Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2010

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm giúp các bạn học sinh kịp thời nắm bắt các thông tin trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng 2010, báo Giáo Dục đã có buổi trao đổi với TS Trần Thị Hà (ảnh) – Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau Đại học xung quanh vấn đề này.

* So với năm 2009, năm nay, quy chế tuyển sinh có gì mới không, thưa bà?

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính qui năm 2010 là năm thứ 9 thực hiện Đề án cải tiến công tác tuyển sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2002. Về cơ bản công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính qui năm 2010 vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như các năm trước.
Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội khoá XI về "tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả và thiết thực", đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực theo vùng miền, ngành nghề, chính sách xã hội và chất lượng tuyển chọn đầu vào, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2010 có một số điểm mới so với kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 như sau:

1. Đối tượng dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng

Đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề.

Người tốt nghiệp trung cấp nghề phải là người đã tốt nghiệp trung học cơ sở, học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo qui định của Bộ GD-ĐT.

2. Quy định về số thí sinh và số cán bộ coi thi cho mỗi phòng thi

Mỗi phòng thi theo danh sách chỉ xếp tối đa không quá 40 thí sinh và phải có hai cán bộ coi thi. Những phòng thi lớn cần sắp xếp cho phù hợp với số lượng qui định trên. Không xếp thí sinh thi môn tự luận cùng với thí sinh thi môn trắc nghiệm trong một phòng thi.

3. Nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển

Thí sinh có thể nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường.
Các trường tổ chức thu nhận hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh nộp trực tiếp tại trường, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu: Mở sổ theo dõi, vào số như nhận công văn đến; tổ chức thu nhận hồ sơ và lệ phí ĐKXT; cấp biên lai cho thí sinh khi đến nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT.
Hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của lịch công tác tuyển sinh, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.

4. Về việc xác định điểm trúng tuyển

Các trường xây dựng điểm trúng tuyển chung theo khối thi hoặc theo ngành đào tạo. Điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng được xác định theo qui định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỉ lệ trúng tuyển hợp lí giữa các nguyện vọng. Không hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt (trường có điểm trúng tuyển NV1 cao; trường đóng tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng Sông Cửu long; một số ngành nghề khó tuyển sinh) Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét quyết định.

5. Học phí đối với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập công bố công khai mức thu học phí theo tháng, học kì hoặc năm học (nếu tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, thì học phí cũng qui đổi theo tháng, học kì hoặc năm học) đối với khóa tuyển sinh năm 2010 trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính qui năm 2010". Học phí chỉ tính theo tiền đồng Việt Nam (VNĐ).

Về đề thi, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 cũng nêu rõ: Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ phải đạt được các yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của TS trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm (phần chữ nhỏ, các phần đã ghi trong văn bản quy định về điều chỉnh chương trình). Không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp.

* Bước vào mùa tuyển sinh năm 2010, bà có thể dành cho thí sinh một vài lời khuyên?

Theo tôi, khi thí sinh chọn trường cần chú ý đến 2 điều kiện. Thứ nhất đó là sức học của mình. Thời gian qua, điểm chuẩn vào các trường tương đối ổn định, không có nhiều đột biến, do đó, thí sinh nên lượng sức mình để chọn trường, chọn khoa cho phù hợp với sở thích của mình.
Thứ hai, thí sinh cũng nên dựa vào điều kiện kinh tế của gia đình để chọn trường. Hiện nay, các trường ĐH địa phương, ĐH vùng đều đào tạo đa ngành, do đó, rất thuận lợi cho thí sinh lựa chọn.

Điều nữa tôi muốn nói với thí sinh đó là thí sinh phải thật chú ý mục 2 khi khai hồ sơ. Tại mục 2 của phiếu đăng ký dự thi, tất cả thí sinh có NV1 đăng ký vào học tại các trường có tổ chức thi tuyển sinh đều phải ghi đầy đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi, mã ngành của trường mà thí sinh sẽ dự thi và có NV1 vào học.

Riêng thí sinh có NV1 học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các trường ĐH phải khai hồ sơ như sau: mục 2: chỉ ghi tên trường, ký hiệu trường và khối thi của trường mà thí sinh dự thi (không ghi mã ngành). Mục 3: ghi đầy đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi và mã ngành của trường không tổ chức thi hoặc của hệ CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các trường ĐH mà thí sinh có NV1.

Xin cảm ơn bà!

Nghiêm Huê (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)