Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những đứa trẻ bị “bỏ quên”

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu được sự quan tâm của cha mẹ, trẻ sẽ phát triển tốt (hình mang tính minh họa)

Bận rộn với chuyện kiếm tiền, nhiều ông bố, bà mẹ đã sao nhãng con em mình. Điều này đã tạo ra những “khoảng cách” ngày càng xa giữa các thành viên trong gia đình. Chuyện này không mới, những cũng chẳng bao giờ cũ, nhất là trong xã hội ngày nay.
“Mô côi” ngay trong nhà mình
Trà My (sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) tâm sự: “Em phải học cách tự chăm sóc bản thân mình từ khi còn bé xíu, bởi bố mẹ thường xuyên vắng nhà. Nhiều lúc em thèm đến rơi nước mắt và ao ước người chờ em trước cổng trường lúc tan học là bố, hoặc mẹ giống như các bạn. Bố mẹ ra khỏi nhà từ rất sớm và để lại cho em rất nhiều tiền. Em rất sợ về nhà vì ngôi nhà quá rộng nhưng vắng vẻ. Buổi tối, khi em buồn ngủ díp mắt, bố mẹ vẫn chưa về…”.
Một ngày, một tuần, một tháng của Trà My đã trôi đi như thế. Không biết bao nhiêu đêm nước mắt Trà My đã rơi ướt đẫm gối vì thèm hơi ấm từ vòng tay của bố, mẹ. Ước mơ suốt thời phổ thông của em chỉ đơn giản là được ngồi ăn cơm cùng bố mẹ, được bố mẹ chở đi đến trường học và khi tan học lại được đón về. Thế nhưng ước mơ cũng chỉ là mơ ước.
Có những hôm đi học về sốt cao, nằm li bì, người chăm sóc Trà My từng thìa cháo không phải là mẹ, là bố mà là người giúp việc hay bác hàng xóm tốt bụng ngay sát nhà.
Khoán con cho osin
Vợ chồng anh Tâm làm nghề buôn bán, thường xuyên phải đi theo xe áp tải hàng về các tỉnh. Do đó, họ “khoán trắng” đứa con mới hơn 1 tuổi cho osin.
Giúp việc cho gia đình anh chị là một cô bé mới 18 tuổi chưa hề có kinh nghiệm nuôi trẻ nên Lan (con anh chị) dù được uống những loại sữa, ăn thức ăn đắt tiền nhất nhưng vẫn còi cọc, suy dinh dưỡng. Điều đáng nói là có khi cả tháng bé Lan không được nhìn thấy mặt ba mẹ. Bởi có hôm ba mẹ về thì Lan đã ngủ, sáng hôm sau họ đi từ sớm khi Lan chưa dậy.
Những khi ba mẹ ở nhà, Lan cũng chẳng quan tâm, hình như nó không có khái niệm cần bố hay mẹ, luôn lủi thủi chơi một mình. Sở thích của Lan là chui vào góc nhà chơi một mình, có hôm còn đi vệ sinh ngay tại chỗ. Gần 3 tuổi mà bé vẫn chỉ bập bẹ được mấy từ “ê, a”. Thấy con có những biểu hiện không bình thường, đưa con đến bác sĩ, vợ chồng anh Tâm mới té ngửa khi biết đó là những biểu hiện của bệnh tự kỷ. Lúc đó, vợ chồng anh mới thấy hối hận. Họ hiểu ra, dù kiếm được nhiều tiền nhưng với căn bệnh mà đứa con mắc phải thì số tiền đó cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Mỗi lần nhắc đến con, chị Thu mẹ bé Lâm lại khóc: “Nếu được chọn lại, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho con, đứa trẻ không phải con búp bê để mình muốn để đâu thì để…”.
Chiều quá hóa hư
Em chưa biết mình sẽ tiếp tục sống ra sao trong một gia đình mà không thấy ai yêu thương mình. Đã có những lúc em muốn ngủ một giấc thật dài và không bao giờ phải tỉnh lại…”. Đó là những dòng nhật ký của Tuấn.
Để quên đi cuộc sống buồn chán hiện tại, Tuấn thường xuyên nói dối cha mẹ cần tiền đóng học phí để vào các quán internet hoặc la cà nhậu nhẹt với bạn bè. Đương nhiên, không bao giờ cha mẹ Tuấn từ chối. Thậm chí, đang học lớp 11, cậu đòi mua xe tay ga, họ cũng “Ok”.
Vì muốn gì được nấy, nhưng lại thiếu sự quan tâm của cha mẹ nên từ một đứa con ngoan, Tuấn trở thành một đứa hay đua đòi, a dua theo bạn bè.
Đau lòng nhất phải kể đến trường hợp của Lê Minh, cũng vì thiếu sự quan tâm của bố mẹ mà cậu đã sa vào hút chích, kết giao với đám thanh niên lêu lổng. Đến khi gia đình phát hiện đồ đạc trong nhà dần dần đội nón ra đi thì Minh đã nghiện nặng.
Sau đó, bố mẹ đã đưa Minh vào trại cai nghiện, hy vọng có thể cứu vãn được tương lai của con. Mẹ Minh kể: “Có lần đến trại thăm con, nó ôm chầm lấy tôi khóc nức nở và tỉ tê rằng, con đã từng mong được ba mẹ động viên thăm hỏi thường xuyên; mong ba mẹ không cãi vã, đánh lộn để có một gia đình hạnh phúc nhưng tất cả chỉ là một giấc mơ”.
Thái Khuê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)