Vùng cao Đakrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) không chỉ được biết đến với những cung đường núi uốn lượn, địa hình hiểm trở, đời sống người dân khá nghèo nàn. Mảnh đất phía Đông dãy Trường Sơn hùng vỹ này còn có những điểm đến đầy hấp dẫn. Chỉ cần một chiếc xe máy đầy xăng, chuyến đi ngược núi sẽ rất đáng giá tuổi trẻ của bất cứ ai mê du lịch phượt!
Cảnh đẹp nên thơ ở suối Tà Lao
Một ngày ở suối Tà Lao
Không cần đến một chuyến du lịch xa để có những phút giây thong dong sau cả tuần làm việc vất vả. Từ trung tâm TP.Đông Hà, chỉ cần chạy xe tầm 1 giờ đồng hồ, đã có thể dừng chân với tour trải nghiệm 199k của chị em phụ nữ Tà Lao (xã Tà Long, huyện Đakrông).
Tà Lao hoang sơ với tiếng suối chảy róc rách, những tán cây xanh mát phủ che bãi đá. “Tà Lao đón bạn như đón những đứa con của thôn bản xưa đi xa trở về thôi. Đủ đầy yêu thương, an yên chớ không ồn ào như các điểm đến du lịch khác”, chị Hồ Thị Ngam, ở thôn Tà Lao vui vẻ dẫn chúng tôi đi xuyên qua tán rừng để đến với con suối Tà Lao mát rượi. Ba năm nay, dịch giã khiến nhiều thứ chững lại, chuyện dẫn khách trải nghiệm Tà Lao và giới thiệu nông sản núi rừng của chị em phụ nữ trong thôn cũng chững lại theo. Nhưng dịch ngớt, niềm hy vọng lại được nhen lên. “Sống ở rừng, chỉ biết tựa vào hạt lúa, bắp ngô trên rẫy. Giờ nhiều du khách đến Tà Lao, chị em có thêm chút thu nhập từ công việc phục vụ nấu nướng, hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm an toàn và bán thêm được củ khoai, cái bắp chuối…”, chị Ngam bộc bạch.
Câu chuyện của chị Ngam dừng lại khi trước mắt chúng tôi, dòng suối nước trong xanh mát rượi hiện ra. Suối không một vệt rác thải dù chắc chắn trước chúng tôi đã có rất nhiều người tìm đến nghỉ ngơi cuối tuần. Chị Ngam hướng dẫn chúng tôi cách xuống suối xúc cá, chọn nơi tắm sạch và không bị trơn trượt. Sự hấp dẫn của dòng suối khiến chúng tôi cảm giác thời gian trôi qua rất nhanh. Bữa cơm trưa đậm bản sắc văn hóa đồng bào được dọn ra. Đầu bếp núi rừng Hồ Thị Ngam giới thiệu qua một lượt về các món ăn từ cá suối, măng và rau hái bên bìa rừng, gà nuôi trong bản… Cuối cùng, chị dừng lại bên dĩa xôi nếp than thơm phức: “Loại nếp truyền thống của đồng bào đã được chị em canh tác theo phương thức lúa nước từ vài năm nay thay vì trồng nương rẫy như trước”.
Cánh rừng điện gió ở Hướng Linh
Anh Trương Quang Hiệp – một du khách ở TP.Đông Hà đưa gia đình đến nghỉ ngơi dịp cuối tuần chia sẻ: “Cảnh sắc của núi non luôn tiềm ẩn vẻ đẹp đầy hấp dẫn. Điểm đến này rất thú vị, bởi không chỉ được nghỉ ngơi, thư giãn, đắm mình cùng thiên nhiên hoang sơ, trong lành mà còn có thêm điều kiện để tìm hiểu về truyền thống văn hóa, thưởng thức những món ẩm thực đậm vị của đồng bào Vân Kiều”.
Ngắm cảnh núi non ở tiểu Đà Lạt của Quảng Trị
Quán cà phê Homi nằm bên cung đường QL9, thuộc địa bàn xã Tân Hợp (huyện Hướng Hóa), nơi giáp với điểm đầu của thị trấn Khe Sanh mờ sương luôn hút khách vào dịp gần đây. Sức hút của núi non dường như kéo ngược dòng khách từ phía biển trở về với núi rừng. Homi nằm chênh vênh ở điểm cao, ước chừng trước đó là ngọn đồi. Những dãy bàn gỗ trang trí hòa hợp với thiên nhiên quay hướng nhìn ra phía núi. Gọi một thức uống trong tiết trời se lạnh ở chốn được mệnh danh như một Đà Lạt thu nhỏ của mảnh đất Quảng Trị đầy nắng gió khắc nghiệt thật thú vị.
