Đi du học, bạn phải làm "hướng dẫn viên" cho chính mình. Bạn cũng cần học thêm những kỹ năng như tuân thủ kỷ luật, tự tin, chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ, kết bạn với người lạ, khám phá cái mới…
Du học sinh Việt Nam ở New Zealand – Ảnh: NGỌC THANH
Có sự chuẩn bị chu đáo nhất, hành trình du học sẽ là một trải nghiệm quý giá và tươi đẹp của tuổi trẻ.
Nếu sắp đi du học, bạn có thể tham khảo những thông tin hữu ích dưới đây.
Không là chuyến du lịch dài ngày
Du học khác hoàn toàn đi du lịch. Với du học, bạn phải chủ động làm "hướng dẫn viên" cho chính mình ở nơi xa lạ, phục vụ chính mình, giúp chính mình giải quyết vô vàn vấn đề về ăn ở, đi lại, giao tiếp, liên lạc, thời tiết, sức khỏe, thủ tục giấy tờ… bên cạnh việc học hành, thi cử, vui chơi.
Sẽ có những hiểu lầm do khác biệt văn hóa, những lầm tưởng mang theo từ sách vở hay phim ảnh, những điều không như ý, nhưng bạn sẽ dần dần tích lũy được kinh nghiệm và kỹ năng quý báu để dùng cho cả cuộc đời.
Nếu bạn vận dụng được những đức tính tích cực của người Việt như kiên trì, chăm chỉ, cầu tiến, thân thiện, linh hoạt, bạn sẽ có thể giải quyết được phần lớn các vấn đề của một du học sinh.
Ngoài ra, bạn cũng cần học thêm những kỹ năng mới như tuân thủ kỷ luật, tự tin, chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ, kết bạn với người lạ, khám phá cái mới… để có thể tồn tại trong môi trường toàn cầu.
Độ tuổi nào cũng có thể du học
Mặc dù luật pháp một số nước có những quy định cụ thể về việc học sinh dưới 16 hoặc 18 tuổi phải có người giám hộ, nhưng việc rời nhà đi du học phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, và vào các yếu tố không nhất thiết gắn liền với tuổi tác như mức độ độc lập, kỹ năng sống, sự chín chắn trong việc xác định mục tiêu du học.
Thực tế, vẫn có một số du học sinh bậc thạc sĩ cảm thấy khó khăn khi ra nước ngoài, trong khi không ít học sinh xa nhà từ sau lớp 8 vẫn có thể sống tốt.
Do vậy, cha mẹ và các bạn học sinh nên trao đổi với nhau, để chọn ra một thời điểm lý tưởng nhất đối với mình, với gia đình mình, thay vì bị cuốn vào một phong trào nào đó.
Du học ở mỗi một thời điểm đều có những ưu điểm và nhược điểm, nhưng chính bạn phải quyết định xem điểm nào tương ứng với bạn và điểm nào không liên quan.
Tiếng Anh đời sống và tiếng Anh học thuật
Các trường đại học thường định ra một số điểm cụ thể nào đó cho các kỳ thi tiếng Anh tiêu chuẩn như IELTS hay TOEFL. Nhưng điều đó chỉ hàm nghĩa là một năng lực tiếng Anh tối thiểu, để giúp bạn "sống sót" trong môi trường học thuật.
Nằm bên ngoài cái tối thiểu đó, nếu bạn có năng lực tiếng Anh học thuật càng cao, bạn sẽ đọc giáo trình tiếng Anh tốt hơn, nghe giảng chính xác hơn, thuyết trình cũng hiệu quả hơn.
Bạn cũng cần cân bằng giữa tiếng Anh học thuật và tiếng Anh đời sống. Điểm 6.5 – 8.0 IELTS không đồng nghĩa với việc bạn có thể giao tiếp một cách trôi chảy những tình huống thông thường của cuộc sống hằng ngày.
Do vậy, việc học tiếng Anh đời sống thông qua kết bạn quốc tế, trò chuyện trên mạng, tham gia các diễn đàn tiếng Anh, hoặc coi phim bằng tiếng Anh sẽ giúp bạn hòa nhập tốt hơn vào cuộc sống của du học sinh.
Đừng giới hạn mình
Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand, Ireland… là các quốc gia nói tiếng Anh bản ngữ, và có nền giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên bạn không nhất thiết phải giới hạn mình bằng việc chỉ du học ở các quốc gia nói tiếng Anh.
Nếu bạn coi những quốc gia này là điểm đến tất nhiên của du học, có thể bạn sẽ bỏ qua rất nhiều nền giáo dục chất lượng (đôi khi còn miễn phí) ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Phần Lan…
Bạn không nên nghĩ: muốn giỏi tiếng Anh thì nhất định phải đến nước nói tiếng Anh, vì hiện nay tiếng Anh đã là ngôn ngữ toàn cầu. Bạn có thể tìm được những chương trình học bằng tiếng Anh, và người nói tiếng Anh thành thạo tại bất cứ châu lục nào trên thế giới.
Thú vị hơn nữa, một số bạn dù học ở nước này nhưng vẫn tìm kiếm các cơ hội để đi sang nước khác, đôi khi xa nửa vòng Trái đất.
Nghĩa là một du học sinh ở Mỹ không nhất thiết phải ở Mỹ trong suốt thời gian du học, mà có thể có mặt ở châu Âu, châu Úc, châu Á, châu Phi… thông qua du lịch, trao đổi sinh viên, khóa học ngoại ngữ, hội thảo, tình nguyện quốc tế…
Đừng mơ tưởng một công việc tốt khi về nước
Bạn không nên giữ suy nghĩ rằng có bằng cấp nước ngoài sẽ tự động được các doanh nghiệp trong nước săn đón.
Trên thực tế, các tổ chức đều chào đón tất cả sinh viên có khả năng sử dụng những tri thức từ trường đại học để giải quyết các vấn đề thực tiễn của họ; và trong số đó, lợi thế của sinh viên du học không hẳn nằm ở tiếng Anh hay bằng cấp nước ngoài như cách đây 20 năm, mà nằm ở những trải nghiệm thực tế về văn hóa, về network quốc tế, về cập nhật xu hướng…
Còn làm thế nào để biến những trải nghiệm đó thành một cơ hội công việc ở cả trong và ngoài nước, thì chính bạn mới có thể tìm câu trả lời chính xác nhất cho mình.
Trường tốt nhất là trường phù hợp mình nhất
Các bảng xếp hạng giúp bạn đánh giá sơ bộ được năng lực tương đối của các trường, và tránh được một số trường dỏm chuyên bán bằng cấp. Tuy nhiên, quan trọng hơn việc chọn trường thứ hạng cao là chọn một trường phù hợp.
Trường tốt nhất là trường phù hợp nhất với mục tiêu của bạn, hoàn cảnh của bạn, do vậy bạn cần cân nhắc một "tổ hợp" các yếu tố như: chuyên ngành học, chính sách học bổng, thời tiết, dịch vụ hỗ trợ, an toàn xã hội, chính sách chính phủ, cơ hội việc làm…
Một điểm nữa cần lưu ý, nếu mục tiêu của bạn là trở thành một chuyên gia có trình độ cao và cơ hội nghề nghiệp vững chắc trong tương lai, bạn nên quan tâm đến ngành học trước khi chọn trường học, vì một trường thứ hạng cao có thể không ưu tiên phát triển chuyên ngành mà bạn mong muốn theo đuổi.
Do vậy những kỳ vọng của bạn có thể không được đáp ứng ở trường "top".
Bình luận (0)