Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những gánh nặng khi du học Úc

Tạp Chí Giáo Dục

DHS cần xác định mục tiêu vững vàng để hướng tới tương lai. Trong ảnh là các học viên theo học ngoại ngữ tại Học viện Yola

Vừa đi học, vừa đi làm thêm là chuyện đương nhiên đối với nhiều sinh viên (SV), nhất là với những du học sinh (DHS) tại Úc. Mức chi tiêu đắt đỏ, tiền viện trợ ít nên nhiều DHS đã coi chuyện làm thêm là cứu cánh cho hầu bao ít ỏi của mình.
Theo quy định của nhiều nước, các DHS được phép làm thêm cả trong lẫn ngoài trường học, miễn sao không được quá 20 giờ/tuần. Những việc làm trong trường học thường là phụ việc trong phòng máy, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng SV… Song vì số lượng công việc chỉ có hạn, mà SV lại quá đông (không chỉ SV Việt Nam mà còn có SV nhiều quốc gia khác), nên chuyện tìm được một việc làm khả dĩ ngay trong trường học luôn là điều không dễ dàng. Vì thế hầu hết các DHS thường tìm đến với những công việc khác bên ngoài.
Khủng hoảng giấc mơ du học
Minh Trần, DHS tại Úc chia sẻ: “Công việc bên ngoài trường học khá đa đạng từ phục vụ quán ăn, dán tấm cách nhiệt, thậm chí là làm hộ cho người khác lúc họ ốm đau… Bạn có thể dễ dàng tìm được công việc với mức thù lao hấp dẫn tùy theo mức độ công việc được giao, mức lương trung bình từ 8-10 đô la/giờ. Tuy nhiên, để tìm được một công việc tốt thì DHS cần phải có vốn tiếng Anh và kinh nghiệm sống tốt. “Chẳng ai lại muốn tuyển một cô tiểu thư hay chàng công tử nào để phục vụ quán ăn cả. Bất cứ một công việc nào tại Úc, người ta cũng yêu cầu sự chăm chỉ và ý thức trách nhiệm của người được giao việc. Thậm chí, có những ông chủ còn nhìn vào mức độ chăm chỉ để chấm thêm lương vào cuối tháng”, Minh Trần cho biết.
Tuy nhiên, tìm việc quá dễ cùng với mức thù lao hấp dẫn dễ khiến nhiều DHS rơi vào vòng luẩn quẩn. “Tôi có một người bạn du học theo dạng tự túc. Cậu ấy làm thêm đủ thứ việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, áp lực kiếm sống đủ để trả tiền ăn, tiền thuê nhà… khiến sau mỗi ngày làm việc cậu ấy không còn đủ sức để ngó vào trang sách nữa, vốn tiếng Anh cứ đì đẹt một chỗ cũng khiến cậu ta không thể kiếm được công việc nào bền vững và khả dĩ hơn mức 8 đô la/giờ. Trong khi đó, tiền phát sinh cho mỗi khóa học tiếng Anh cho 3 tháng rẻ nhất cũng đã hơn 2.000 đô la. Thi không qua, cậu ta buộc phải học lại, và phải tốn cho chừng ấy tiền học phí, trong khi thu nhập của cả tháng chưa đủ bù đắp. Cái vòng quay rối rắm nặng nề ấy cứ hút kiệt sức khỏe và niềm hy vọng của cậu ấy. Chỉ tồn tại ở Úc được gần 1 năm, bạn tôi đã phải khăn gói về Việt Nam vì không kham nổi gánh nặng học phí, chi tiêu nơi xứ người”, Minh Trần kể lại.