Du khách thư giãn tại Năm mùa Bugalows
Chủ nhân của quán cà phê Homi là 4 chàng trai quê Hướng Hóa. Ý tưởng của họ bắt đầu trong những lần một trong 4 chàng trai này tìm địa điểm chụp ảnh. Nhận thấy nơi này có thể nhìn bao quát cả một vùng núi non, ngắm thung lũng xa xa trước mắt, nhất là vào những ngày đông lạnh buốt thì còn có thể ngắm được cả mây chui ra từ rặng núi. Yêu quê hương, mong muốn giới thiệu cảnh đẹp quê mình với du khách muôn nơi, để mang hình ảnh Hướng Hóa đi xa hơn, đẹp hơn, quán cà phê được ra đời. Món cà phê ruột của quán được chọn là cà phê Arabica – một giống cà phê được người Pháp mang đến trồng ở vùng núi Hướng Hóa gần 100 năm về trước.
Dọc cung đường Hồ Chí Minh, từ thị trấn Khe Sanh ngược ra đèo Sa Mù, chặng đường dài hơn 40 cây số. thấp thoáng sau những bản làng là khung cảnh nên thơ của những trụ điện gió. Chọn một đoạn đường thoáng tầm nhìn, ít cây cối, chúng tôi đã có những bức ảnh tuyệt đẹp. Chị Trần Thị Thu Hường – một du khách lần đầu tiên có chuyến tham quan miền ngược bày tỏ: “Nếu chưa một lần đặt chân đến đây, hẳn sẽ khó hình dung được những phong cảnh thật đẹp, mọi khuôn hình đều khó diễn tả được nét đẹp thanh bình của vùng đất một thời hễ nhắc đến là người ta nhớ đến chiến tranh”.
Chị Hồ Thị Ngam chế biến món ăn từ cá suối
Nằm ở phía Nam chân đèo Sa Mù, vùng đất Hướng Phùng trù phú với bạt ngàn tiêu, cà phê. Không chỉ vậy, xu hướng du lịch mở ra nhiều điểm đến hấp dẫn. Cái tên “Năm mùa Bungalows” ở Hướng Phùng không còn xa lạ với giới trẻ. Sau chặng đường dài ngắm khung cảnh thiên nhiên, Năm mùa Bungalows là điểm dừng chân lý tưởng. Đêm, trong không gian thanh bình, riêng biệt của những ngôi nhà homestay rất đẹp, bên bếp lửa bập bùng, nhiều câu chuyện được kể, nhiều nụ cười hay những tâm tư dễ dàng buông xả. Bình minh ở Bungalows kèm theo thanh âm tiếng chim rừng, những làn mây là là qua những nóc nhà sàn dễ níu chân người.
Chinh phục đỉnh Voi Mẹp
Trong một chuyến ngược rừng, chúng tôi quyết định chinh phục động Voi Mẹp – Tá Linh sơn, nơi có độ cao hơn 1.700 mét so với mực nước biển. Được mệnh danh là ngọn núi “Vua” của những ngọn núi trên dãy Trường Sơn ở miền Tây Quảng Trị, Voi Mẹp – Tá Linh tồn tại nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền thoại qua lời kể của các già làng ở các xã Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Hiệp.
Chúng tôi quyết định xuất phát từ bản Pin, xã Hướng Sơn. Dưới sự chỉ dẫn của hai thanh niên người bản địa là Hồ Văn Ma và Hồ Văn Hưng. Tuy còn khá trẻ nhưng Hồ Văn Ma đã có nhiều lần lên Voi Mẹp, anh cho biết đã từng dẫn đường cho cán bộ kiểm lâm thực hiện dự án đặt máy ảnh nghiên cứu về loài bò tót trên đỉnh núi.
Đỉnh núi Voi Mẹp mờ ảo trong sương
Hồ Văn Ma bảo, lên Voi Mẹp có nhiều đường, nhưng không có đường mòn. Thoăn thoắt dẫn đầu đoàn, thi thoảng qua một đoạn dốc, anh dừng chân để kiểm tra đội hình vì sợ chúng tôi không quen đường đi dễ bị lạc. Càng đi lên, dốc núi càng dựng đứng. Hồ Văn Hưng nói, muốn lên được Voi Mẹp phải vượt qua ngọn Coóc Sút, đây chỉ mới là ngọn núi nằm ở rìa ngoài, chặng đường phía trước còn nhiều gian khó.
Gần bốn giờ đồng hồ vừa đi vừa nghỉ, chúng tôi mới đến được khe Khlút, lưng chừng núi, điểm dừng chân bắt buộc của tất cả những ai lần đầu tiên lên Voi Mẹp. “Đây là điểm duy nhất trong suốt cuộc hành trình có suối có thể lấy nước để thổi cơm”, Hồ Văn Ma nói.
