Từ kinh nghiệm của 2 đợt thi ĐH vừa qua và tình hình bước đầu chấm thi ĐH, một số giáo viên đưa ra những lời khuyên hữu ích trước khi thí sinh (TS) bước vào đợt thi cuối cùng trong ngày mai.
Môn hóa: Đi sâu vào kiến thức cơ bản và cụ thể
Cô Trần Thị Phụng – Tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) cho biết: “Đề thi CĐ mức độ khó sẽ thấp hơn 2 đợt thi ĐH. Tuy nhiên đề sẽ đi sâu hơn vào những phần kiến thức cơ bản, trọng tâm và cụ thể thay vì đặt ra những câu hỏi rắc rối đòi hỏi nhiều suy luận như đợt thi ĐH. Với phần bài toán, đề sẽ chú trọng tới dạng bài áp dụng định luật hơn bài toán suy luận như kỳ thi ĐH. Do vậy, TS cần chú ý nắm vững các kiến thức cơ bản, đặc biệt là lý thuyết và các định luật”.
Tiếng Anh: Phần đọc hiểu chưa chắc dễ hơn ĐH
Thầy Hà Ngọc Hiển – giáo viên tiếng Anh Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) khuyên: “Với phần từ vựng, đề CĐ dễ hơn ĐH. Riêng bài đọc hiểu vẫn sẽ là phần để phân loại TS. Kinh nghiệm các năm cho thấy, bài đọc hiểu đợt CĐ không hẳn dễ hơn ĐH. Từ 2 đợt thi ĐH vừa rồi có thể thấy xu hướng ra đề khá dài nhưng không khó hiểu mà vấn đề nằm ở câu hỏi”. Để làm tốt bài đọc hiểu, thầy Hiển cho rằng: “Trong 3 bài đọc hiểu, thường phần điền từ vào chỗ trống dễ hơn nên ưu tiên làm trước. Để làm tốt bài đọc, cách tốt nhất TS nên đọc trước để hiểu rõ câu hỏi rồi mới đến bài đọc và chọn đáp án.
Văn: Dễ nhưng không đơn giản
Cô Triệu Thị Huệ – Tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM cho rằng TS khi làm bài cần có chính kiến và cảm xúc thì bài văn mới hay. “Đề văn CĐ có thể sẽ nhẹ hơn đề thi ĐH một chút, nhưng không có nghĩa là đơn giản. Các em đã trải qua 2 đợt thi nên đã có dịp cọ xát với đề thi, rồi từ đáp án của bộ cũng có thể đối chiếu, rút kinh nghiệm về cách làm bài”, cô Huệ nói. Ở câu 1, TS dành ra khoảng 15-20 phút trả lời rõ ràng, rành mạch những kiến thức đã học chứ không nhất thiết phải làm thành một bài văn. Ở câu nghị luận xã hội, TS cần lưu ý quan sát, nắm bắt những vấn đề thời sự gần gũi đang diễn ra trong cuộc sống.
Sử: Nội dung đã ra ở ĐH vẫn có thể xuất hiện ở CĐ
Cô Nguyễn Kim Tường Vy – Tổ trưởng tổ sử – địa – giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM nhấn mạnh: “Nên nhớ nội dung đề thi ĐH không có nghĩa sẽ không ra lại trong kỳ thi CĐ, mà có thể sẽ ra theo một hướng khác, do đó các em không nên bỏ qua và cũng không nên học tủ”. Theo cô Vy, trong mỗi sự kiện lịch sử diễn ra, nếu TS không thể nhớ được chính xác ngày, tháng thì vẫn phải nhớ năm của sự kiện, và cố gắng nhớ được ngày, tháng, năm ở mốc quan trọng nhất của sự kiện. Ngoài ra, cô Vy đưa ra một số lưu ý giúp TS tránh sai sót trong quá trình làm bài: “Lỗi TS thường phạm nhiều nhất là trình bày không đúng trình tự logic câu hỏi, các mốc sự kiện theo dòng thời gian. Những bài làm không đi theo đúng các bước và cũng không có ý tương đồng với đáp án thì vẫn bị trừ điểm”. Cô Vy nói thêm: “Hình thức bài thi cũng rất quan trọng, những bài thi chữ quá xấu, sai chính tả, chữ không đọc được, trình bày luộm thuộm cũng dễ bị mất điểm. Ngược lại, những bài làm trình bày, diễn đạt tốt, dễ nhìn có thể được cộng thêm 0,25 điểm. TS cũng cần chú ý không nên để khoảng trống trong bài làm, điều đó cho thấy sự lúng túng về tâm lý, không mạch lạc trong logic khiến cán bộ chấm thi cũng có thể không cho tròn điểm”.
