Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những gia đình … “ghép”

Tạp Chí Giáo Dục

Hạnh phúc mỉm cười với gia đình “ghép” của NSƯT Hồng Vân và Lê Tuấn Anh. Ảnh: K.N

Trai không vợ, gái không chồng đều rất cần sự quan tâm chăm sóc của người khác giới. Đó là điều kiện cần và đủ để hình thành nên những gia đình “ghép”.
Từ những mảnh vỡ cuộc đời
28 tuổi, Minh Thư (Q.3, TP.HCM) đã góa chồng. Chồng cô, một kĩ sư xây dựng đã qua đời trong một vụ sập giàn giáo tại công trình. Từ đó, một mình Thư cùng đứa con trai bốn tuổi sống trong căn nhà nhỏ trong khi gia đình hai bên nội ngoại đều ở tận miền Bắc xa xôi. Kể sao hết những tháng ngày một mình nuôi con vất vả, một mình lo toan đủ thứ. Nhiều lúc cảm thấy mình bất lực, Thư lại ôm con khóc nhưng rồi lại cố gắng gượng để trở thành điểm tựa vững chắc cho con. Chuyện cứ như thế trôi đi cho tới một ngày, cô gặp Mạnh, một người bạn cũ thời trung học hiện cũng đang làm việc tại TP.HCM. Vợ của Mạnh cũng qua đời trong một cơn đau tim đột ngột. Sự cảm thông, chia sẻ đã khiến cho tình cảm giữa hai người nảy nở. Họ đã đến với nhau…
“Tôi đến với Thư vì chúng tôi có nhiều suy nghĩ, quan điểm giống nhau. Cô ấy có những yếu tố cần thiết để đảm bảo cho một cuộc sống gia đình. Và có lẽ, Thư cũng nhận thấy điều này từ tôi. Cả hai “ghép” lại thì con tôi có mẹ, con Thư cũng có người để gọi là bố, chúng sẽ bớt mặc cảm với bạn bè và yên tâm hơn nếu đó là một gia đình thực sự”, Mạnh chia sẻ. Những chia sẻ của Mạnh chính là lý do giải thích vì sao số lượng gia đình “ghép” càng ngày càng nhiều. Chuyện của ông Hiển, bà Nga là một trong số đó. Gọi là “bà” nhưng thực ra Nga kém ông gần 30 tuổi. Vốn một lần lỡ làng, Nga lấy gánh tàu hũ làm nghiệp để nuôi con trong suốt 9 năm trời. Ông Hiển là khách quen, vợ mất đã lâu và thường hay giúp đỡ Nga trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Ông cũng thường tâm sự với Nga về những chuyện thường gặp trong cuộc sống. Vốn cảm kích tấm lòng của người đàn ông sống trong cảnh “gà trống nuôi con” nên khi ông Hiển đề nghị “về làm người một nhà”, Nga đã đồng ý.
Những bất cập gia đình
Đến với nhau là vậy, nhưng xung quanh chuyện “rổ rá cạp lại” đó lại là không ít những vấn đề bất cập. Đã qua rồi cái thời bồng bột, giận hờn của trai gái yêu nhau, nhưng những phát sinh trong cuộc sống gia đình nhiều khi lại đẩy những ông bố, bà mẹ này vào tình huống khó xử. Với gia đình Mạnh – Thư, khó khăn được bắt đầu từ hai đứa con nhỏ. Con Thư nhiều tuổi hơn nên được gọi là anh. “Có lần, thằng anh cứ giành bằng được đồ chơi của thằng em. Đến lúc thằng em mếu máo mách mẹ, thằng anh dõng dạc tuyên bố “Mẹ của tao chứ có phải của mày đâu”. Đó là chưa kể hai đứa con tính cách không hợp nhau. Mỗi lần đứng ra phân xử, hễ bênh thằng em thì thằng anh vùng vằng, còn khuyên bảo thằng em thì nó lại cho rằng mình ghét bỏ nó. Chuyện của trẻ con nhưng thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng giận nhau mất mấy ngày. Sau này, chúng tôi thống nhất với nhau: mỗi khi có vụ nào cần phân xử, cả hai sẽ cùng nhau trao đổi trực tiếp với hai con. Đồng thời, mỗi bên cũng cần phải khuyên bảo các con không được gây bất hòa vì ba mẹ đều là… của chung”, Minh Thư hóm hỉnh. Bên cạnh đó, chính vấn đề đến với nhau bằng cảm nhận, bằng tình nghĩa, không có điều kiện tìm hiểu kĩ càng nên nhiều cặp vợ chồng “ghép” thường mâu thuẫn với nhau về tính cách, suy nghĩ, trình độ chênh lệch… Vượt qua trở ngại con cái, những điều tiếng khen chê của người đời, ông Hiển và Nga đến với nhau. Tuy nhiên, có sống trong cùng một mái nhà mới thấy hết những điểm bất đồng trong sinh hoạt hằng ngày. Ông vốn là người kĩ tính, lại là cán bộ viên chức về hưu nên những chế độ nghỉ ngơi, giờ giấc sinh hoạt trong nhà đều được ông đề ra và kiểm soát nghiêm ngặt. Ngay cả cách ăn nói, ông cũng thường bắt bẻ từng câu chữ nếu thấy không vừa ý. Trong khi đó, với lối suy nghĩ của thế hệ trẻ, không ít lần Nga tỏ ra khó chịu về cách xử sự của “ông già”. Rồi những mâu thuẫn trong cách suy nghĩ của hai thế hệ trẻ -già liên tiếp xảy ra khiến cả hai trở nên mệt mỏi, không khí gia đình u ám, nặng nề.
Tường Vy

Chuyên viên tư vấn Đặng Việt Giang (Trung tâm Tư vấn tình yêu, hôn nhân gia đình TP.HCM) đưa ra giải pháp: “Trong cuộc sống của các gia đình “ghép”, yếu tố quan trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình chính là sự cảm thông và chia sẻ. Dù không đến với nhau bằng tình yêu nồng nàn như thời còn trẻ, thậm chí khác biệt nhau về suy nghĩ, tính cách, lối sống nhưng nếu biết chia sẻ và cảm thông với nhau, họ sẽ đưa con thuyền hạnh phúc cập bến an toàn”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)