Bé T.N và bà ngoại đang chờ khám tại Bệnh viện Nhi đồng I |
Sau 20 năm, Việt Nam phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên, tính đến nay cả nước có khoảng 300 nghìn người phải chung sống với căn bệnh thế kỷ này. Riêng trẻ em, toàn quốc đã phát hiện, chăm sóc cho khoảng 4.000 trẻ nhiễm HIV nhưng thực tế ngoài cộng đồng số trẻ nhiễm còn lớn hơn nhiều.
Theo báo sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng I thì: “Trên 90% trường hợp trẻ nhiễm HIV là do lây từ mẹ, từ trong bào thai, lúc sanh và khi mẹ cho con bú. Điều này cho thấy trẻ nhiễm HIV chỉ là nạn nhân, hoàn toàn thụ động”. Điều đó có nghĩa các em đáng thương hơn đáng trách. Ấy vậy mà dư luận vẫn có những cái nhìn ác cảm với các em, khiến các em vừa phải vật lộn với “thần chết” vừa phải vật lộn với sự kỳ thị của mọi người…
“Đừng chơi với con nhỏ này!”
Sáng 7-1-2011, tôi gặp bé T.N (SN 2000) và bà ngoại L.H (57 tuổi) tại phòng khám B7 (khu A-B), Bệnh viện Nhi đồng I. Đây là phòng khám dành cho trẻ nhiễm HIV.
Mới bước sang tuổi 11 được mấy ngày nhưng trông T.N có vẻ “người lớn” lắm. Nhìn vào đôi mắt u buồn của T.N, tôi phần nào cảm nhận được những khốn khổ mà em đã và đang phải chịu đựng.
Bà L.H cho biết: “Mỗi tháng, đúng vào ngày này, hai bà cháu lại bắt xe đò từ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang lên TP.HCM để khám bệnh và lấy thuốc (điều trị ARV – P.V). Mỗi ngày uống 4 viên, không bỏ hôm nào”…
Cách đây 35 năm, do chồng tối ngày say xỉn, đánh đập vợ con nên bà L.H quyết định thôi chồng và ở vậy nuôi con. Lúc đó con gái của bà mới 3 tuổi. Gần 20 năm sau, con bà lấy chồng. Đứa cháu ngoại của bà chưa đầy 2 tháng tuổi thì thằng con rể bỏ đi. Hơn 1 năm sau, anh ta quay về. Và chị vợ mang thai rồi sinh ra bé T.N.
Đầu năm 2006, con gái và con rể của bà đồng loạt ngã bệnh. Sau đó người chồng qua đời. Còn cô vợ dù đã uống rất nhiều thuốc, khám rất nhiều nơi nhưng cứ nóng sốt hoài. Cuối cùng các bác sĩ cho làm xét nghiệm máu và phát hiện chị dương tính với HIV. “Bác sĩ yêu cầu đem hai đứa con tới thử máu và phát hiện ra con em (bé T.N) bị nhiễm”, bà L.H cho biết.
Tháng 7-2006, đứa con gái duy nhất của bà L.H qua đời và bỏ lại 2 đứa con thơ dại cho mẹ già. “Cái số của tôi thật khổ, hết nuôi con một thân giờ lại nuôi cháu một mình”, bà L.H than thở cho số phận hẩm hiu của mình.
Hai tháng sau ngày mẹ mất, T.N đi học lớp 1 tại trường tiểu học của xã. Cũng như bao đứa trẻ lần đầu tiên cắp sách tới trường, T.N rất vui. Tuy nhiên, niềm vui đó nhanh chóng bị cái chết của cha mẹ vùi dập. Dù thuộc dạng suy dinh dưỡng nhất lớp nhưng T.N phải ngồi bàn chót và ngồi một mình. Song như vậy cũng chưa được yên thân. Vào một ngày xấu trời, có một phụ huynh chạy vào lớp chỉ tay vào mặt T.N và trước con mắt ngỡ ngàng của vài chục đứa trẻ, bà ta nói: “Đừng chơi với con nhỏ này, nó bị Sida đấy. Cha mẹ nó vì bệnh này mà chết hết rồi. Mấy đứa mà chơi với nó, muỗi chích là lây bệnh đấy”…
Cũng từ đó, không bạn nào trong lớp thèm chơi với “con bé” T.N cả. Chưa hết học kỳ I năm lớp 1, T.N quyết định bỏ học ở nhà lột nhãn phụ bà ngoại kiếm tiền nuôi chị hai ăn học.
Khi tôi hỏi: “Con có thích đi học không?”, không ngần ngại, T.N trả lời ngay: “Con thích lắm”. Đúng rồi, ở cái tuổi của T.N có đứa trẻ nào lại không thích tới trường chứ. Và theo Luật Giáo dục Việt Nam thì mọi trẻ em đều có quyền được học. Song, chỉ vì sự thiếu hiểu biết về HIV mà không ít phụ huynh đã vô tình tước đi cái quyền được tới trường của những đứa trẻ vô tội như T.N…
Cậu bé lớn lên từ nghĩa địa
Cũng tại phòng khám B7, tôi đã gặp hai bà cháu Tr.T.H (SN 1999). Gần 1 năm nay, mỗi tháng, H. lại cùng bà ngoại (54 tuổi) đi xe buýt từ xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi lên Bệnh viện Nhi đồng I tái khám.
