Cứ vào những tháng ngày này, núi rừng quê tôi lại hứng những trận mưa xối xả triền miên, những cơn lũ theo đó ồ ạt ập về. Mỗi ngày đi làm, nhìn dòng nước cuồn cuộn ngấp nghé mặt cầu, tôi lại bùi ngùi nhớ về một thời thơ bé.
Ngày ấy, chúng tôi đến trường trên con đường dốc đồi gồ ghề đá sỏi, bị chắn ngang bởi dòng sông Vố. Dòng sông mà chỉ nghe tên thôi, người ta liền có thể hình dung ra độ dữ dội của nó rồi. Mùa nắng, sông hiền hòa, trong trẻo bao nhiêu thì khi mùa mưa về, nó trở nên đỏ ngầu, hung hãn bấy nhiêu. Con sông mùa lũ không cầu, không thuyền, khiến ai cũng phải khiếp sợ.
1. Hồi đó, xóm tôi nghèo lắm, toàn dân góp mới đến định cư, người lớn bận đi làm nên bàn nhau nhà nào có con đi học thì cha chúng sẽ luân phiên đưa đón. Bởi vậy, mỗi ngày, mười mấy đứa trẻ sáu bảy tuổi xóm tôi luôn chỉ được một người cha đưa qua sông. Từ phía xa, trong màn mưa mờ đục, tôi đã thấy thầy tôi luôn đứng đợi bên bờ. Thầy lo một người không thể nào đủ sức cõng hết bọn trẻ an toàn qua dòng sông đang mùa nước lớn. Thầy đợi ở đây để cõng đưa từng đứa trò nhỏ sang sông cho kịp giờ vào lớp. Rồi khi tan trường, thầy lại ra bờ sông, cõng đưa chúng tôi về nhà. Và người đứng đó nhìn theo, đến khi nào những chiếc bóng bé xíu khuất xa khỏi tầm mắt, mới an tâm trở về. Tôi nghe người lớn nói thầy tôi từ thành phố đem chữ lên miền núi cao này cho trẻ con. Suốt mấy mùa mưa lũ, mỗi sớm trưa, thầy đã đón đưa bọn trẻ chúng tôi sang sông như thế. Nhiều lần, bị trượt chân hay đá xén, thầy chỉ cười bảo thầy là người lớn, không sao cả.
Rồi một ngày, thầy căn dặn chúng tôi phải an toàn mà lớn lên vì đến lúc thầy phải trở về quê nhà. Và cứ thế rời đi. Tôi đã không gặp lại thầy từ ngày đó. Nhưng tôi và có lẽ tất cả bạn bè tôi, những đứa trẻ từng nhiều năm vượt sông Vố đến trường, mãi mãi chẳng thể nào quên giọng nói trấn an ấm áp của thầy, mỗi khi được thầy cõng trên lưng qua dòng sông đang chảy xiết: “Có thầy ở đây, con đừng sợ!”.
Tôi dần lớn lên, vào học cấp ba, con đường đến trường cũng xa xôi, trắc trở hơn. Vào mùa mưa, lũ quét, chúng tôi suốt nhiều ngày không thể về nhà vì đường dốc đèo xa thăm thẳm, lại bị hai con sông hung dữ chặn ngang. Những chén cơm được ủ bằng cả hai bàn tay của cô tôi ngày đó, nghĩ lại đến giờ, tôi vẫn cứ rưng rưng.
2. Cô tôi từ miền xuôi đến vùng đất hoang vu hẻo lánh này dạy học. Ở trọ trong ký túc của trường, cô nấu cơm cho cả các thầy giáo cũng từ nơi xa đến cùng trọ ở đây. Tôi biết những năm tháng đó, đời sống của người giáo viên khốn khó vô cùng. Vậy mà, trong khẩu phần ít ỏi mỗi bữa của thầy cô, lúc nào chúng tôi cũng được cô dành cho chỗ cơm ngon lành nhất, phần cá nguyên vẹn nhất trong nồi. Tôi nhớ mãi cái cách cô bưng chén cơm rồi ủ nó trong lòng cả hai bàn tay mỗi khi đưa cho từng đứa giữa tiết trời mưa lạnh. Cô thường bảo: “Mấy đứa còn nhỏ cứ ăn no một chút lấy sức mà học”, như thể cô hiểu và muốn xoa dịu cảm giác áy náy và hàm ơn của chúng tôi vậy. Trong chén cơm là tình cô ấm áp.
