Hầm Thủ Thiêm rút ngắn khoảng cách Đông – Tây TP.HCM
|
Các dự án quy mô trên địa bàn TP.HCM trong nhiều năm trở lại đây không chỉ mang lại dáng vóc mới mà còn tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Và những thành công ấy là kết quả của quá trình làm việc tâm huyết, sáng tạo, vượt qua khó khăn của lãnh đạo TP, của ngành giao thông vận tải (GTVT) cùng với sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân.
Nhiều công trình tiêu biểu
Suốt 37 năm qua, TP.HCM luôn là địa phương đi trước mở đường và đã có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của ngành GTVT cả nước: Từ việc khôi phục lại hệ thống GTVT ngay sau ngày giải phóng, duy trì và khai thác tốt mạng lưới GTVT hành khách, hàng hóa phục vụ đi lại của người dân đến việc xây mới nhiều công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị quan trọng, có vai trò và ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể là các công trình tiêu biểu như: Hệ thống đường trục Bắc – Nam với nhiều cầu lớn (cầu Ông Lãnh, Nguyễn Tri Phương, Tân Thuận 2, Khánh Hội…). Hệ thống trục đường Đông – Tây, các tuyến đường trục chính cửa ngõ (đường Trường Chinh, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13), các tuyến đường kết nối vùng (đường Xuyên Á, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương), các dự án cải thiện môi trường, chống ngập nước khu vực trung tâm… Nhiều công trình mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tầm cỡ khu vực như đường Nguyễn Văn Linh, đại lộ Đông – Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt), hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ. Hiện nay, TP.HCM có nhiều tuyến đường đẹp làm khách phương xa ngỡ ngàng. Những con đường rộng thênh thang, lấp lánh ánh đèn khi màn đêm buông xuống làm cho TP như rộng lớn thêm. Có những tuyến đường đánh thức cả một vùng đất hoang sơ, tạo diện mạo mới cho TP thân thương. Đại lộ Võ Văn Kiệt đã khơi dậy tiềm năng cho khu vực Q.2, Q.1 nói riêng và nhân dân TP.HCM nói chung bởi sự tiện lợi. Bây giờ, người dân từ ngã ba Cát Lái muốn sang Q.1 không còn phải đi vòng theo những cung đường nhỏ hẹp hoặc phải qua phà Thủ Thiêm mất 15 đến 20 phút mà đã rút ngắn khoảng cách đáng kể nhờ hầm Thủ Thiêm. Giờ đây, muốn đi miền Tây, người dân chỉ cần chạy thẳng một đường tới huyện Bình Chánh, rẽ phải về Long An rồi đi khắp miền Tây sông nước thay vì chạy xuyên tâm TP thường xuyên bị kẹt xe như trước kia.
Xây dựng TP mở
Nếu như trong giai đoạn 2001-2008, TP.HCM chủ yếu tập trung cải tạo, nâng cấp và chống xuống cấp hệ thống cầu đường thì trong 5 năm qua, TP đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng giao thông. Nhiều công trình trọng điểm đã được xây dựng và đưa vào khai thác, góp phần hiện đại hóa mạng lưới giao thông lớn nhất cả nước. Theo đồ án quy hoạch hệ thống giao thông TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, giao thông đô thị TP.HCM sẽ được xây dựng theo quan điểm “TP mở”, nối liền các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp… để hỗ trợ phát triển đồng bộ, khai thác tốt thế mạnh về kinh tế – xã hội tổng hợp của toàn vùng. Sự phát triển nhanh hệ thống cầu đường, sớm hình thành các đường vành đai, các trục đường xuyên tâm, đường kết nối đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại và khu dân cư đông dân, dần dần tạo sự đi lại thuận lợi theo hướng Đông – Tây và Bắc – Nam của TP, kết nối và tạo cho đô thị phát triển nhanh dọc hai bên bờ sông Sài Gòn. Trong các buổi làm việc mới đây, lãnh đạo TP đã xác định đầu tư cho hạ tầng giao thông vẫn là một trong những ưu tiên đột phá trong năm 2012 và những năm tới. Hiện nay, Sở GTVT TP.HCM đang tập trung đầu tư và hiện đại hóa các hệ thống GTVT. Trong đó, tập trung xây dựng các tuyến đường vành đai, các tuyến đường trọng điểm, đường sắt, giao thông thủy, mở đường cho phát triển kinh tế xã hội. Đó cũng là một trong 6 chương trình đột phá của Đảng bộ TP. Ngành GTVT cũng đang hết sức nỗ lực, quyết tâm chuyển từ tư duy quản lý ngành để theo kịp đà tăng trưởng kinh tế – xã hội sang cách tiếp cận mới là quản lý theo hướng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.
Bài, ảnh: Hà Anh
Tới đây, TP sẽ tiếp tục áp dụng rộng rãi các hình thức mới như: BOT, BT, BOO, PPP để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Khi các công trình có quy mô lớn huyết mạch như Dự án đường Tân Sơn Nhất, Bình Lợi, vành đai ngoài, Dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu kinh Thanh Đa, cầu Phú Long… đi vào sử dụng sẽ góp phần kéo giảm tình trạng kẹt xe, thúc đẩy kinh tế, hoàn thiện diện mạo đô thị mới, văn minh và hiện đại. |
Bình luận (0)