Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những đứa trẻ xứ kim chi ở… trường làng

Tạp Chí Giáo Dục

Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng phụ nữ lấy chồng nước ngoài nhiều nhất nước, chủ yếu là lấy chồng Hàn Quốc. Sau vài năm xa xứ, nhiều chị em đã phải mang con về nước. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, TP.Cần Thơ có 500 trẻ em “có yếu tố nước ngoài”, Hậu Giang có 336 trẻ… Vậy khi về Việt Nam, chuyện học hành của các em như thế nào?

Bé Lee Yeonsoo (bé Bi) cùng ông bà ngoại

Kim Min Seo và kẹo chocolate

Kim Min Seo (7 tuổi) là một trong 2 học sinh của xứ sở kim chi đang học tại Trường Tiểu học Mỹ Khánh, huyện Phong Điền TP.Cần Thơ.

Các bạn trong lớp 1A2 rất quý Min Seo. Vì: “Min Seo thường mang bánh kẹo Hàn Quốc do cha gửi về để chia cho các bạn trong lớp, nhất là kẹo chocolate”, cô Phạm Thị Kiều Oanh – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2 – cho biết.

Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, Cần Thơ có 110 học sinh có yếu tố nước ngoài đang học các cấp, đông nhất là tiểu học với 68 em. Bà Trần Hồng Thắm – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ – cho biết: “Chủ trương của TP là không để các cháu có yếu tố nước ngoài không được đến trường. Ngành giáo dục đã chỉ đạo các địa phương điều tra, khảo sát trình độ của những trẻ trong độ tuổi đến trường theo mẹ về nước để xếp lớp phù hợp. Em nào có giấy khai sinh do nước ngoài cấp thì dịch sang tiếng Việt, trường hợp chưa có giấy khai sinh thì trường tạm xếp cho các em vào những lớp theo trình độ, lứa tuổi phù hợp; sau đó sẽ phối hợp với gia đình và các ban ngành bổ sung các loại giấy tờ cần thiết để hoàn thiện hồ sơ học tập của các em”.

Hai năm trước, sau khi hôn nhân của cha mẹ tan vỡ, Min Seo theo mẹ về Việt Nam. “Khi nhập học, Min Seo nói chưa rành tiếng Việt, phần nhiều là nói tiếng Hàn. Do vậy ngoài buổi học trên lớp, tôi phải dạy phụ đạo thêm tiếng Việt và các chữ cái, cách ráp vần cho em. Đến bây giờ thì Min Seo đọc và viết tiếng Việt thành thạo, rất giỏi môn toán. Min Seo vừa đạt học sinh giỏi cấp trường về giải toán qua mạng”, cô Oanh cho biết thêm.

Min Seo học bán trú nên cuối ngày mẹ của em (Nguyễn Thùy Trang) đến đón con. Thấy mẹ, cậu bé chạy đến ôm chặt và líu lo nói chuyện bằng tiếng Hàn. Trang kể: “Tôi quê ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền. Nhà không có ruộng, mấy miệng ăn chỉ trông chờ vào xe đẩy bán hàng rong của cha, mẹ tôi bệnh nặng nhưng hàng ngày vẫn nướng bánh để cha đi bán. Nhà có hai chị em, tôi là chị cả. Thấy cha mẹ quá vất vả nên đang học lớp 11, tôi nghỉ học vào làm công nhân công ty may xuất khẩu…”.

Năm 2005, khi 19 tuổi, qua giới thiệu, Trang lấy người chồng Hàn Quốc hơn cô 19 tuổi. Cô nhớ lại: “Tìm hiểu nhau hơn một tuần thì làm đám cưới. Má tôi phản đối vì nhà đơn chiếc, không muốn xa con. Nhưng tôi nghĩ, làm công nhân lương chỉ tạm đủ sống, qua Hàn sẽ tìm việc để có tiền gửi về giúp cha mẹ. Vì vậy tôi cương quyết lấy chồng Hàn. Đám cưới, tôi sang Hàn sống. Sau khi học tiếng Hàn, tôi vào làm ở một hãng sản xuất nệm. Hai năm đầu sống hạnh phúc. Mỗi năm tôi cùng chồng về Việt Nam thăm cha mẹ một lần. Nhưng từ khi sinh Min Seo, chồng tôi bắt đầu sinh tật mê chơi game trên mạng, không chịu làm việc. Cả nhà sống vào tiền lương của tôi. Vì vậy tôi không có tiền về Việt Nam và phụ giúp cha mẹ”.

Hết lời khuyên nhủ nhưng chồng vẫn chứng nào tật đó, cuộc sống ngày càng ngột ngạt. Năm 2014, Min Seo lên 5 tuổi, Trang gom hết giấy tờ tùy thân của mình và con rồi ôm Min Seo trốn về Việt Nam. Tại quê nhà, cô mở tiệm uốn tóc và làm móng để sinh sống.

