Với rất nhiều tiện ích nên người dân sử dụng thẻ ATM ngày càng phổ biến; để hướng đến môi trường sống trong lành hơn, Nhà nước vận động toàn dân đi xe buýt. Thế nhưng khi dịch vụ thẻ ATM hằng năm phát triển với tốc độ cao lượng rác thải tăng vọt qua từng ngày. Và khi người dân sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại nhiều hơn, cũng chính là lúc thành phố dần mất đi mỹ quan đô thị.
Rác từ thẻ ATM
Chúng tôi đi rút tiền từ thẻ ATM tại một điểm đặt máy đường Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10. Một sinh viên mặc áo đồng phục thể dục Trường ĐH Bách Khoa đang sử dụng máy. Cẩn thận đếm lại tiền bỏ vào ví, mở cửa bước ra cầm tờ biên lai tài khoản, vò lại và… sút đi! “Có gì lạ đâu, nhìn xung quanh rồi tự hiểu thôi, không tin thử đứng lại một lát sẽ thấy những tờ biên lai bay khắp nơi và mỗi lúc nhiều hơn đó”. Ông Lê Quang, bảo vệ Ngân hàng tại điểm đặt máy ATM nói khi thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Sinh viên này vừa bước ra, một người đàn ông ăn mặc lịch lãm bước vào giao dịch, có lẽ rút nhiều tiền nên trên tay với hơn 6, 7 tờ biên lai. Nhìn sơ từng tờ rồi… thả cho chúng rơi tự do xuống đất. “Là vậy đó, không chỉ riêng sinh viên mà hầu hết mọi người đều hành xử như vậy. Có lần, thấy quanh khu vực rút tiền quá nhiều rác, mà hầu hết là tờ biên lai tài khoản nên tự mình đi gom lại và nhắc nhở mọi người ý thức hơn, hoặc giữ lại, hoặc bỏ vào thùng rác. Ấy vậy mà chừng năm mười phút sau lại toàn rác… biên lai”, ông Quang nói.
Bước vào rút tiền mà cứ ngờ ngợ rằng là đi vào bãi rác vậy, thùng rác dưới chân máy, nhưng lác đác vài tờ được bỏ vào.
Tại đường 3 tháng 2, Lý Thường Kiệt, với nhiều điểm đặt máy ATM, chỗ nào cũng giống chỗ nào, vẫn là những đống rác khổng lồ, vương vãi khắp nơi từ trong phòng ra đến lề đường. Ghé lại điểm đặt trước bệnh viện Thống Nhất, phía trong có hai người mặc áo Blouse. Đẩy mạnh cửa bước ra 1 người nói: “Đến giờ này mà vẫn chưa có lương, bực mình quá!”, rồi xé vụn tờ biên lai một cách không thương tiếc và ném xuống đất. Những người hành nghề xe ôm gần đó vội phán: “Những người có ăn học, chức vị thế mà còn xả rác bừa bãi thì còn biết nói gì nữa chứ?”.
Rác từ vé xe buýt
“Vé đây em!”, một thiếu nữ xinh xắn nhận lấy vé, đến ghế ngồi rồi gấp chiếc vé và nhét vào khe cửa của xe buýt. “Chị không giữ vé để kiểm soát sao?”, Tôi hỏi. “Đây nè!” Chị ta chỉ vào thành cửa sổ nói.
Không chỉ riêng thiếu nữ ấy, dường như mọi hành khách khi mua vé xong đều coi khe cửa sổ, khe ghế làm chỗ cất giữ vé của mình. Năm học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến, tranh nhau lên xe, cầm vội vé rồi thản nhiên xé vứt xuống sàn xe. “Sao không giữ vé lại mà lại vứt bừa bãi như vậy?”. “Ối dào, có phải riêng gì tụi này đâu, ai cũng như vậy mà, xem kia kìa!”. Một học sinh giật giọng. Nhìn theo hướng tay nhóm học sinh chỉ, hai bác U50 cũng bỏ vé xuống sàn.
Một chị tiếp viên xe buýt bức xúc: “Đi hết một tuyến là hì hục quét nhưng chú thấy đấy, xe lúc nào cũng dơ cả, cũng chỉ vì hành khách thiếu ý thức. Có hôm tôi quét đến nửa sọt rác”.
Giải pháp nào?
Thử nhẩm, cả nước có trên 10 triệu thẻ ATM, một ngày số lượng người giao dịch có thể chưa bằng chừng ấy nhưng sẽ là xấp xỉ. Tất nhiên sẽ có bấy nhiêu đó tờ biên lai được in ra, bị xé nát, bị vứt bỏ bừa bãi. Trên cả nước có hàng ngàn xe buýt, mỗi ngày, hàng ngàn chiếc đi lại bao nhiêu lượt? Mỗi lượt bao nhiêu vé? Phải chăng đáp số sẽ bằng với chừng ấy vé xe buýt được bán ra vương vãi khắp nơi từ trên xe đến dưới lòng đường, hè phố…?
Thiết nghĩ, tại những nơi đặt máy rút tiền, các thùng rác được đặt ở vị trí thích hợp: đảm bảo không bị lấy cắp, thuận tiện cho những lao công thu dọn. Các ngân hàng nên đặt thêm một tấm bảng với dòng chữ chẳng hạn như “Xin vui lòng bỏ biên lai vào thùng rác nếu không cần đến”.
Trong khi chờ kế hoạch thay vé xe buýt bằng thẻ thông minh, trên các xe buýt hãy để những thùng rác, hay hộp đựng ngay cửa lên xuống. Khi xuống trạm, hành khách phải bỏ vào đó như là để soát vé lần cuối. Hoặc có thể lấy những vé xe buýt ấy đem ép nhựa, phân phát miễn phí cho hệ thống siêu thị, trường học, quán cà phê… làm thẻ giữ xe. Nhân viên giữ xe ghi lại dãy số sơ ri 7 chữ số có sẵn trên mỗi vé, không dãy nào trùng nhau và đưa cho khách hàng. Như vậy sẽ tránh được tình trạng gian lận vé giữ xe đang rộ lên thời gian gần đây. Và đó cũng là biện pháp hữu hiệu “tái sử dụng vé xe buýt”, tránh hiện tượng vé xe buýt làm mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Tự mỗi chúng ta hãy tự suy ngẫm, tự ý thức về trách nhiệm của bản thân mình trong việc bảo vệ môi trường, hướng đến một môi trường xanh, sạch, đẹp.
Nguyễn Thanh Nam
Bình luận (0)