Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Những điểm mới trong xét tuyển NV2, NV3?

Tạp Chí Giáo Dục

Trên thực tế, công khai thông tin hồ sơ đăng ký xét tuyển các nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 và cập nhật hằng ngày là điểm đổi mới quan trọng nhất và đem lại nhiều cơ hội lựa chọn, nâng cao khả năng trúng tuyển của thí sinh.
Kéo dài thời gian các đợt xét tuyển thêm 5 ngày; hằng ngày, các trường công bố công khai và liên tục cập nhật thông tin hồ sơ đăng ký xét tuyển lên trang web của trường; thí sinh được phép rút hồ sơ trong khoảng 15 ngày đầu của đợt. Đó là ba điểm đổi mới trong xét tuyển NV2, NV3 tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Trên thực tế, thí sinh được hưởng lợi như thế nào từ những thay đổi này?
Trước hết, có thể nói việc kéo dài thời gian xét tuyển không có nhiều ý nghĩa lắm. Có lẽ, khoảng thời gian 5 ngày này quan trọng hơn đối với hội đồng tuyển sinh của các trường, giúp họ bớt cập rập hơn trong công tác xét tuyển. Với thí sinh, kéo dài thời gian, mặt tích cực chỉ đơn thuần là giúp các em có thêm nhiều thời gian để suy tính song cũng có người cho rằng như vậy chỉ thêm sự đợi chờ căng thẳng.
Về việc thí sinh được phép rút hồ sơ đăng ký xét tuyển trong khoảng 15 ngày đầu của mỗi đợt xét tuyển, nhiều người cho rằng thực chất cũng không đem lại nhiều quyền lợi cho đa số thí sinh. Trên thực tế, số thí sinh ở gần các trường đại học, có thể trực tiếp đến để rút hồ sơ là rất ít. Phần lớn thí sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa các tỉnh lẻ dẫu có muốn rút lại hồ sơ cũng không dễ gì thực hiện được. Thay đổi này cũng có thể dẫn đến những tình huống gây rối cho hội đồng tuyển sinh các trường, chẳng hạn trong một vài ngày cuối cùng được phép rút hồ sơ, số thí sinh đến rút tập trung quá đông thì làm sao có đủ nhân lực để bảo đảm quyền lợi cho các em.
Dạo qua trang web của một số trường, có thể thấy tính đến ngày 7- 9, số thí sinh rút hồ sơ rất ít: Trường ĐH Thương mại có tổng hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 là 1153, số rút hồ sơ là 72; Trường ĐH Lao động Xã hội có 149 hồ sơ, có 37 thí sinh rút; Trường ĐH Thủy lợi có 342 hồ sơ, có 3 thí sinh rút; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 409 hồ sơ, 17 thí sinh rút; Trường Đh Văn hóa có 683 hồ sơ, không có thí sinh nào rút.
Việc các trường công khai thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đồng thời cập nhật thường xuyên trên trang web của trường là thay đổi có giá trị nhất đối với các thí sinh.
Thay vì chỉ căn cứ trên thông báo xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 của các trường (số lượng, điểm, khối thi…), từ đó cân nhắc trên kết quả thi của mình để nộp hồ sơ một khá “cầu âu”, giờ đây, thí sinh có thể tính toán cụ thể hơn, biết rõ số lượng cũng như thực lực của các “đối thủ” để có lựa chọn phù hợp. Tất nhiên, không thể đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối vì thông tin các trường đưa lên không thể cập nhật thường xuyên, liên tục mà nhanh nhất thường chỉ là đến hết ngày hôm trước. Vả lại cứ cho rằng trong điều kiện lý tưởng, các trường có đủ nhân lực để làm việc này thì danh sách hồ sơ vẫn còn có thể kéo dài hơn rất nhiều với các hồ sơ đang trên đường bưu điện.
Với việc công khai thông tin hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh, những ngày cuối cùng của mỗi đợt tuyển sinh mới là thời điểm các thí sinh có kết quả thi “khiếm tốn” quyết định nộp hồ sơ vào trường nào. Lượng thí sinh này rất lớn, vì vậy, sự biến động tiềm ẩn cũng rất lớn dẫn đến việc trúng tuyển của thí sinh điểm thấp vẫn chỉ là sự may rủi!
Theo NGỌC TRÁC
(NDĐT) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)