Sâu răng là những tổn thương ở tổ chức cứng của răng tạo thành lỗ trên bề mặt răng, có thể xuất hiện ở bề mặt thân răng hoặc chân răng.
Biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ CKII Đồng Văn Biểu – Trưởng khoa Răng trẻ em, Viện Răng Hàm Mặt Quốc gia, nguyên nhân sâu răng là do vi khuẩn sẵn có trong miệng, chủ yếu là Streptococcus Mutans. Khi có thức ăn, đặc biệt là đường và tinh bột dính trên bề mặt răng, các vi khuẩn này sẽ phân hủy thức ăn tạo nên acid ăn mòn men răng, tạo thành lỗ sâu. Vi khuẩn, acid, mùn thức ăn trên mặt răng sẽ tạo thành một màng dính vào răng, gọi là màng bám răng. Màng này rất dính và có ở tất cả các mặt răng, đặc biệt là răng hàm. Màng bám răng dần dần được khoáng hóa bởi các chất khoáng trong nước bọt và thức ăn tạo thành cao răng.
Nên khám răng định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh răng miệng – Ảnh: C.T.V
Sau khi men răng bị ăn mòn thành lỗ trên bề mặt răng, vi khuẩn và các thức ăn càng có điều kiện bám vào, do đó acid càng được “sản xuất” ra nhiều hơn. Tình trạng này khiến men và ngà răng càng bị phá hủy, lỗ sâu tiếp tục mở rộng và tiến về phía tủy răng. Sâu răng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng như: viêm tủy răng, viêm xương tủy hàm, nhiễm khuẩn huyết…
Bác sĩ Biểu lưu ý: “Những người bị tụt lợi hở cổ răng và chân răng thì màng bám răng sẽ bám lên và bắt đầu quá trình phân hủy thức ăn tạo acid trên bề mặt cổ răng và chân răng khiến mô cứng của răng bị ăn mòn khuyết thành lỗ sâu. Người VN nói chung còn thói quen dùng bàn chải cứng và chải răng ngang nên hay bị mòn cổ răng và chân răng làm lộ ngà chân răng. Ngà chân răng bị hở rất dễ bị sâu”.
Phát hiện răng sâu
Răng bị sâu sẽ có biểu hiện ê buốt khi có kích thích nóng lạnh, chua ngọt. Khi lỗ sâu tiến sát tủy răng thì tủy răng sẽ bị viêm.
Để phát hiện sâu răng, mọi người cần đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần. Lỗ sâu thường nằm trên mặt nhai, mặt ngoài và mặt trong của răng. Ở những vị trí này thường dễ phát hiện khi khám. “Trường hợp lỗ sâu nằm ở mặt tiếp giáp của hai răng thì khó phát hiện hơn, thậm chí nhiều trường hợp cần phải chụp X-quang để chẩn đoán” – bác sĩ Biểu cho biết.
Bác sĩ cũng lưu ý, với trẻ nhỏ còn răng sữa, cha mẹ có thể lưu ý để phát hiện sớm sâu răng với biểu hiện: thấy lỗ nhỏ hoặc chấm đen trên bề mặt răng. Đôi khi thấy thức ăn giắt trong kẽ răng mà khó lấy ra.
Ở giai đoạn muộn hơn, khi bị sâu răng, trẻ có thể kêu đau khi ăn các chất ngọt, nước lạnh hoặc đau khi thức ăn lọt vào.
Phòng ngừa sâu răng
Theo bác sĩ Biểu, để phòng bệnh, mọi người cần phải chải răng sau mỗi bữa ăn hoặc ít nhất cũng phải một lần trong ngày sau bữa tối. Rất tránh ăn vặt, nhất là ăn thức ăn ngọt. Chải răng đúng cách cũng góp phần quan trọng để làm sạch răng hoàn toàn, giảm nguy cơ sâu răng. Nên dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng, vì các kẽ răng thường vẫn còn đọng lại thức ăn sau khi chải răng.
“Dùng kem đánh răng có fluoride cũng là dự phòng cần thiết. Fluoride kết hợp với hydroxy apatid có trong kem đánh răng có tác dụng làm cho men răng cứng hơn, đặc biệt là các loại kem đánh răng có khả năng phòng ngừa sâu răng vượt trội . Do vậy, khả năng chống đỡ với vi khuẩn tốt hơn”, bác sĩ khuyên.
Bác sĩ Biểu cho biết thêm: Cần lưu ý, ở trẻ nhỏ, một số thói quen như ăn uống khi đi ngủ, bú bình kéo dài, dùng núm vú giả được làm ngọt khi đi ngủ là những nguy cơ gây sâu răng cao. Hiện tượng này còn được gọi là “hội chứng bú bình”. Ngoài ra, tình trạng răng lệch lạc, mặt răng có nhiều hố rãnh sâu, những răng mới mọc cũng dễ gây sâu răng. Vì vậy, với trẻ nhỏ, ngoài việc duy trì khám răng định kỳ, để phòng sâu răng, các bậc cha mẹ cần vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách. Cho trẻ ăn đủ các chất đạm, giàu calci, hoa quả. Hạn chế các chất đường. Cần loại bỏ các thói quen: ăn tối trước khi đi ngủ, ngậm cơm (ăn quá chậm). Tại các cơ sở răng hàm mặt hoặc các phòng Nha học đường có thể áp dụng: sử dụng nước súc miệng chứa fluoride 0,2%; trám bít hố rãnh.
Liên Châu (TNO)
Bình luận (0)