Du lịch Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa trở lại, chào đón tất cả du khách, nhất là khách quốc tế sau thời gian dài dịch bệnh.
Chính sách thị thực (visa) đã khá thông thoáng; quy định y tế với người nhập cảnh đã phù hợp với bối cảnh mới, không phân biệt với khách nội địa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành phương án chi tiết mở cửa du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới.
Có thể nói là đến thời điểm này đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để du lịch phục hồi và tạo đà phát triển trong thời gian tới.
Nới lỏng nhưng không buông xuôi, thả lỏng
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sau khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3, chuyến bay chở du khách nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam đã hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất chiều 16/3.
Cũng trong ngày, chuyến bay đầu tiên chở du khách Việt Nam theo chương trình "Hành lang du lịch dành cho người đã tiêm vaccine" của Singapore (Vaccinated Travel Lane – chương trình cho phép du khách có thể vào Singapore mà không phải thực hiện cách ly) từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Singapore đã hạ cánh an toàn…
Rõ ràng là các điều kiện cần thiết nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển đã được nới lỏng rất nhiều để phù hợp với bối cảnh bình thường mới, đáp ứng nhu cầu đi du lịch của du khách.
Tuy vậy, nới lỏng không có nghĩa là buông xuôi, thả lỏng, các hoạt động du lịch đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước vẫn phải đảm bảo an toàn.
Tại Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả do Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức – đúng thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu khi mở cửa lại du lịch quốc tế cần đảm bảo hoạt động du lịch an toàn; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương.
Vấn đề về đảm bảo an toàn y tế, thủ tục xuất nhập cảnh, hộ chiếu vaccine, chính sách thị thực, khôi phục đường bay… cần có sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành liên quan.
Theo đánh giá của chuyên gia y tế, hiện số ca mắc COVID-19 cộng đồng ở nước ta đang ở mức trên dưới 100.000 ca mỗi ngày nhưng chúng ta vẫn duy trì các hoạt động, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.
Lượng khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam chắc chắn sẽ không thể nhiều bằng du khách trong nước nên nguy cơ từ khách nước ngoài không quá cao vì hầu hết người nước ngoài cũng đã tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19 mới xuất cảnh đi du lịch.
Tuy nhiên, việc rủi ro khi khách quốc tế nhập cảnh là có, nhất là với khách mắc chủng mới mà chúng ta không thể kiểm soát được ngay từ đầu.
Cũng theo các chuyên gia y tế, việc nới lỏng quy định là cần thiết để phù hợp bối cảnh quốc tế nhưng vẫn phải thận trọng, đảm bảo an toàn là đúng và phải làm.
Bởi lẽ, nếu ta không thận trọng ngay từ đầu sẽ dễ dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát mạnh, gây quá tải cho hệ thống y tế, tăng số lượng ca chuyển nặng, tử vong nhất là khi hệ thống y tế của ta chưa thật tốt.
Việc đảm bảo an toàn trong bối cảnh bình thường mới, mở cửa hoàn toàn du lịch Việt Nam có nghĩa là phải đảm bảo an toàn cho cả khách, cộng đồng người dân, đồng bộ trong tất cả các hoạt động từ nhập cảnh, lưu trú, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí.
Chỉ cần đứt gẫy ở một khâu nào đó không an toàn sẽ ảnh hưởng toàn bộ hoạt động, lịch trình của du khách…
Trong phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rất rõ khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD.
Chia sẻ về mức bảo hiểm này, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính, cho biết Luật Du lịch đã quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch.
Như vậy, mua bảo hiểm du lịch là thực hiện theo pháp luật của Việt Nam. Mức bảo hiểm du lịch tối thiểu 10.000 USD là hợp lý.
Mục đích của bảo hiểm này là để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho du khách, các đại lý du lịch cũng như chính quyền địa phương trong trường hợp hủy hoặc hoãn chuyến đi hay kiểm tra, cấp cứu, sơ tán y tế, hồi hương…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón khách đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, có phương án xử lý sự cố y tế phát sinh liên quan đến hoạt động du lịch; kết nối chặt chẽ các đơn vị trên địa bàn với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch; chủ động phối hợp, liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp để phát triển sản phẩm, dịch vụ vu lịch phù hợp với nhu cầu của khách; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, để tổ chức lại các hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả.
Các doanh nghiệp du lịch xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn theo phương án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các quy định liên quan của ngành du lịch, y tế và địa phương.
Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch và xử lý trường hợp mắc COVID-19 theo quy định; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế để kiểm soát tốt dịch bệnh…
Khai thác hiệu quả mùa du lịch 2022-2023
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch, việc mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3 là rất quan trọng, phù hợp, là dấu mốc mang tính chất quyết định cho việc khai thác hiệu quả mùa du lịch quốc tế 2022-2023.
Mùa cao điểm khách du lịch quốc tế của Việt Nam bắt đầu vào khoảng tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau. Nên ngay từ tháng 3, các doanh nghiệp du lịch tiếp tục kiện toàn bộ máy vận hành, đầu tư phát triển sản phẩm mới, tích cực phối hợp với đối tác để lên các chiến dịch tiếp thị và bán sản phẩm.
Nếu chậm trễ hoặc thay đổi mốc thời gian mở cửa trở lại sẽ làm hạn chế cơ hội đón khách quốc tế, nhất là khách ở thị trường xa, có mức chi tiêu cao. Việt Nam mở cửa vào lúc này sẽ tạo cơ hội cho du khách thêm nhiều lựa chọn trong chuyến đi sắp tới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ toàn ngành sẽ nỗ lực để thực hiện mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026 chia lộ trình cho ngành du lịch ở giai đoạn phục hồi và phát triển.
Trong đó, giai đoạn 2022-2023 là giai đoạn phục hồi và cần nhiều nguồn lực, hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, bộ, ngành, cố gắng đến hết năm 2023 thì phục hồi từ 45-50% so với trước dịch COVID-19, tức là đón khoảng 9 triệu lượt khách quốc tế. Do đó, để đạt được mục tiêu trên thì công tác xúc tiến, quảng bá cần được đẩy mạnh.
Để thu hút khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh, từ cuối tháng 11/2021, Tổng cục Du lịch đã triển khai chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam).
Đây là chiến dịch tiếp thị truyền thông tích hợp được triển khai đồng bộ, toàn diện trên nhiều nền tảng trực tuyến như website vietnam.travel và các mạng xã hội của Tổng cục Du lịch, các kênh truyền thông quốc tế, thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài… nhằm cung cấp những thông tin chính thống, cập nhật về du lịch Việt Nam.
Chiến dịch “Live fully in Vietnam” đã mang lại hiệu quả tích cực, thu hút hơn 10.000 lượt khách du lịch quốc tế theo chương trình thí điểm (tính đến hết tháng 2/2022) đón khách du lịch quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine”; nhận được đánh giá cao từ các doanh nghiệp, địa phương.
Lượng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam cũng tăng vọt, trong tháng 2 cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn, thân thiện, thu hút khách quốc tế, tạo động lực để ngành du lịch phục hồi đà tăng trưởng.
Đối với thị trường khách nội địa, ngành du lịch xác định đây là thị trường đang rất tiềm năng, cần cố gắng khai thác tối đa trong năm 2022 thông qua “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn.”
Một vấn đề được ngành du lịch quan tâm vào thời điểm này là nhân lực du lịch vốn đang thiếu hụt nghiêm trọng sau thời gian dài ảnh hưởng dịch COVID-19.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn cho biết du lịch là ngành đặc thù, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, cần thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và đào tạo bằng thực tế trải nghiệm qua công việc hằng ngày.
Lực lượng lao động cũ sẽ hiệu quả hơn đào tạo mới hoàn toàn. Do đó, ngành cần phải có những chính sách hỗ trợ thích đáng nhằm giữ chân lực lượng lao động trong ngành du lịch.
Để đáp ứng nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn mở cửa lại, trước mắt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đề xuất Chính phủ và đề nghị các địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm quay trở lại ngành để đáp ứng nhu cầu sau khi mở cửa; đề nghị các cơ sở kinh doanh du lịch chủ động rà soát, tuyển dụng và bồi dưỡng nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Về dài hạn, bộ sẽ tiếp tục có chính sách phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đủ về quy mô, cơ cấu hợp lý, có chất lượng cao, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch.
Mặt khác, để đáp ứng các nhu cầu mới của du khách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cao hiệu quả các ứng dụng công nghệ phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp và địa phương…
Trước khi có dịch COVID-19, giai đoạn 2015-2019 đã chứng kiến sự tăng trưởng đột phá của du lịch Việt Nam, từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, tăng bình quân 22,7% mỗi năm.
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ 75/141 lên 63/140 nền kinh tế; đóng góp trực tiếp 9,2% GDP./.
Bình luận (0)