Quay cuồng trong công việc chân tay với mức thu nhập gọi là thấp nhưng vẫn là cao so với mặt bằng ở Việt Nam là thực trạng mà không ít DHS mắc phải. Không chỉ riêng trường hợp kể trên, nhiều DHS khi đi du học cũng bị rơi vào tình trạng luẩn quẩn khi tự đưa mình vào thế khó vì… quá ham đi làm. Lan Anh là một ví dụ điển hình. Dù gia đình đã trợ cấp cho cô một khoản chi tiêu khá ổn trong suốt quá trình đi học nhưng khoản tiền lương hấp dẫn, trung bình 10 đô la/giờ làm việc khiến cô lao vào làm đủ nghề, từ bán rau, bán thịt cho đến bán cà phê… Không chỉ làm một việc, Lan Anh còn tranh thủ kiêm nhiệm luôn hai việc trong một ngày, trong khi đó hai chỗ làm cách xa nhau hơn 1 giờ ngồi tàu. Lan Anh cho biết, thu nhập từ khoản làm thêm này đủ để cô giải quyết những chi phí phát sinh như mua quà sinh nhật, những buổi dã ngoại, những buổi tối tụ tập liên hoan hay mua những bộ quần áo mới. Thế nhưng, tỉ lệ nghịch với số tiền kiếm được đó là chất lượng học tập kém dần. Những bài luận điểm thấp cộng với việc vắng mặt trên lớp… là hệ quả của những ngày làm việc quần quật từ 5 giờ sáng đến tận khuya. “Chỉ đến khi nhận được thông báo của văn phòng khoa là phải học lại mấy môn, tôi mới giật mình. Khoản tiền mà tôi dành dụm được bấy lâu cũng đành phải chia tay để đóng lại học phí”, Lan Anh nhớ lại.
Khó khăn chẳng chừa một ai
Không chỉ riêng DHS du học theo dạng tự túc, không ít SV có học bổng hỗ trợ vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Trừ những SV thuộc diện học bổng toàn phần có mức hỗ trợ sinh hoạt cao như Ausaid, Endeavour hay học bổng toàn phần từ trường (mức hỗ trợ trung bình dao động từ 1.900 đô la tới 2.700 đô la/tháng) thì những học bổng toàn phần, bán phần khác hay những hỗ trợ tài chính mượn danh học bổng (hỗ trợ 100% học phí, hỗ trợ 50% học phí)… đều vấp phải áp lực cơm áo gạo tiền. Với khoản hỗ trợ sinh hoạt phí xoay quanh mức hơn 1.000 đô la/tháng, nếu chọn trường tốt tại tiểu bang có mức sinh hoạt đắt đỏ thì khoản tiền ấy chỉ đủ vừa thuê nhà, ăn uống và đi lại. “Nếu SV không đi làm thêm thì phải chấp nhận tình trạng học xong ở trường là đi thẳng về nhà ôm máy tính, triệt tiêu toàn bộ nhu cầu tối thiểu như xem phim, đi dã ngoại, du lịch, giao lưu với bạn bè…”, Thùy Dương, một DHS được nhận học bổng 50% tại ĐH Melbourne, khẳng định.
Một thực tế là trong vài năm gần đây, lao động chân tay tại Úc đang bị “phá giá” do làn sóng du học của các SV Ấn Độ sang. Bởi khả năng nói tiếng Anh của SV Ấn Độ tốt hơn, sức khỏe ổn định hơn, lực lượng đông hơn khiến DHS Việt Nam bắt đầu lao đao với quá trình tìm việc, nhất là vào các kỳ nghỉ hè kéo dài tới 3 tháng (từ tháng 12 tới tháng 2). Lúc này, số lượng SV rảnh rỗi đi làm thêm tăng vọt khiến chuyện kiếm việc làm thêm càng khó khăn hơn. Nhiều SV nữ còn chấp nhận làm cả những công việc nặng nhọc của phái nam như làm việc ở nông trại, đi đến các vùng trồng nho để tìm việc làm thêm. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn tìm được ông chủ tôn trọng nhân công dù họ đã phải bỏ ra công sức không nhỏ…
Bài, ảnh: Huyền Linh
Cám dỗ, khó khăn quá nhiều dễ dẫn đến sự sa ngã của nhiều DHS. Do đó, DHS cần xác định mục tiêu vững vàng là hoàn thành khóa học để tự mình mở ra một cánh cửa tốt đẹp hơn tới tương lai, không để rơi vào vòng luẩn quẩn chi tiêu, việc làm đã kể trên.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)