Sau này, có lần cô bảo tưởng đi vài năm rồi về quê, ai ngờ ở đây đến tận bây giờ, tóc bạc hết rồi. Nhưng tôi hiểu tình yêu đã bện chặt đời cô với mảnh đất này. Và chúng tôi là một phần trong tình yêu đó.
Giờ đây, tất cả đã lùi sâu vào trong quá khứ. Lũ trẻ ngày ấy đã bình an lớn lên, thành người. Gần ba mươi năm theo nghề dạy học, có nhiều khi tôi cũng dao động, buồn lòng, nản chí. Những lúc ấy, hình ảnh cô tôi ủ bát cơm nóng, thầy tôi cõng trò nhỏ qua sông, cùng những lời yêu thương ngày nào lại sống dậy trong tâm trí tôi, như thể đang nhắc nhủ tôi để tôi tự nhắc nhủ lòng mình rằng: Trong cuộc đời này, yêu thương và bao dung, con sẽ được hạnh phúc!
3. Đối với con, thầy không chỉ là người thầy mà là người ông trong ngôi trường lớn này.
Một học trò, con của một giáo viên đến từ một tỉnh miền Bắc xa xôi, năm 1996 có cơ duyên được về dạy tại Trường THPT An Lão (Bình Định). Đến năm 1997, học trò được theo bố vào học tập tại trường, được cùng ăn cùng ở tại khu nội trú của giáo viên. Năm 2002, bố học trò bị tai biến, quá trình được cấp cứu, điều trị tại bệnh viện đã được vợ chồng thầy giúp đỡ tận tình, người vợ đã mất của thầy đã tự tay nấu từng bữa cháo mang vào viện… Khi bố học trò được chuyển về nhà ở Nam Định để điều trị, gia đình rơi vào cảnh ngặt nghèo, việc tiếp tục học tập của trò thật sự khó khăn (trò khi đó đang học lớp 10), học trò đã được thầy cùng thầy cô ở trường cưu mang, giúp đỡ học tập miễn phí tại trường, được lo cho cả từ tiền ăn hàng tháng và vở bút để tiếp tục học tập đến hết lớp 12. Nay người học trò năm nào đang là giáo viên ở Trường Quân sự Quân đoàn 3. Có được ngày hôm nay, em vô cùng biết ơn những người đã cưu mang, dạy dỗ mình trong những năm tháng đó. Trong lòng em, công ơn của thầy là không sao kể hết và không thể trả nổi.
4. Em gửi đến thầy lời biết ơn sâu sắc nhất vì những điều thầy mang đến cho gia đình em. Có thể vào thời điểm đó, thầy chỉ làm bằng cái tâm của một nhà giáo, bằng sự đồng cảm về hoàn cảnh gia đình em nhưng đối với gia đình em đó là cả một cuộc sống và em biết ơn thầy vì điều đó. Từ lời khuyên bảo, động viên của thầy, em bỏ qua mặc cảm vì gia đình đổ vỡ, biết phấn đấu để có cuộc sống tốt đẹp hơn và trở thành một người có ích cho xã hội. Cảm ơn thầy vì tất cả!
Lúc cuộc sống của em tưởng chừng bế tắc, không lối thoát. Thầy đã không do dự, sẵn lòng giúp đỡ em mà không cần nghĩ tới việc em có trả nổi hay không. Thầy chỉ mong mẹ con em vượt qua được nghịch cảnh, tiếp tục cuộc sống. Rồi bao lần, thầy quan tâm tới tụi nhỏ với những món quà, phong bao lì xì những ngày lễ tết, như tấm lòng của một người ông dành cho cháu con. Nghe tiếng gọi thầy là ông ngoại, ông Năm thân thương của các con, bao giờ cũng làm em xúc động vô cùng. Thầy không chỉ là một người thầy mà còn là ân nhân của cuộc đời em.
Em hiểu ra giá trị của sự cố gắng không nằm ở những tấm bằng khen hay danh hiệu, mà là ở hành trình mình đã đi qua và những nỗ lực mình đã bỏ ra. Thầy đã dạy em cách yêu thương bản thân, cách trân trọng từng khoảnh khắc mình cố gắng và không bao giờ để thất bại làm lu mờ giá trị của chính mình.
Xin nguyện mãi tri ân những thầy cô từ miền xuôi đã về vùng cao xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định giảng dạy chúng em!
Bút ký Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
Bình luận (0)