TS chuẩn bị thi CĐ đến Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM nhờ hướng dẫn thông tin trong ngày 13.7 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Toán: Đừng chủ quan khi tính toán
Thạc sĩ Phạm Hồng Danh – Trưởng bộ môn toán cơ bản Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết một số kinh nghiệm trong qua trình chấm thi: “TS thường sai do thiếu bình tĩnh khi làm bài, tính toán thiếu cẩn thận dẫn đến kết quả sai. Bên cạnh đó, có TS không nhớ kiến thức cũ để áp dụng tính toán. Đề môn toán đợt thi CĐ có thể sẽ dễ hơn nhưng TS không được chủ quan ở phần tính toán”.
Vật lý: Đề sẽ ít có câu khó
Theo ông Nguyễn Văn Phùng – Tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, qua quan sát các năm, có thể thấy mức độ đề thi CĐ nhẹ nhàng hơn thi ĐH, câu khó cũng rất ít. Mức độ khó so với đề thi ĐH khoảng 7/10. Vì thế các năm qua, nhiều trường CĐ lấy điểm chuẩn cao vì đề dễ hơn.
Sinh học: Sẽ không có phần giảm tải
Thầy Trần Ngọc Danh – Tổ trưởng tổ sinh học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM nhấn mạnh: “Cần chú ý là ban đề thi ĐH và CĐ khác nhau nên cách ra đề không giống nhau. Tuy nhiên, theo chỉ đạo chung, cấu trúc đề của ĐH và CĐ sẽ có những phần khá giống nhau. Một điểm cần chú ý nữa là trong đề thi ĐH vừa qua, không có phần giảm tải trong SGK cơ bản vì vậy TS không cần ôn phần này. Kinh nghiệm trong đợt thi ĐH vừa qua là có một số câu “gài bẫy”, nếu TS chủ quan, không đọc kỹ thì làm bài sẽ không chính xác. TS có xu hướng làm bài tập quá khó nhưng thực tế đề thi ít ra, vì vậy TS chỉ cần xem lại kiến thức trong chương trình là đủ.
Tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi
Hôm nay 14.7, TS dự thi CĐ sẽ làm thủ tục đăng ký dự thi (ĐKDT). Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đợt này có 454.211 hồ sơ TS ĐKDT, chiếm tỷ lệ 25% trong tổng số 1.812.592 hồ sơ dự thi ĐH, CĐ. So với năm 2011, tỷ lệ hồ sơ TS ĐKDT CĐ giảm 7,83%. Tỷ lệ hồ sơ giữa các khối như sau: khối A là 53,8%; A1 2,4%; khối B 16,6%; khối C 5,8%; khối D1 17,1%; khối khác 4,3%.
Trao đổi với PV Thanh Niên về những điều cần đặc biệt lưu ý trong kỳ thi, ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: “TS tuyệt đối không mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi vì đây là các lỗi chủ yếu dẫn đến kỷ luật đình chỉ trong 2 đợt thi vừa qua”.
Mặc dù 2 đợt thi vừa qua chưa có trường hợp nào mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi, nhưng các trường CĐ vẫn thực hiện tập huấn khá nghiêm túc về điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm nay. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành – Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, TP.HCM cho biết: “Giám thị sẽ cho TS đăng ký mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Nếu các em thấy cần thiết thì cứ sử dụng nhưng phải đảm bảo không gian lận, không gây ồn ào, không làm ảnh hưởng tới việc làm bài của TS khác. Nếu vi phạm thì dù không gian lận các em vẫn bị đình chỉ thi”.
Theo TNO
Bình luận (0)