Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những đứa trẻ tự kỷ không cô đơn

Tạp Chí Giáo Dục

Những đứa trẻ không may mắc chứng tự kỷ phải trải qua cuộc sống khó khăn từ những tháng năm đầu đời. Nhưng cuộc đời của trẻ vẫn còn lối mở tươi sáng khi người lớn biết khai phá những khả năng tiềm ẩn trong mỗi trẻ ấy.

Những đứa trẻ tự kỷ không cô đơn
Giáo viên đặc biệt cho trẻ ăn trưa​. Ảnh: Ngô Tùng.

Hành trình giúp trẻ tự kỷ tìm lại một cuộc sống bình thường dẫu rất gian nan nhưng đã có những tín hiệu, kết quả khả quan để hy vọng.

Vì trẻ tự kỷ

Cô sinh viên quê Quảng Nam Trần Thị Thái Hiền sắp trải hết chặng đường học tập thành người giáo viên đặc biệt chuyên ngành khiếm thính – chậm phát triển trí tuệ tại trường Đại học Sư phạm TPHCM. Mong ước được tận tay chăm nom trẻ khuyết tật đã hình thành từ khi Thái Hiền còn là cô học sinh cấp 2, khi Hiền tiếp xúc các em nhỏ không may bị khuyết đi một số chức năng bình thường. Cứ thế, nguyện vọng được chăm sóc trẻ khuyết tật lớn dần theo năm tháng của cô học trò tỉnh lẻ.

Tháng năm tiếp thụ kiến thức, kỹ năng từ giảng đường và bằng cả những quan sát, trải nghiệm thực tiễn càng giúp cô gái nhỏ quyết tâm hơn với nguyện ước năm xưa. Hiền nhắc lại kỷ niệm một lần đến với trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú, TPHCM) hồi đầu năm nhất để rồi cô càng gắn bó với cái “nghiệp” đã chọn: “Lần ấy mình đến trường Bình Minh trong một chuyến đi thực tế. Mình thấy là các em ở đây có mức độ bệnh, tật rất nặng. Dù khuyết tật, đau ốm dặt dẹo nhưng những đứa trẻ ấy vẫn có những tính cách, sở thích riêng rất đáng yêu. Chúng ta cần phải tinh tế, nhạy cảm mới nhận ra những vẻ đẹp ấy. Mỗi lần phát hiện được điều đặc biệt, đáng yêu của trẻ càng khiến mình hứng thú và đây chính là động lực để mình theo đuổi nghề chăm sóc trẻ đặc biệt này”. Thái Hiền cho biết sau khi ra trường sẽ về quê mở một trung tâm hoặc trường chuyên biệt để có cơ hội trực tiếp giúp đỡ trẻ khuyết tật. “Trước tiên, mình sẽ bỏ ra 3-4 năm đi dạy tại các trường chuyên biệt để học hỏi, trải nghiệm thêm cũng như học lên thạc sĩ để trau dồi chuyên môn”, Hiền chia sẻ về chặng đường tiếp theo.

Chí Thành tham gia hoạt động can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ ngay tại trường. Ảnh: Ngô Tùng.

Đồng cảm, thấu hiểu những nỗi khổ của trẻ tự kỷ, Nguyễn Chí Thành (quê Tiền Giang, sinh viên khoa Giáo dục đặc biệt, ĐHSP TPHCM) đã quyết tâm theo đuổi nghề chăm sóc những trẻ em đặc biệt. “Không ít người khuyết tật còn có thể giúp cho nhiều người khác, thì em cũng phải làm gì đó để giúp đời. Họ dù là khuyết tật nhưng rất giỏi giang, làm được nhiều việc khiến em ngưỡng mộ và đó chính là động lực để em càng phải làm tốt hơn nữa”, Chí Thành bộc bạch. Vừa học chính khóa, Thành vừa tự nguyện tham gia các buổi hỗ trợ chăm sóc, can thiệp sớm đối với trẻ đặc biệt cùng các giảng viên tại Phòng đánh giá – tư vấn và can thiệp sớm của khoa. Đây là bài học thực tiễn giúp Thành nâng cao kỹ năng, chuẩn bị hành trang thiết thực cho nghề nghiệp sau này. Cùng nguyện vọng như người đàn chị đồng môn, Thành dự định sau này về quê để hỗ trợ, giảng dạy, chăm sóc trẻ tự kỷ, Down, khiếm thị… ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Sân chơi hòa nhập