Cha của Min Seo gọi điện năn nỉ cô mang con trở về nhưng Trang cương quyết từ chối. Hiện cô gặp khó là đã nộp đơn ra Tòa án Việt Nam xin ly dị chồng, nhưng tòa không thể thụ lý vì thiếu ý kiến của chồng. Còn người chồng ra điều kiện: Chỉ ký đơn khi cô mang Min Seo về Hàn cho ông. Trang buồn bã: “Nếu xin ly dị bên Hàn, tôi sẽ mất con vì tòa án sẽ xử cho bên nào có đủ điều kiện chăm nuôi trẻ, trong khi tôi không có nhà, không có xe, không có việc làm ổn định và cũng không có quốc tịch Hàn Quốc”…

Những đứa trẻ đã thiếu cha, còn vắng mẹ

Không may mắn như Kim Min Seo, hai chị em Oh You Mi (8 tuổi, học lớp 3, Trường Tiểu học Mỹ Khánh) và Oh You Bin (6 tuổi, lớp Lá, Trường Mầm non Mỹ Khánh) ngoài thiếu cha còn vắng mẹ…

Kim Min Seo cùng với mẹ – Nguyễn Thùy Trang

Tại ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Khánh, trong căn nhà cấp 4, bà Phạm Thị Ngọc Loan (53 tuổi, bà ngoại của You Mi và You Bin) cho biết, bà có hai con gái, con gái lớn là Bùi Thị Ngọc Hằng (mẹ của You Mi và You Bin) làm nghề uốn tóc. Năm 2006, qua mai mối, Hằng lấy người chồng Hàn Quốc hơn cô 15 tuổi, với hy vọng sang Hàn làm nghề uốn tóc để có nhiều tiền giúp gia đình. Năm 2007, Hằng sinh You Mi, năm 2009 sinh You Bin. “Trước đó vợ chồng Hằng sống hạnh phúc. Khi tôi sang Hàn thăm con cháu được sui gia quý mến. Nhưng sau khi sinh You Bin, có lẽ thấy Hằng không sinh con trai nên gia đình chồng lợt lạt, không nhòm ngó tới. Buồn tủi, năm You Mi được 3 tuổi, còn You Bin được 1 tuổi thì Hằng đem con về cho mẹ nuôi. Sau đó để có tiền nuôi con ăn học, Hằng quay trở lại Hàn làm trong hãng sản xuất xe ô tô…”, bà Loan kể.

5 năm qua, hai chị em You Mi và You Bin lớn lên trong tình thương của ông bà ngoại và dì Út. Còn gia đình nhà nội (ở Hàn Quốc) chưa một lần liên lạc, thăm hỏi. Cùng với sự xa cách này, You Mi đã quên hình ảnh của cha, còn You Bin lúc ra đi còn quá nhỏ nên chưa kịp nhớ.

Có lẽ do hoàn cảnh nên dù mới 7 tuổi nhưng You Mi rất chững chạc. You Mi nói: “Tối nào mẹ cũng gọi điện về nói chuyện với chúng con. Con nhớ mẹ lắm nhưng biết vì hoàn cảnh mà mẹ phải đi làm nên không buồn”.

Thầy Nguyễn Tấn Lợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Khánh I – cho biết: “100% trẻ có yếu tố nước ngoài trên địa bàn, trong độ tuổi đi học đều đến trường. Chính quyền địa phương và nhà trường tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu ra lớp. Chúng tôi không câu nệ chuyện giấy khai sinh. Có thì nộp, không thì bổ sung sau. Các cháu được hưởng mọi quyền lợi như trẻ có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên những cháu có giấy chứng sinh thì có học bạ và giấy tờ chứng nhận việc học tập, còn không có thì chỉ ghi danh học, không có học bạ”.

Một trường hợp khác là Lee Yeonsoo (7 tuổi, tên ở nhà gọi là bé Bi) sống với ông bà ngoại tại khu vực Bình Dương, P.Long Hòa, Q.Bình Thủy… Hiện Bi đang học lớp 1 Trường Tiểu học Long Tuyền.

Mẹ của Bi là Nguyễn Thị Nở (năm nay 29 tuổi). Năm 2007, Nở lấy chồng Hàn Quốc, sau đó về quê chồng. Năm 2009 sinh bé Bi. Những tưởng hạnh phúc luôn ở bên chị, nhưng sau đó người chồng sinh tật uống rượu, bồ bịch… Khi bé Bi 3 tuổi, chị Nở xin gia đình chồng đưa con về Việt Nam, nhà chồng đồng ý. Và đó cũng là lúc chị rời nhà chồng, kiếm việc làm để nuôi con. Hiện chị làm công nhân trong một công ty sản xuất điện thoại ở Hàn Quốc.

Tôi hỏi: “Mẹ có thường gọi điện cho Bi không?”, Bi lễ phép: “Dạ, tháng mẹ gọi 2 lần. Con nói: mẹ ơi con nhớ mẹ lắm, mẹ gọi nhiều cho con. Mẹ nói mẹ không có tiền nhiều để gọi điện thoại. Con phải nghe lời ngoại, học thật giỏi nha”…

Điều đáng nói là mặc dù bên nội của các bé không ngó ngàng gì tới chúng nhưng bên ngoại vẫn sẵn sàng để bên nội nhận lại cháu nếu muốn. Bà Ngọc Loan tâm sự: “Dù phía sui gia không tốt nhưng chúng tôi và mẹ nó luôn dạy các cháu yêu quý cha. Các cháu có quốc tịch Hàn Quốc, sau này nếu bên sui muốn đòi cháu nội thì chúng tôi cũng sẵn sàng. Còn hai cháu muốn ở Việt Nam hay Hàn Quốc cũng được”…

Bà Nguyễn Kim Phượng (46 tuổi, bà ngoại của Bi) cũng cho biết: “Bên nội nó không nhìn nhưng chúng tôi vẫn dạy cháu phải biết cội nguồn. Sau này lớn lên, cháu muốn ở Việt Nam hay sang Hàn cũng được”.

(còn tiếp…)
Bài, ảnh: Đan Phượng

Bình luận (0)