Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những đứa trẻ ấy, mai này, rồi sẽ ra sao?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tôi không mong những bậc phụ huynh dạy con mình phải biết ơn cô giáo, nhưng không chấp nhận cách ứng xử của cha mẹ khiến những đứa trẻ coi thường chính cô giáo đang trực tiếp dạy dỗ mình.

Thấy thằng nhóc nhà tôi có vẻ trầm lặng hơn kể từ khi đi nhà trẻ, anh hàng xóm lưu ý: “Phải để ý nha. Con nít chỉ thích đến những nơi nào chúng được thương thôi. Coi chừng nó bị mấy bà cô đánh”.

Cùng với lời nhắc nhở, anh kể chúng tôi nghe về câu chuyện đến trường của con anh, mà kinh nghiệm ứng xử ở trường học, với các cô giáo, anh có đầy mình.

Anh kể với tôi rằng, hồi đứa con đầu lòng của anh đi nhà trẻ, mặc dù có đưa phong bì, nhưng không biết cô giáo mầm non đã chăm con anh thế nào mà một hôm anh đón con về nhà với dấu vết bàn tay đỏ hồng còn in trên mông. Thằng bé méc với anh là bị cô giáo đánh.

Vậy là anh tức tốc tới trường đòi đánh cô giáo. Hoảng quá, cô giáo khóa chặt cổng để ngăn anh vào trong. Anh gọi xe kéo đến, kéo đổ cổng trường. Vụ việc ồn ào phải nhờ đến công an giải quyết. Cô giáo cuối cùng đích thân xin lỗi anh và cả đứa trẻ của anh.

Nhung dua tre ay, mai nay, roi se ra sao?
Cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của con cái

Kể từ đấy, mỗi năm con lên lớp mới, anh và cô giáo mới của con mình đều có những thỏa thuận riêng với nhau. Điều kiện đầu tiên do anh đặt ra, con trai anh mà bị đánh thì phong bì của cô giáo sẽ bị cắt. Ngoài ra, anh còn treo mức thưởng: Nếu con anh tăng một kg, cô giáo sẽ được thưởng năm trăm ngàn đồng. Số tiền thưởng cứ theo số ký con anh tăng mà nhân lên.

Tôi nghe mà thấy lòng chua chát. Từ bao giờ, nghề giáo trở nên thấp kém đến như vậy? Cũng là một giáo viên, tôi đã từng gặp những tình huống khá oái ăm.

Ví như một lần trên chuyến tàu đêm, vô tình chỗ ngồi của tôi đối diện với một cô gái, mà chỉ cần cái nhìn đầu tiên, tôi đã nhận ra đó là học trò cũ của mình. Cô học trò thì thỉnh thoảng nhìn tôi, hai hàng chân mày nhíu lại ngay giữa trán, có vẻ đang cố lục lọi trí nhớ. Đến khi bất lực đầu hàng, em thẽ thọt: “Em thấy chị quen quen mà không nhớ nổi là gặp ở đâu”.

Bất ngờ trước câu thú nhận, tôi cố giữ cho mình không cười, mặc dù muốn bật cười trước câu nói đó. Sau này, khi kể lại câu chuyện với những người đồng nghiệp, tôi nhận được những thái độ bực tức, chủ yếu hướng về cô bé, cho rằng cô là một đứa học trò “vô ơn”.

Tôi thì không nghĩ vậy. Đời giáo viên, nếu được học trò yêu thương là một hạnh phúc. Nếu chưa, tôi cần phải xem lại mình. Nhưng đừng bắt học trò phải biết ơn, bởi đó là suy nghĩ của những người ban ơn. Mà tôi ban cho học trò ơn huệ gì, ngoài việc làm tốt trách nhiệm của mình để nhận lương, là một cái nghề như bao nhiêu cái nghề khác ngoài xã hội.

Tôi không mong những bậc phụ huynh dạy con mình phải biết ơn cô giáo, nhưng không chấp nhận cách ứng xử của cha mẹ khiến những đứa trẻ coi thường chính cô giáo đang trực tiếp dạy dỗ mình.

Tôi nói như thế là vì, những điều người hàng xóm thỏa thuận với cô giáo, những đứa trẻ của anh biết rõ, bởi anh luôn kể bằng niềm tự hào để mọi người biết rằng, anh là một người cha đủ sức mạnh để bảo vệ những đứa con của mình. Cùng với niềm tự hào của cha, những đứa trẻ tin vào một đặc quyền riêng khi đến lớp: sẽ không ai dám đụng đến chúng, kể cả cô giáo của mình, bởi cô đã được ba cho tiền.

Đặc quyền riêng đó được lặp lại khi tối hôm qua, người công nhân vệ sinh vừa xuất hiện, tôi nghe tiếng thằng bé từ trong nhà vọng ra: “Cô dọn rác trước nhà con cho sạch rồi ba con mới thưởng tiền”.

Cách hành xử của phụ huynh, bàn tay đưa ra nhận những đồng tiền thưởng “vô lý” của cô giáo đã tác động đến quá trình phát triển nhân cách nơi đứa trẻ. Tôi cảm thấy lo lắng. Những đứa trẻ ấy, mai này, rồi sẽ ra sao?

Điều làm nên nhân cách của một con người, đặc biệt là trẻ em, ngoài cái gọi là căn tính, là môi trường xã hội, và phần nhiều phụ thuộc vào cách giáo dục của gia đình. Giáo dục trẻ em, quan trọng không phải là những lời hay ý đẹp người lớn nói, mà là giáo dục thông qua hành vi thực tế.

Chính hành động thực tế khiến trẻ nhớ sâu hơn là những lời dạy mang tính lý thuyết. Thế nên, phụ huynh nói chung và người làm thầy luôn phải nêu gương. Sự "nêu gương" trong giáo dục là tự giác tuân thủ chính những giá trị và chuẩn mực văn hoá mà mình coi trọng, từ đó, nhiều điều tốt lành trong cuộc sống cũng sẽ theo đó mà lan toả …

Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình biết trân trọng giá trị lao động, ứng xử lịch thiệp, biết nghĩ tới người khác và một môi trường văn hoá tốt đẹp (là trường học, thầy cô, bạn bè) sẽ có nhân cách tuyệt vời. Đừng để con mắt nhìn mọi sự nhuốm màu vật chất của người lớn hình thành trong những đứa trẻ suy nghĩ: sự tận tâm chỉ xuất hiện khi có tiền.

Thu Lê/ PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)