2010 là năm mà ngành GD-ĐT dự kiến sẽ đưa ra nhiều quyết sách mới liên quan đến vấn đề thi cử, học phí đối với người học, cũng như chế độ, chính sách… với người thầy.
Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục
Học phí sẽ được điều chỉnh hằng năm với mức tăng khoảng 20% so với năm trước – ảnh: Đ.N.Thạch
|
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của giáo dục (GD) vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2010. Nội dung sửa đổi, bổ sung đã tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc hiện nay, trong đó có những nội dung như: Quy định việc phổ cập GD mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư có hiệu quả và nâng cao chất lượng GD mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, đặc biệt ở vùng miền núi và các vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; Bổ sung các quy định về yêu cầu công khai tiêu chuẩn chất lượng GD, kiểm định chất lượng GD và xác định rõ nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng GD; Tách bạch hơn điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động GD; Thực hiện phụ cấp thâm niên cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD…
Giáo viên có thể sống bằng lương?
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình. Năm 2010 dự kiến mức lương tối thiểu chung tăng 730.000 đồng/tháng. Theo tính toán của Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD-ĐT), một giáo viên tốt nghiệp ĐH ra trường năm 2010 sẽ có mức lương như sau: 730.000 đồng x 2,34 x 1,35 = 2,306 triệu đồng/tháng (mức lương tối thiểu nhân với hệ số lương cơ bản nhân hệ số phụ cấp ưu đãi bình quân chung toàn ngành).
Trong năm 2010, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp cùng Bộ Lao động -Thương binh – Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ trình Thủ tướng giải quyết cụ thể về phụ cấp thâm niên, từ đó thu nhập thực tế của giáo viên sẽ tiếp tục được nâng lên, nhất là những người đã cống hiến lâu năm cho ngành GD.
Luân chuyển giáo viên
Năm 2010, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ đề án luân chuyển giáo viên. Dự kiến, sẽ quy định, sau 3 năm (với nữ) hoặc 5 năm (với nam), những giáo viên công tác ở vùng khó khăn sẽ được luân chuyển về vùng thuận lợi hơn. Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý GD cơ sở (Bộ GD-ĐT) cho hay: Đề án đang xây dựng sẽ phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế hiện nay. Trước đây, chủ yếu là vận động giáo viên vùng xuôi lên công tác ở vùng khó.
Học phí ĐH tăng 20%
Theo dự thảo Nghị định cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân mà Bộ GD-ĐT công bố, từ năm học 2010-2011, học phí đối với các trường ĐH sẽ thực hiện thu theo nhóm ngành đào tạo. Trên cơ sở khung học phí đối với cơ sở GD ĐH theo các nhóm ngành đào tạo có chất lượng đại trà từ năm học 2010 -2011 đến năm học 2014 – 2015, trần học phí sẽ được điều chỉnh hằng năm với mức tăng khoảng 20% so với năm trước. Cụ thể, mức trần tối đa học phí của năm học 2010 – 2011 là 290.000 đồng/tháng đối với các nhóm ngành Khoa học xã hội – Kinh tế – Luật, Nông – Lâm – Thủy sản; mức trần 310.000 đồng/tháng sẽ áp dụng đối với các nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ, Khoa học tự nhiên và Thể dục thể thao – nghệ thuật. Riêng nhóm ngành Y – Dược, trần học phí năm học 2010 – 2011 là 340.000 đồng/tháng.
Đối với bậc phổ thông, mức học phí và chi phí học tập khác không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng. Chính phủ sẽ quy định khung học phí của GD mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình chất lượng đại trà năm học 2010 – 2011: vùng thành thị từ 40.000 – 200.000 đồng; vùng nông thôn từ 20.000 – 80.000 đồng; miền núi từ 5.000 – 40.000 đồng.
Tăng 10% chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010 tăng 10% so với năm 2009, chỉ tiêu đào tạo TCCN tăng 17%. Dự kiến sẽ có khoảng 570.000 chỉ tiêu vào ĐH-CĐ. Tiêu chí phân bổ chỉ tiêu của Bộ là lấy tiêu chí số sinh viên quy đổi/giảng viên quy đổi làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo được chủ động đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 phù hợp với năng lực của từng cơ sở.
Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh vào các nhóm ngành năm 2010, 3 nhóm ngành có chỉ tiêu cao nhất là nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ: 142.750 chỉ tiêu; nhóm ngành Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng: 102.780 chỉ tiêu; nhóm ngành Nông – Lâm – Ngư: 90.970 chỉ tiêu. Tiếp đến là nhóm ngành Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội và nhân văn: 89.650 chỉ tiêu; nhóm ngành Sư phạm: 64.450 chỉ tiêu; nhóm ngành Y-Dược: 51.400 chỉ tiêu và nhóm ngành Nghệ thuật – Thể dục, thể thao: 29.000 chỉ tiêu.
Thí sinh được chọn 1 trong 2 phần riêng
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010, có nhiều thay đổi so với năm 2009. Theo đó, thí sinh không bắt buộc phải làm phần riêng phù hợp với chương trình được học mà chọn một trong hai phần riêng để làm. Nếu thí sinh làm cả hai phần riêng sẽ không được chấm phần riêng.
Học tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3
Theo Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân đã được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2010 sẽ thí điểm tổ chức cho học sinh lớp 3 học tiếng Anh bắt buộc, tiến tới 100% sẽ học tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 để kết thúc THPT, học sinh có thể được học trên 1.000 tiết, liên thông giữa các bậc học, trung bình 4 tiết/tuần…
Bộ GD-ĐT cho biết: đang xúc tiến xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh cho 10 năm phổ thông (bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12). Bắt đầu từ năm học tới, tùy theo điều kiện của từng tỉnh, thành; mỗi tỉnh, thành có tối thiểu 20% học sinh lớp 3 sẽ được học thí điểm chương trình này.
Tuệ Nguyễn /TNO
Bình luận (0)