Cả hai ngôi vị quán quân và á quân cuộc thi lập trình sáng tạo Youth-On! Hackathon 2024 do UNICEF phối hợp với Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK), ĐH Đà Nẵng tổ chức đều gọi tên hai dự án liên quan đến sự kết nối, hỗ trợ dành cho các đối tượng người không may bị khiếm thị và khiếm thính. Dự án được đánh giá cao không chỉ bởi tính ứng dụng thực tiễn mà còn có giá trị nhân văn…
Giúp người khiếm thị hình dung về không gian sống
Sau 3 tháng lên ý tưởng, nhóm 5 bạn gồm Hồ Phong Lĩnh, Phùng Lam Quỳnh, Nguyễn Hữu Hoàng, Nguyễn Sỹ An cùng là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng và Trần Nguyễn Duy Tân sinh viên Trường ĐH Bách Khoa – ĐH Đà Nẵng đã hoàn thiện dự án “Thiết bị hỗ trợ mô tả không gian cho người khiếm thị”.
Trưởng nhóm Phong Lĩnh cho biết, ý tưởng của nhóm xuất phát từ một lần quan sát cách người khiếm thị tiếp nhận thông tin. Để hình dung một vật thể, thay vì quan sát thì người khiếm thị dùng xúc giác để hình dung vật thể đó. Trăn trở trước hình ảnh đó, Lĩnh cùng nhóm bàn bạc và quyết tâm giúp những người khiếm thị kém may mắn biết được thế giới xung quanh họ đẹp và tuyệt vời như thế nào từ đó giúp người khiếm thị cảm thấy yêu đời và trân trọng cuộc sống vốn có. “Nhóm đã suy nghĩ đến thiết bị hỗ trợ mô tả không gian dành cho người khiếm thị thông qua cảm nhận xúc giác bắt đầu từ đó”, Lĩnh nói.
Sau thời gian đưa ra ý tưởng, nghiên cứu và thực hành, nhóm hoàn thành thiết bị với nhiều chức năng hỗ trợ cho người khiếm thị. Theo đó, thiết bị được vận hành với một găng tay, ở trên mỗi đầu ngón tay có gắn những motor rung. “Nhóm đã ứng dụng thư viện opencv để chia tỉ lệ bảng vẽ đúng với tỉ lệ ảnh để từ đó mã hóa tọa độ ngón tay trên bức ảnh trong quá trình tập huấn sử dụng cho người dùng hoặc các hoạt động học tập. Tương ứng với mỗi điểm ảnh, thiết bị sẽ đo mã màu RGB và băm xung với chu kỳ và cường độ tương ứng để người khiếm thị có hình dung khái quát về hình ảnh. Ngoài ra nhóm còn sử dụng thêm censor màu sắc để người dùng có thể cảm nhận được trên các vật thể trực tiếp”, Lĩnh chia sẻ.
Trong khoảng thời gian ngắn, nhóm gặp không ít khó khăn khi thực hiện đề tài. Khó nhất là làm sao để mã hóa tọa độ chính xác ngón tay lên ảnh, nâng cường độ rung tối đa lên để người dùng có thể phân biệt nhiều loại màu hơn. Ngoài ra, nhóm còn gặp khó khăn trong việc tìm các linh kiện để phù hợp với sản phẩm và giá thành, từ đó tối ưu hóa hiệu năng của thiết bị.
Xuất sắc giành ngôi vị quán quân, Lĩnh cho biết: “Trong tương lai, nhóm mong muốn cải thiện để thiết bị nhỏ gọn hơn, thuận tiện hơn trong việc sử dụng. Ngoài ra, nhóm mong muốn cải thiện sản phẩm tốt hơn với sự cải thiện về linh kiện để nâng cao độ chính xác và dễ sử dụng đối với người dùng”.
Kết nối giúp người khiếm thính hòa nhập
Lâu nay, người khuyết tật giọng nói rất ít có môi trường giao tiếp. Thông thường, ngôn ngữ ký hiệu chỉ được dùng trong cộng đồng những người mắc khuyết tật này, một số rất ít người bình thường có thể giao tiếp được với người khuyết tật câm bằng ngôn ngữ ký hiệu. Đó là rào cản vô cùng lớn, tạo ra khoảng cách khó hòa nhập.
Nhóm 5 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng đã đưa ra ý tưởng và hoàn thiện dự án “Phần mềm hỗ trợ học tập ngôn ngữ ký hiệu”. Nhóm trưởng Đỗ Trần Khánh Vinh cho biết, thường người khiếm thính chưa hoặc ít nhận được sự hỗ trợ và quan tâm từ người khác. Trong cuộc sống và công việc hàng ngày họ khó giao tiếp với người bình thường. Từ đó, nhóm nghĩ cần tạo ra sự kết nối để đối tượng yếu thế nào có thể hòa nhập cộng đồng một cách tốt hơn.
Phần mềm dành cho những người có mong muốn học ký hiệu kể cả người khiếm thính và người bình thường. Khi mở phần mềm sẽ tích hợp các kiến thức cơ bản như các dạng chào hỏi, từ vựng thông dụng và nâng dần lên các chủ đề khác trong cuộc sống. Cùng với lý thuyết, phần mềm còn có thêm các video hướng dẫn ký hiệu để người học có thể dễ dàng tiếp cận.
Sẽ phát triển các chức năng AI có độ chính xác cao hơn, mở rộng ngôn ngữ các vùng miền để người học dễ dàng học được. Đồng thời, phát triển thêm chức năng giao tiếp song song giữa người bình thường và người khiếm thính, chuyển đổi thành chữ viết để hai bên dễ hiểu nhau hơn trong cuộc nói chuyện.
Bà Silvia Danailov – Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam chia sẻ, với chủ đề cuộc thi năm nay là “Học tập thông minh trong kỷ nguyên AI”, các em học sinh từ 12 đến 19 tuổi trên địa bàn TP.Đà Nẵng có thêm cơ hội phát triển kỹ năng lập trình, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm trong việc tạo ra các giải pháp công nghệ sáng tạo hỗ trợ cộng đồng. Kiến tạo không gian gặp gỡ và kết nối cho các bạn học sinh có cùng đam mê, đồng thời nhận được sự đồng hành từ các cố vấn chuyên môn xuyên suốt cuộc thi. Từ đó, thúc đẩy phong trào tự học tập, nghiên cứu sáng tạo, hướng nghiệp cho học sinh lựa chọn lĩnh vực công nghệ thông tin để phát triển nghề nghiệp cho bản thân và đáp ứng nhu cầu thị trường nhân lực ngày càng cao trong xu thế chuyển đổi số. “Chúng ta đang sống trong thế kỷ mà sự phát triển về công nghệ cũng như trí thông minh nhân tạo đang thay đổi nhanh chóng từng khía cạnh cuộc sống. Các bạn trẻ qua đó có thể tận dụng những tiềm năng của AI cho việc học tập cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho bản thân, người thân và cộng đồng của mình một cách tốt hơn. Tôi rất vui khi các dự án của các bạn không chỉ thể hiện sự bắt nhịp với kỷ nguyên số mà còn hướng đến cộng đồng của mình, vì cộng đồng, nhất là các đối tượng yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Hàn Giang
Bình luận (0)