Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những gia đình khuyết…

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi người hãy biết quí trọng và nâng niu hạnh phúc của gia đình (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: Ngọc Anh

Ly hôn, đó là điều không cặp vợ chồng nào mong muốn. Nhưng khi không thể cùng nhau chung sống, họ tìm cách giải thoát cho mình. Và vô tình họ đã để lại trong tâm trí những đứa con hình ảnh về một gia đình không trọn vẹn.
Vết xước trong tâm hồn
Dù đã gần mười năm trôi qua nhưng Hoàng Lan – giảng viên một trường ĐH t¡i TP.HCM vẫn không thể quên được buổi chiều hôm ấy. Người cha, ôm con gái một hồi lâu rồi lặng lẽ xách va li ra khỏi nhà. Còn bà mẹ, ngồi lọt thỏm giữa ghế, bất lực nhìn theo bóng dáng người chồng. Kể từ ngày đó, cô không còn thấy cha quay về ngôi nhà đã một thời hạnh phúc, từng là mơ ước của bao người. Và cũng từ dạo đó, Lan trở nên lầm lì, ít nói và dễ tủi thân. Trong đầu óc của một đứa trẻ 15, cô không thể chấp nhận một sự thật rằng cha mẹ đã ly hôn…
Trong cuộc sống, đã có bao cặp vợ chồng quyết tâm đến với nhau, rồi nhanh chóng chia tay. Khi ly hôn, ai trong số họ cũng nghĩ đến thiệt thòi cho con cái nhưng mức độ nghiêm trọng ra sao thì không ai lường trước được. Một đứa trẻ sinh ra là minh chứng cho tình yêu và sự hòa hợp của hai người và cũng chính là sợi dây kết nối ngọt ngào nhất của hai vợ chồng. Cũng bởi lý do đó, con cái ít khi chấp nhận chuyện cha mẹ chúng ly hôn, trở thành những người xa lạ. Không ít người sau biến cố gia đình đã có những biểu hiện tiêu cực. Họ trở nên hoài nghi trước hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình…
Lê Minh, luật sư một công ty liên doanh nước ngoài tâm sự: “Tôi đã phải mất thời gian rất lâu mới quen được cảm giác gia đình mình mỗi người một nơi. Ba mẹ chia tay nhau khi tôi bắt đầu học lớp 4. Mỗi lần tới nhà bạn bè, nhìn thấy gia đình họ hạnh phúc, lòng tôi không tránh khỏi ganh tỵ, rồi tủi thân cho chính mình. Tôi ngại không dám chia sẻ cho ai biết về hoàn cảnh của mình, sợ ánh mắt khinh rẻ, thương hại khi biết tôi có một gia đình như vậy”.
Không chỉ riêng người lớn, trẻ con khi biết cha mẹ chia tay cũng có những biểu hiện không bình thường về mặt tâm lý. Thùy Châu, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Quốc tế đã bệnh li bì hơn một tuần khi hay tin bố mẹ ly dị. Trong lúc mê man, Châu vừa khóc vừa gọi tên mẹ mình (bé được tòa xử cho ở với bố). Sau khi khỏi bệnh, bé trở thành người khác hẳn. Thay vì nhí nhảnh, líu lo suốt ngày thì giờ đây bé tự thu mình trong ốc đảo, ánh mắt lúc nào cũng nhìn xa xăm…
Nỗi đau dai dẳng
Sống trong một gia đình tan vỡ, hơn ai hết, con cái là người luôn cảm thấy mất mát và tổn thương nhiều nhất. Dù biết không thể hàn gắn lại hạnh phúc gia đình nhưng trong tâm trí của họ, hình ảnh một gia đình không trọn vẹn vẫn đeo bám dai dẳng.
Hoàng Lan kể rằng để vượt qua cú sốc ngày ấy, cô đã phải cố gắng học thật nhiều. “Tôi học không mục đích nào khác là để mọi người không xem thường mình và để lấp thời gian rảnh rỗi. Kết quả ngày hôm nay tôi đạt được cũng một phần từ quãng thời gian ấy. Nhưng nếu được chọn, tôi sẵn sàng đánh đổi để có được hạnh phúc giữa ba và mẹ. Có lần, một người bạn trong nhóm yêu phải người có tính trăng hoa. Lúc khuyên nhủ bạn ấy, có người vô tình nói “Con bé đó là đứa không cha, lại không được giáo dục tử tế. Hư thân là phải”. Dù biết người bạn đó không có ý nói mình nhưng sao tôi vẫn thấy lòng buồn vô hạn. Tôi sợ sau này bị gia đình người mình yêu phản đối vì lý do gia đình không đầy đủ. Chỉ nghĩ đến đó thôi, tôi đã không đủ can đảm để nghĩ tiếp”.
Đó không chỉ là nỗi niềm của Hoàng Lan mà còn là của bao người khác. Mang trong mình nỗi mặc cảm, tự ti, họ phải làm mọi hành động để tạo nên vỏ bọc cho mình, luôn phải đề phòng dù chỉ là một câu nói, một hành động vô tình. Đứng trước hôn nhân, không ít người đã phải đắn đo, trăn trở. Người sợ gia đình thông gia không thông cảm, người lại sợ hạnh phúc của mình rồi cũng tan nhanh như chính bi kịch gia đình mình. Lê Minh lập gia đình khi cái tuổi “băm” của anh đã già quá nửa. Nhưng ngay cả khi đã “yên bề gia thất”, nỗi lo lắng về một gia đình tan vỡ vẫn thường trực trong suy nghĩ. “Tôi hiểu cảm giác của một đứa trẻ thiếu đi tình cảm của cha và mẹ. Vết thương da thịt có thể lành, nhưng vết thương lòng thì mãi là niềm đau nhức nhối. Bởi thế, tôi rất sợ những cuộc cãi cọ trong gia đình, sợ cảm giác vợ chồng không hiểu nhau. Mỗi giây phút gia đình hạnh phúc bên nhau, tôi đều nâng niu và quý trọng”, Lê Minh chia sẻ.
Ngọc Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)