Đừng để “bóng ma” HIV/AIDS ám ảnh các em suốt cuộc đời |
Cha đi tù về rồi chết, mẹ cũng vào nhà đá bóc lịch, từ đó bé phải sống với bà nội. Và cũng từ đó, bà con lối xóm nhìn bé với ánh mắt nghi ngờ. Bạn bè cùng trang lứa dần xa lánh bé. Tất cả cũng chỉ tại “bóng ma” HIV/AIDS, nó ám bé suốt cả cuộc đời…
Ăn mì tôm thay cơm
Nếu không phải gặp Lưu Thảo (học sinh một trường THCS trên địa bàn Q.Thủ Đức) ở hội trại dành cho trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (gọi tắt là trẻ OVC) tôi sẽ không thể tin em có một hoàn cảnh đáng thương như vậy. Bởi khuôn mặt bầu bĩnh và ánh mắt long lanh của em đã che đi cái u ám trong gia đình em…
Ngày Lưu Thảo bước vào lớp 1 cũng là ngày cánh cửa nhà tù đóng sập lại sau lưng người cha thân yêu của em. Ba năm sau, chẳng hiểu vì cớ sự gì, mẹ của Lưu Thảo cũng vào tù “nghỉ dưỡng”. Từ đó, em sống với bà nội hơn 70 tuổi. Ngày ngày, cháu đi hái rau muống đem về cho bà bào và mang ra chợ bán lấy 10 ngàn đồng. Hai cái miệng ăn, dẫu rằng một già, một trẻ nhưng 10 ngàn đồng thì có thể mua được gì để ăn. Thế nên bà cháu cứ phải ăn cơm với rau muống hoài. Cũng có khi phải ăn mì tôm độn rau muống thay cơm. “Gần hai tháng nay con phải ăn mì tôm hoài”, rơm rớm nước mắt Lưu Thảo nói.
Khoảng 2 năm về trước, khi hay tin ba được thả về, hai bà cháu Lưu Thảo vui lắm. Gặp ai ở xóm, em cũng hớn hở khoe: “Ba con sắp về rồi”, dù phía sau câu nói của em là thái độ hững hờ của nhiều người. Chờ mãi rồi ba em cũng về, nhưng… hình như không phải là ba. Đó là một người đàn ông già nua, người gầy còm, da thịt thì lở loét. Ông ta không tự đi được mà phải nằm trên cáng để mấy chú công an khiêng vào nhà. Lúc các chú công an đi rồi, Lưu Thảo chạy lại nhìn rồi quay qua nội hỏi: “Có đúng là ba con không hả nội?”. Em không thấy bà lắc đầu, như vậy đích thị người đàn ông đang nằm thoi thóp trên tấm ván kia là ba em.
Từ ngày ba về, Lưu Thảo trở thành trẻ OVC và được hưởng một khoản trợ cấp khoảng hai trăm ngàn đồng. Đối với bà cháu em, số tiền đó như vậy cũng là nhiều. Nhưng so với sự xa lánh của hàng xóm, bạn bè thì chẳng thấm vào đâu.
“Hồi trước, thỉnh thoảng bạn bè còn tới nhà con chơi, lâu lâu cũng có mấy bà hàng xóm qua nhà trò chuyện với nội nhưng nay thì chẳng ai thèm tới. Thậm chí mấy bạn ngồi cùng bàn với con đã xin cô giáo cho chuyển bàn khác. Con buồn lắm, chỉ muốn nghỉ học thôi…”, Lưu Thảo tâm sự.
Một năm học ở 4 trường
Từ ngày ba mất vì căn bệnh quái ác – AIDS, cuộc sống của Bích Tân và mẹ trở nên khó khăn gấp vạn lần. Ngày ba còn sống tuy nằm bệnh liệt giường nhưng mọi người không biết là bệnh gì nên quán bún xào của mẹ em lúc nào cũng tấp nập người ăn. Bởi nó không chỉ ngon mà còn rẻ và khá sạch so với những quán ăn sáng gần đấy. Ngày ba mất, biết rằng đấy là sự giải thoát cho cả ba lẫn mẹ con Bích Tân nhưng hai mẹ con vẫn thấy hụt hẫng, trống trải. Khoảng một tuần sau đám tang ba, mẹ con Bích Tân trở lại với cuộc sống thường ngày. Để chuẩn bị cho buổi bán hàng vào sáng mai, cả buổi chiều hôm trước, mẹ của Bích Tân đã phải đi chợ mua đồ rồi về nhà cặm cụi chế biến. Cứ tưởng, sau một tuần nghỉ bán sẽ có nhiều khách. Nào ngờ… chị Lan ngồi từ 6 giờ sáng đến gần 10 giờ trưa mà chỉ có lèo tèo vài người khách ghé vào. Đó toàn là khách lạ. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày… cứ ế ẩm như vậy, chị Lan chợt hiểu ra mọi người không dám ăn bún xào của chị vì sợ lây HIV/AIDS.
Tình cảnh của Bích Tân còn tệ hơn nhiều. Vốn học giỏi nên em được các bạn rất quí mến nhưng sau ngày ba mất, bạn bè không ai chơi với em nữa. Nhiều bạn trong lớp chẳng hiểu vì lý do gì đã xin chuyển sang lớp khác, trường khác. Rồi một ngày cô giáo chủ nhiệm tìm đến nhà và nói với mẹ rằng hãy chuyển trường cho em, nếu không các bạn trong lớp sẽ nghỉ học hết. Không còn cách nào khác, chị Lan đành xin cho con tới học ở một trường cách nhà gần 7km. Nhưng Bích Tân cũng chỉ học ở trường mới được hai tháng thì cô hiệu trưởng mời phụ huynh của em lên. Không biết cô hiệu trưởng và mẹ đã nói chuyện gì nhưng đó là buổi học cuối cùng ở ngôi trường này của Bích Tân.
Không đành lòng để con nghỉ học giữa chừng, chị Lan xin cho con học tại một trường xa hơn (cách nhà tới 10km, ở một quận khác). Hai tháng, ba tháng không thấy cô hiệu trưởng hay cô giáo chủ nhiệm nói gì nên chị Lan cũng thấy yên tâm. Nhưng không, còn hơn một tháng nữa là tới ngày thi cuối học kỳ II thì cô hiệu trưởng mời chị Lan tới trường. Cũng như những lần trước, Bích Tân lại phải nghỉ học… Biết đường của mình đã cụt nên chị Lan đành xin cho con học tại một lớp học tình thương.
“Bây giờ thì không ai đuổi em cả”, Bích Tân hồn nhiên nói. Tuy vậy, trong đôi mắt của em có một chút buồn phiền…
“Bóng ma” HIV/AIDS đeo bám các em từ tháng này đến năm khác, nó không cho các em cơ hội để phát triển, nó tước đi cái quyền được tới trường của các em…
Bài & ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)