với biển đảo quê hương, với gia đình”.

Trong khi đó ở Q.Bình Thạnh, đề kiểm tra học kỳ 1 cũng đưa ra những câu chuyện người thật việc thật hoặc các câu thành ngữ, tục ngữ quen thuộc với cuộc sống để HS giải quyết vấn đề. “Phần nghị luận xã hội cho HS phát biểu cảm nghĩ của mình qua những câu thành ngữ như Tốt gỗ hơn tốt nước sơn; Tiên học lễ, hậu học văn… Hay văn tự sự yêu cầu viết về những câu chuyện người thật, việc thật là những tấm gương trong đời sống. Đó là những vấn đề gần gũi với cuộc sống, gắn với đạo đức HS, dễ đưa các em về quỹ đạo của sự học hỏi, khám phá…”, một GV dạy văn ở Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q.Bình Thạnh) cho hay.

Khuyến khích con nhìn nhận cuộc sống rộng hơn

Mặc dù đề kiểm tra được đánh giá là hay nhưng không phải phụ huynh nào cũng thích cách ra đề như vậy vì họ cho rằng có… quá ít câu hỏi học thuộc lòng.

Một GV dạy văn tại Q.1 cho biết: “Câu hỏi đánh giá học thuộc lòng rất ít (cả đề có khoảng 1 điểm), còn lại các câu hỏi chủ yếu kiểm tra kiến thức đọc hiểu văn bản, kỹ năng làm bài của HS. Vì vậy có không ít phụ huynh cảm thấy tiếc cho công sức học tập của con em vì họ mang tâm lý con học nhiều mà sao không có những câu hỏi kiểm tra phần đọc thuộc lòng”.

Vị GV dạy văn ở Trường THCS Nguyễn Văn Bé cũng chia sẻ: “Đề kiểm tra bình thường, vừa sức HS, nhưng với một số em có thói quen học văn mẫu hay học tủ, khi đề ra lệch một chút là có phản ứng. Tuy nhiên, nếu GV bộ môn hướng dẫn kỹ, không cho HS học theo văn mẫu hay học tủ thì phụ huynh sẽ tiếp cận nhẹ nhàng hơn”. Vị GV này nhấn mạnh thêm: “Hãy là một phụ huynh thông minh, hiểu cái nào có lợi, cái nào có hại cho con. Nếu cách ra đề nào cũng yêu cầu học thuộc lòng thì các em dễ sa vào văn mẫu, khó phát huy được tính sáng tạo, kỹ năng làm bài của mình, khó gắn liền giữa lý thuyết và thực tiễn”.

Nói về vấn đề này, cô Hồ Thị Ngọc Mai, Tổ trưởng bộ môn văn Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1) cho hay: “Đề kiểm tra hạn chế phần học thuộc lòng, gắn liền với thực tế để HS bộc lộ ý kiến của mình chứ không ép các em theo một đáp án rập khuôn. Tôi nghĩ đó là một cách ra đề hay, phù hợp với nguyện vọng, suy nghĩ của HS, giúp các em nhìn nhận cuộc sống rộng hơn. Tuy nhiên, để làm được bài, các em phải thay đổi cách học, phải có suy nghĩ mở chứ không thể tiếp thu một chiều; học phải hiểu, suy nghĩ vấn đề phải theo nhiều hướng, không nên thụ động tiếp nhận kiến thức nữa mà phải nên chủ động nói lên những suy nghĩ, băn khoăn của mình”.

Bài, ảnh: Dương Bình

 

Bình luận (0)