Ở bình độ 1.200 mét, không khí khá loãng. Đêm xuống nhanh, chúng tôi cắm trại, nhóm lửa để chống lại cái rét như cắt da cắt thịt. Dù mệt mỏi sau một chặng đường dài vượt dốc và không ngủ được vì rét nhưng ai cũng háo hức mong trời mau sáng để được tận hưởng cái cảm xúc chinh phục Voi Mẹp.
Người bạn dẫn đường không nói nhiều về hành trình sắp tới, anh chỉ nhắc nếu ai chưa quen đi đường rừng thì nên “chuẩn bị thêm một chân” nữa để đi tiếp, vì chặng đường còn lại không dài nhưng toàn lội suối. “Đi hết năm ngọn thác, vượt qua ba nhánh suối lên tới đầu nguồn là đến Voi Mẹp. Thời gian đi khoảng gần 4 giờ, ai lượng sức mình không đi nổi thì có thể ngồi lại, chờ anh em quay lại cùng về”, Hồ Văn Hưng nói gọn trước khi chuẩn bị xốc ba lô lên vai tiếp tục hành trình.
Đúng 7 giờ sáng, chúng tôi tiếp tục ngược suối lên núi. Những bước chân dò dẫm trên những phiến đá trơn nhẫy. Do độ dốc lớn, nhiệt độ thấp nên rừng ở Voi Mẹp chủ yếu là loại cây lá kim hoặc cây có phiến lá nhỏ. Trên tất cả các thân cây đều phủ kín rêu xanh, thậm chí có cả phong lan mọc trên đá.
Đỉnh Voi Mẹp đã dần hiện ra với dáng vẻ sừng sững và có sức cuốn hút lạ kỳ. Ngay dưới đỉnh núi là một bình nguyên mênh mông um tùm lau sậy, cỏ tranh và một loại cây giống như tre trúc nhưng thấp lè tè. Anh Hồ Văn Ma nói, đây chính là nguồn thức ăn dồi dào của loài bò tót cực kỳ quý hiếm nghe nói hiện vẫn còn tồn tại ở Voi Mẹp.
Qua bao bước chân nhọc nhằn, đỉnh Voi Mẹp hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ đằng xa nhìn lại, đỉnh núi nhô lên như hình một con voi quỳ hai chân trước xuống, đầu và vòi nhô lên quay về hướng Đông. Voi Mẹp là ngọn núi linh thiêng của đồng bào miền Tây và là ngọn hải đăng của bà con vùng biển. Ngày xưa người đi biển thường nhắm đỉnh Voi Mẹp để định hướng cho những cuộc hải hành khi chưa có những ngọn hải đăng chỉ lối.
Như để minh chứng cho lời kể truyền đời qua các già làng, Hồ Văn Ma chỉ tay về phía Đông. Biển rõ mồn một, thấy cả những lớp sóng trắng lô nhô. Chưa một lần về biển nhưng anh đã nhiều lần ngắm biển ở Tá Linh sơn. Ở Voi Mẹp, chúng tôi còn bắt gặp những khóm chè xanh trồi lên trên những phiến đá. Người Vân Kiều ở Hướng Hóa kể rằng, đó là những cây chè mà đoàn tùy tùng vua Hàm Nghi trên đường bôn tẩu còn để lại giữa núi non và các già làng vẫn gọi là “chè vua”.
Chúng tôi rời Voi Mẹp sau khi đã cùng người dẫn đường ngắm cảnh, nghe lại những câu chuyện mang tính chất huyền thoại của đồng bào Vân Kiều trên đỉnh Trường Sơn. Đường về, anh Hồ Văn Ma còn dẫn chúng tôi đi thăm “nghĩa địa” máy bay Mỹ ngay ở lưng chừng núi. Trong đá, cỏ rêu xanh, nhiều thanh sắt, nhôm của những chiếc máy bay một thời từng tung hoành dội bom trên bầu trời miền Tây Quảng Trị đã nằm lại với thời gian.
Sẽ khó khám phá hết vẻ đẹp hùng vỹ của miền Tây Quảng Trị trong một chuyến đi ngắn. Nhưng sẽ là một điểm đáng đến trên hành trình thanh xuân của tuổi trẻ. Miền đất phía Đông dãy Trường Sơn hùng vỹ bây giờ đang từng ngày thay da đổi thịt. Mảnh đạn, hố bom và đói nghèo đang lùi dần về quá khứ. Hướng phát triển du lịch mang tính phượt nhen lên niềm hy vọng về mô hình dịch vụ mang đến nhiều đổi thay cho đời sống đồng bào.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)