Cô Lê Thị Kim Chi, Hiệu trưởng trường khuyết tật Hướng Dương (quận Tân Bình) kể với người viết, trường cô thường tổ chức các hoạt động tập thể nhằm tạo sân chơi giúp các em thêm vui, tự tin và dễ dàng hòa nhập hơn. Các em cùng vận động, sáng tạo và vui đùa với chúng bạn và các cô trong bầu không khí chan hòa, ấm áp. “Những sân chơi này rất quan trọng, bổ ích với những em bị mắc các dị tật chậm phát triển… Đây là dịp giúp trẻ giao tiếp lẫn nhau, phát triển chức năng tai, mắt, nhận thức, ngôn ngữ… Trong một môi trường tập thể sẽ giúp trẻ phát triển rất nhiều, ngược lại, nếu đơn độc bệnh tình càng nặng thêm”, cô Kim Chi nói.

Ngày 28/3 vừa qua, trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí (quận Bình Thạnh) phối hợp Công ty AkzoNobel tổ chức ngày hội với chủ đề “Màu sắc và sự phát triển của trẻ tự kỷ”, với sự tham gia của hơn 100 học sinh bị mắc chứng tự kỷ. Tại khuôn viên trường, các em cùng vui chơi thoải mái trong không gian trò chơi đầy sắc màu và nhận những phần quà. Đặc biệt, các nhóm khác còn mạnh dạn biểu diễn các tiết mục nhảy múa trên sân khấu với sự đồng hành của các cô bảo mẫu. Trong khi đó, các bậc phụ huynh đã tham dự buổi nói chuyện về chủ đề tác động của màu sắc đối với sự phát triển của trẻ tự kỷ.

Sân chơi ngoại khóa giúp trẻ thân thiện với mọi người xung quanh. Ảnh: Ngô Tùng.

Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, người sáng lập trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí, cho biết trẻ tự kỷ có thế giới quan khác biệt so với chuẩn thông thường, nhưng điều đó không có nghĩa là các em không thể phát triển. “Màu sắc là một công cụ giao tiếp hiệu quả với trẻ tự kỷ, đóng vai trò đáng kể trong việc giúp tăng cường nhận thức về thế giới xung quanh. Nếu nhận được sự quan tâm, chăm sóc đúng mực và khoa học, trẻ tự kỷ có thể phát triển tiềm năng vượt trội ở nhiều lĩnh vực”, BS  Huỳnh Tấn Mẫm chia sẻ.

Anh Nguyễn Hữu Vinh, giảng viên trường Đại học Kiến trúc TPHCM cho hay, trẻ tự kỷ có một thế giới riêng về màu sắc, quan trọng là chúng ta tìm kiếm cho được thế giới khác biệt đó và phát huy tốt nhất. Cũng theo chuyên gia màu sắc Nguyễn Hữu Vinh, giải pháp màu sắc chiếm 20% trong tổng hoà các phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỷ, bên cạnh các phương pháp can thiệp y khoa, phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc… Và các bậc cha mẹ cần nắm vững những thông tin chính thống về các nghiên cứu màu sắc này để áp dụng vào chăm sóc trẻ. Song song đó, chúng ta cũng nên kể cho trẻ nghe những câu chuyện cuộc sống mang thông điệp tích cực.

