Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những đội chiêng nữ nơi đại ngàn

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, trong các buôn làng của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa ở Lâm Đồng ra đời nhiều đội chiêng nữ. Và, tiếng chiêng ấy đã hòa vào mạch nguồn của dòng chảy văn hóa ngân vang giữa chốn đại ngàn…

Nghệ nhân nữ độc diễn chiêng

Tư duy thay đổi

Trước đây, trong đời sống tinh thần của người DTTS gốc Tây Nguyên hiện hữu quan niệm: “ching quăng, yăng mê” (chiêng cha, chóe mẹ); nghĩa là người đàn ông đánh chiêng, còn người nữ làm rượu cần. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, với sự tác động, “chung đụng”, giao thoa văn hóa; đồng thời trình độ học vấn, nhận thức xã hội của đồng bào các DTTS được nâng lên nên trong tư duy của họ đã có nhiều thay đổi. Thay đổi quan trọng nhất là vị trí của người phụ nữ trong các tộc người bản địa (Kơ Ho, Mạ, Churu, M’nông) dần dần được khẳng định trong đời sống xã hội.

Trong gia đình các tộc người DTTS bản địa có sự phân công công việc khá rạch ròi và được ràng buộc bởi luật tục. Dù có vị trí quan trọng trong gia đình, song trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng thì ngược lại người đàn ông giữ vai trò chủ chốt. Trước đây, trong các lễ hội cồng chiêng của người DTTS, nam giới là những người đánh chiêng, đánh cồng và thổi kèn còn những người phụ nữ nhảy múa phụ họa; nhưng hiện nay trong một số đội, nhóm cồng, chiêng có cả nam và nữ cùng diễn tấu. Đặc biệt, những năm gần đây ở Lâm Đồng đã hình thành và hoạt động nhiều đội chiêng nữ riêng biệt. Vấn đề này nói lên rất nhiều điều thú vị; đồng thời phản ánh sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức vốn “cố hữu” của người DTTS Tây Nguyên. Và, họ đã thổi vào đời sống văn hóa bản địa sắc thái mới…

Đại ngàn ngân vang tiếng chiêng Mẹ

Ở Lâm Đồng, từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh giao Sở VH,TT&DL hàng năm phối hợp với chính quyền và ngành văn hóa các huyện, thành phố luân phiên và đã tổ chức thành công 10 lần Lễ hội văn hóa cồng chiêng toàn tỉnh. Từ lễ hội này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ loại hình văn hóa cồng chiêng trong vùng đồng bào các DTTS trong tỉnh. Ngoài 12 đội chiêng của 12 huyện, thành phố, hiện nay trong các xã, các thôn, buôn đã hình thành và hoạt động hơn 100 đội, nhóm cồng chiêng thu hút hàng ngàn nghệ nhân tham gia biểu diễn. Đặc biệt, những năm gần đây xuất hiện trong các lễ hội văn hóa cồng chiêng toàn tỉnh có các nữ nghệ nhân cùng tham gia diễn tấu tạo ấn tượng mạnh đối với đông đảo người thưởng thức, nhất là du khách nước ngoài.

Từ sự xuất hiện đội chiêng nữ đầu tiên dưới chân núi Langbiang (buôn Bon Dưng, xã Lát, huyện Lạc Dương) gồm 6 nghệ nhân khá lớn tuổi; đó là những người đàn bà Kơ Ho – Lạch, Kơ Ho – Cil đánh chiêng tuổi đời đã qua 70, 80 mùa rẫy vẫn dẻo dai dóng lên âm vang những bài chiêng rộn ràng giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên hùng vĩ! Mạch nguồn như dòng Đạ Nhim ngày tháng cứ tuôn trào; để từ đó hàng chục đội chiêng nữ liên tiếp ra đời tại các buôn làng xa xôi dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, như:  mới đây tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, 12 cô gái Kơ Ho tuổi đời còn khá trẻ (người lớn tuổi nhất cũng mới 40) đã hội tụ lại thành lập đội chiêng nữ của riêng mình; mời các nghệ nhân về truyền dạy và chỉ trong một thời gian ngắn đội chiêng này đã tấu nhuần nhuyễn 3 bài chiêng cơ bản: Gungme (Đón khách), Chingting (Mừng chiến thắng) và Rơhrach (Đuổi chim) và có mặt trong các cuộc đua tài với các đội chiêng khác trong vùng…

Điều đáng quý là nghệ nhân trong các đội chiêng nữ đều là nông dân, ngày lên nương rẫy tối về thả hồn theo các điệu chiêng trầm, bổng rộn ràng mời gọi khách bước vào điệu xoan Tây Nguyên bên chóe rượu cần sóng sánh hương mật của núi rừng…

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, lãnh đạo huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề tập trung việc bảo tồn giá trị văn hóa của các DTTS đang sinh sống trên địa bàn, nhất là các xã vùng DTTS, các cụm dân cư có các nhóm dân tộc đặc thù để xây dựng các mô hình mới; đội chiêng nữ thị trấn Đinh Văn ra đời đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Sắp tới lãnh đạo huyện sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn huyện…

Theo Sở VH,TT&DL tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây, ngành văn hóa đã phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh tổ chức hơn 100 lớp truyền dạy kỹ thuật đánh cồng, đánh chiêng cho đông đảo nam, nữ thanh niên các DTTS (do các nghệ nhân lớn tuổi, giàu kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy). Đây là những hạt nhân sẽ bổ sung lực lượng đáng kể, có chất lượng cho các đội chiêng, nhóm chiêng tại các địa phương trong tỉnh.

Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)