Bộ GD-ĐT vừa công bố quy chế thi THPT quốc gia 2015. Sau nhiều lần chỉnh sửa, bản quy chế ra đời không có nhiều bất ngờ như dự đoán, tuy nhiên có nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh.
Hai loại cụm thi
Trong quy chế chính thức, Bộ GD-ĐT đưa ra hai loại cụm thi. Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: Tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT; Thứ hai là cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: Tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.
Chấm theo thang điểm 10
Điểm mới nữa đó là trong dự thảo, Bộ GD-ĐT dự kiến chấm theo thang điểm 20 nhưng khi quy chế được ban hành thì lại quay về thang điểm 10 như trước đây.
Tối đa 40 thí sinh/phòng thi
Phòng thi được xếp theo môn thi; mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh; trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2m theo hàng ngang. Riêng phòng thi cuối cùng của mỗi môn thi được xếp đến 45 thí sinh; phòng thi cuối cùng của buổi thi môn ngoại ngữ (ở cùng địa điểm coi thi), được xếp các thí sinh dự thi các môn ngoại ngữ khác nhau, nhưng phải thu bài riêng theo môn.
Hạn cuối cùng nộp hồ sơ trước 30-4
Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi: Trước ngày 30-4 hằng năm. Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường phổ thông hoặc thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
4 đợt xét tuyển
Theo quy chế, thí sinh có 1 đợt xét tuyển nguyện vọng (NV)1 và 3 đợt xét tuyển NV bổ sung. Thí sinh dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển NV1 để đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển NV1, không được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ở các đợt xét tuyển tiếp theo; Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường khác.
Đối với ĐKXT NV bổ sung: Thí sinh dùng 3 bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các NV bổ sung để đăng ký; Kết thúc mỗi đợt xét tuyển NV bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ ĐKXT để ĐKXT đợt tiếp theo. Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc. Phiếu ĐKXT có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các NV này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)