Để trẻ sớm hòa nhập, phụ huynh phải…

Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, người cung có hai con đang mắc căn bệnh này, cho hay Luật Khuyết tật của ta vẫn chưa đề cập đến đối tượng trẻ tự kỷ nên chưa có chế độ, chính sách đúng mức đối với các em. Trong khi đó, không ít người, ngay cả nhiều bác sĩ cũng chưa biết đến tự kỷ là gì, vô hình trung đã bỏ qua “thời kỳ phượng hoàng” (từ 26-36 tháng tuổi đầu đời) trong việc can thiệp, điều trị hiệu quả cho trẻ.

“Không phải dạy nói là nói được, phải cho trẻ vui chơi, giao tiếp, đưa trẻ vào lối sống tập thể thì mới giúp phát triển trí não được. Đa dạng không gian dạy, khi trong lớp, lúc trong hồ bơi, khi khác nơi công cộng… mới dần giúp để trẻ thân thiện với mọi người và thiên nhiên. Từ đó mới giúp trẻ bộc phát lời nói được”, bác sĩ Mẫm chia sẻ và khuyến cáo các vị phụ huynh tuyệt đối tránh để con em trong trạng thái một mình với iPad, với tivi, vì đây chính là không gian khiến con trẻ dễ bị tiêm nhiễm bởi những hành vi xấu.

Là người trực tiếp nắm bắt diễn biến tâm lý, hành vi và chăm sóc trẻ hơn 10 năm qua, chị Lê Trần Dạ Thảo (giáo viên trường khuyết tật Hướng Dương) khẳng định, người giáo viên phải thương yêu trẻ và muốn hướng chúng đến một tương lai tốt, hướng đến hành động có ích thì mới giúp trẻ sớm hòa nhập. “Quan trọng là chúng ta phải kiên trì, sáng tạo trong cách giáo dục, chăm sóc trẻ, hãy quan sát, để ý kỹ càng rồi mới có thái độ ủng hộ hay cản trở hành vi của trẻ”, chị  Thảo chia sẻ.

Thạc sĩ Phan Thanh Hà, Phó trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, ĐHSP TPHCM, cho biết trước đây người ta không nhìn nhận trẻ có nhu cầu đặc biệt với đa dạng khuyết tật (như khiếm thị, khiếm thính, hội chứng Down, tự kỷ, bại não, khó học), mà chỉ cô lập chúng trong nhà chứ không đưa đến trường, ra lớp. Khi bắt đầu có các trường chuyên biệt thì xã hội mới dần dần đưa con em tới để được can thiệp. “Giáo dục đặc biệt giúp đứa trẻ hòa nhập xã hội, hòa đồng với mọi người và có thể sống độc lập được. Càng được can thiệp sớm, giáo dục sớm thì cơ hội hòa nhập xã hội của trẻ càng dễ hơn. Chữa hẳn thì không thể rồi, nhưng cơ hội hòa nhập sớm thì hoàn toàn có thể”, cô Thanh Hà cho biết thêm.

Đồng quan điểm, chị Lê Trần Dạ Thảo cho hay nếu nhận biết và can thiệp thật sớm khi trẻ còn rất nhỏ thì có thể giúp trẻ phục hồi đến 70-80% và sớm hòa nhập cộng đồng. Điều cần thiết nữa là phải áp dụng cộng hưởng các phương pháp can thiệp bằng y tế, học đường, tâm vận động, ngôn ngữ và môi trường xung quanh… thì mới nâng cao hiệu quả phục hồi cho trẻ. “Thà mất 6 năm để chăm sóc tận tình còn hơn chịu cảnh cả đời các em tàn tật”, cô Thảo nói.

“Không phải tất cả em bé tự kỷ nào cũng có thể làm được điều bình thường. Nhưng có những em bị nhẹ có thể bộc lộ những năng khiếu mà người thường khó làm được, như vẽ, đàn, hát, biết đọc sớm, làm toán giỏi, ghi nhớ vật thể… Quan trọng là chúng ta phải phát hiện và giúp trẻ phát huy được những khả năng đặc biệt ấy”. 

Cô Võ Thị Thùy, Hiệu trưởng trường chuyên biệt Khai Trí

Ngô Tùng (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)