Kể cũng lạ, cha mẹ của H. không có ai “dính” HIV, vậy mà em lại bị nhiễm và đã chuyển sang giai đoạn cuối. Cuối năm 2009, H. cứ than đau ở sau tai. Bà ngoại sờ vào thì phát hiện có hai cục hạch to bằng đầu ngón tay cái. Bà ngoại dẫn H. tới Bệnh viện Đa khoa Củ Chi khám, sau đó em được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng I. Ở đây được vài ngày thì các bác sĩ lại chuyển H. sang Bệnh viện Ung Bướu. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ thông báo cho bà ngoại của H. biết là em dương tính với HIV. Rồi chuyển em qua Bệnh viện Nhiệt Đới. H. tiếp tục được làm xét nghiệm máu, kết quả em bị AIDS và đã chuyển qua giai đoạn cuối.
“Lúc đó, mạng sống của thằng bé chẳng khác nào chuông treo sợi chỉ. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần đưa nó về cõi vĩnh hằng”, bà ngoại của H. kể lại.
Từ Bệnh viện Nhiệt Đới, H. được chuyển qua Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Những ngày H. nằm thoi thóp ở bệnh viện chờ “thần chết” tới rước đi là những ngày hàng triệu người dân trên đất nước Việt Nam chào đón Xuân Kỷ Sửu (năm 2010). Năm đó, gia đình em không có Tết. Qua Tết, như có một phép màu, sức khỏe của H. dần bình phục. Rồi em được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng I điều trị cho đến bây giờ.
Khi được hỏi, trong gia đình không có ai nhiễm HIV, tại sao H. lại bị nhiễm. Bà ngoại của em nhớ lại: “Hơn 10 năm trước, gia đình tôi sống ở khu nghĩa địa P.7, Q.Phú Nhuận (nay là công viên Phú Nhuận). Ở khu ấy toàn nhà ổ chuột, thanh niên thì nghiện hút, chích xong chúng vứt kim tiêm bừa bãi. Mẹ thằng H. cũng sống ở đó và sinh nó ra. Thằng bé còn đỏ hỏn là mẹ nó bỏ đi với người đàn ông khác, vứt nó lại cho tôi. Tôi phải lo miếng cơm manh áo cho cả nhà (6 miệng ăn) nên không có thời gian để mắt tới nó. Thế là thằng nhỏ được một thằng xì ke gần đó chăm sóc. Thằng xì ke thương thằng nhỏ lắm, chăm sóc từng miếng ăn, ngụm uống… Bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ cháu tôi bị nhiễm HIV là lây từ thằng xì ke đó hoặc giẫm phải kim tiêm do mấy thằng xì ke trong khu ổ chuột vứt bừa bãi ở nghĩa địa”…
Không may mắn như T.N, H. chưa một ngày được cắp sách đến trường. Bởi: “Con không có giấy khai sinh”, H. cho biết.
Thấy H. cầm cái thẻ có ghi số (số chờ đến lượt khám bệnh do bác sĩ phát), tôi hỏi: “Con có biết đọc số này không?”, H. đọc: “Số 33”. “Vậy con có biết viết và đánh vần tên con không?”, tôi hỏi tiếp, H. trả lời: “Con không biết”.
12 tuổi, không biết viết tên mình, không biết mặt cha, 1 năm mới gặp mẹ 1 lần và chưa biết ngày nào mình sẽ chết, cuộc đời của H. thật đáng thương.
Hiện tại H. và anh trai (cùng mẹ khác cha) hơn em 1 tuổi đang sống nhờ vào đồng lương ít ỏi của bà ngoại kiếm được khi đi làm ô sin. “Thằng anh nó không mắc bệnh nhưng cũng mù chữ vì không có giấy khai sinh, không có hộ khẩu”, bà ngoại của H. cho biết thêm…
T.N và Tr.T.H là 2 trong số trên 450 trẻ nhiễm đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng I. Phần lớn những em này đều mất cha hoặc mất mẹ, có không ít trường hợp mất cả cha lẫn mẹ. Các em phải sống trong một gia đình khá khó khăn về kinh tế, nhiều em bị kỳ thị phải rời xa trường lớp. Có em thì dấu bệnh, gặp ai cũng phải nói dối vì nếu nói thật có thể sẽ không còn được đi học, sẽ không có bạn để chơi.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: “Sau khi điều trị ARV chất lượng sống của trẻ nhiễm HIV rất tốt – giảm hẳn nhiễm trùng cơ hội, sinh hoạt, đi học bình thường. Nhìn dáng vẻ bên ngoài không thể biết trẻ nhiễm hay trẻ không. Chăm sóc trẻ nhiễm không chỉ dừng ở việc cho trẻ uống ARV để cải thiện sức khỏe mà phải trả lại sự hồn nhiên cho trẻ, giúp trẻ hiểu đúng về bệnh của mình và hòa nhập cộng đồng như một trẻ bình thường. Điều khó khăn nhất hiện nay là cho trẻ nhiễm đến trường luôn gặp sự phản đối gay gắt từ phụ huynh của trẻ bình thường. Mặc dù, thực tế sự lây nhiễm HIV do học chung chưa thấy ghi nhận trên thế giới. Về khía cạnh khoa học, đa số trẻ nhiễm sau 6 tháng uống ARV thì lượng vi rút trong máu không thể phát hiện được và khả năng lây lan gần như không có”. |
Bình luận (0)