Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những đứa trẻ không có mùa tựu trường

Tạp Chí Giáo Dục

Đến tuổi đi học nhưng hàng ngày các em này phải đi nhặt bao ni lông

Bên cạnh niềm hân hoan được đến trường của các em nhỏ là nỗi buồn canh cánh của phụ huynh nghèo. Con khóc đòi đi học còn mẹ cha cũng rớm nước mắt.
Trong quãng đời học sinh, có lẽ ai cũng đã một lần đọc truyện ngắn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh. Đọc xong, hầu như ai cũng thốt lên rằng: “Cảm xúc của nhà văn Thanh Tịnh sao giống mình quá”. Buồn xót xa cho những đứa trẻ không biết được cảm xúc ngày đầu đi học như thế nào mà lẽ ra chúng phải biết.“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. (*)
Mẹ ơi con muốn đi học!
Không giấu được nỗi buồn, chị Cao Thị Giang tâm sự: “Nó đủ tuổi vào lớp 1 rồi nhưng tôi không có tiền cho nó đi học”. Nó – đứa con gái của chị Giang tên Đỗ Thị Lành ngồi sau yên xe mẹ chở đi bán vé số. Thấy người lạ, nó kéo sụp cái mũ rộng vành, bẽn lẽn rúc vào lưng mẹ. Lành đã lên 8, là con đầu lòng của chị Giang. Chịu không thấu cảnh chồng nát rượu, thường xuyên đánh đập vợ con nên chị Giang dắt con vào TP.HCM tìm kế sinh nhai. “Buôn bán ngày được ngày ế ẩm nên đâu dám xin cho cháu đi học. Gửi về quê cho bà nội nuôi thì không dám, sợ ổng đánh con bé. Mỗi lần đi bán ngang trường học, nó cứ bảo tôi dừng lại nhìn và khóc đòi đi học. Tôi thấy mình xấu hổ, có tội với con quá”, chị Giang trải lòng. Nghe tôi và mẹ nói chuyện, hai tay bé Lành bấu chặt vào hông mẹ, nói: “Con không về quê đâu. Bố đánh con đau lắm”. Chị Giang quay ra xoa đầu, vỗ về con. Nước mắt chị lưng tròng…
Không khá hơn, là dân Sài Gòn chính gốc nhưng cả ba con của vợ chồng anh Trần Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Dung (Q.8) chưa bao giờ được đến trường. Ngôi nhà chưa đầy 30m2 ở gần kênh Tàu Hủ là nơi quây quần của 3 gia đình, với số thành viên trên 10 người. Hàng ngày anh Dũng hành nghề vá xe ở gầm cầu Nguyễn Tri Phương, còn chị Dung đều đặn cút kít đạp xe đi bán khoai lang luộc. Thu nhập cả hai vợ chồng không hơn 100 ngàn đồng/ ngày, lo cái ăn cho 5 miệng ăn đã vất vả, làm sao dám nghĩ đến chuyện cho con đi học. Thương con, trong khi đi bán chị luôn nghe ngóng ở đâu có lớp học tình thương để cho con đến học hòng biết đọc biết viết với người ta. Chị Dung nói: “Thấy tụi nhỏ ham học mà mừng. Giờ chỉ có cách đó thôi chứ không mong gì hơn”.
Chỉ có thể đến lớp học tình thương
Chúng tôi tìm đến KP.5, P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM. Đây là địa bàn có đông dân nhập cư đến sinh sống. KP.5 có 5 tổ (từ tổ 63 đến tổ 67) với 343 hộ có tổng số 1.069 nhân khẩu. Tại đây, trẻ trong độ tuổi đến trường phần lớn không được đi học. Cha mẹ chúng đều là công nhân, công việc không ổn định. Được biết, đây còn là điểm “nóng” về tệ nạn xã hội của quận. Anh Nguyễn Quốc Thông, trưởng KP. 5, người rất “nặng nợ” với chuyện học hành của con em dân nhập cư tâm sự: “Nếu địa phương chúng tôi không làm tốt công tác xóa mù chữ thì số trẻ mù chữ lên đến 80%. Việc vận động các em đến với lớp học tình thương đâu có dễ. Nhiều bậc cha mẹ không muốn cho con đi học vì sợ mất đi một lao động. Nhiều trẻ lên 7 lên 8 đã có thể tự lăn lộn mưu sinh ở bãi rác, phế liệu quen sống cuộc sống “giang hồ”… nên rất cứng đầu, bất trị”. Đến đầu đường dẫn vào KP.5, hỏi tên hai anh em Hùng (11 tuổi) và Phước (9 tuổi) thì hầu như ai cũng biết và tận tình dẫn đến tận nhà. Bà con ở đây luôn xem hai em Hùng – Phước là tấm gương để dạy dỗ con cái. Nhà nghèo, không có tiền đến trường. Từ 2 giờ sáng hai anh em đã ra chợ phụ mẹ bán cá, tối lại đến lớp học tình thương. Khu phố này còn có em Thu Thảo (13 tuổi) mỗi tối đẩy xe đi bán cá viên chiên dành dụm tiền sau này học bổ túc văn hóa. Bà Nguyễn Thị Tuyết, nguyên giáo viên tiểu học (Q.8) tâm sự: “Nhiều gia đình đã thoát nghèo, có điều kiện cho con em đi học nhưng khổ nỗi các em không có giấy chứng sinh nên không thể đến trường”.
Ông Nguyễn Văn Thành, cán bộ hưu trí P.4, Q.8 dắt chúng tôi đến khu đất đang quy hoạch xây dựng chung cư. Ông Thành cho biết, trong khu phố ông ở có hơn chục đứa trẻ hàng ngày đến đây nhặt bao ni lông. Đứng ngoài hàng rào lưới B40, chỉ tay về hướng mấy đứa trẻ đang lúi húi nhặt bao, ông Thành thở dài: “Trong số ấy, có những trẻ gia đình thật sự không có khả năng cho con đến trường nhưng cũng không ít trẻ thuộc gia đình có điều kiện kinh tế tương đối ổn định nhưng chúng ham chơi hơn ham học. Thích kết bạn bè rồi đi nhặt bao sống vậy đó. Nếu không được giáo dục, tụi nó sẽ hư, nguy cơ trở thành thành phần bất hảo của xã hội”.
Bài, ảnh: Tuy An
(*): Một đoạn trong truyện ngắn của nhà văn Thanh Tịnh (1917-1988).
Nhìn những đứa trẻ đi chân đất, đầu trần dưới nắng gắt mà chúng tôi không khỏi xót xa. Đường đến trường của các em còn xa, xa lắm.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)