Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những gia đình nhà giáo văn hóa: Kỳ 3: Cùng nhìn về một hướng

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Thị Ly Kha và thầy Phạm Đức Quyền

Tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐHSP TP.HCM) mới đây, PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha – Trưởng khoa Giáo dục tiểu học có nhiều niềm vui khi lên bục danh dự nhận giấy khen của Bộ GD-ĐT cho cá nhân và tập thể đơn vị mình. Từ ở hàng ghế đại biểu, thạc sĩ Phạm Đức Quyền – Phòng Công tác chính trị và học sinh, sinh viên Trường ĐHSP TP.HCM như được chia sẻ trọn vẹn niềm vui đó bởi vì họ là đôi vợ chồng đã gắn bó với nhau suốt 35 năm giữa giảng đường. 

Luôn chia sẻ mọi điều cho nhau

PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha được nhiều thế hệ sinh viên trường sư phạm và giáo viên tại các trường phổ thông biết đến với cương vị là tác giả của nhiều đầu sách tham khảo và giáo trình như: Ngữ pháp tiếng Việt, Ngữ nghĩa học, Ngữ pháp văn bản và tập làm văn, Tiếng Việt cho người Việt nước ngoài… PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha còn là tác giả của bộ SGK và sách giáo viên Tiếng Việt lớp 5 tập 2. Tuy không trực tiếp tham gia viết sách và tổ chức các hội thảo nghiên cứu khoa học nhưng thầy Phạm Đức Quyền lại là người có công không nhỏ trong việc giúp cô Ly Kha hoàn thành trọn vẹn các công trình nghiên cứu khoa học của mình. Và để có được thành quả như ngày hôm nay, họ đều phải trải qua những tháng ngày vất vả và biết nhận lấy những khó khăn nhất về cho mình. Cho đến bây giờ, PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha vẫn không thể nào quên thời kỳ theo học chương trình cao học khi đang công tác tại Trường ĐH Đồng Tháp: “Từ 3 giờ khuya tôi đã phải bắt xe từ Cao Lãnh lên TP.HCM cho kịp học buổi sáng tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Chiều ăn vội hộp cơm để vào các thư viện tìm sách và tài liệu nghiên cứu. Mọi việc ở nhà đều do ba cha con tự lo liệu”. Nếu gặp một người chồng gia trưởng thì chắc chắn cô Ly Kha không thể có nhiều thời gian để “vùi đầu” vào công việc biên soạn sách và giáo trình được. Nói như vậy không có nghĩa là lúc nào cô Ly Kha cũng “phó mặc” mọi chuyện cho chồng con. Những ngày cuối tuần, nhiều món ăn do cô Ly Kha nấu chiêu đãi luôn đem lại cảm giác hạnh phúc cho cả nhà.

Món quà tinh thần từ con gái

Đối với thầy Quyền, thời kỳ vất vả nhất là cả hai vợ chồng cùng đi học sau ĐH: “Năm 1998 ra Huế học cao học, tôi phải mang cháu Minh Châu lúc đó mới 5 tuổi theo để vợ có thời gian nghiên cứu và làm đề tài”. Theo lời thầy Quyền, nếu thiếu quyết tâm thì hai vợ chồng khó có thể vượt qua được mọi thử thách trên con đường nâng cao trình độ. Hai cô con gái còn nhỏ nên thầy Quyền không chỉ lo chuyện cơm nước mà còn cả lúc ốm đau, vui buồn. Đó cũng là lý do mà sau khi hoàn thành luận án thạc sĩ, thầy Quyền không còn cơ hội để tiếp tục nghiên cứu sinh nữa. Biết vợ là người không bao giờ chịu dừng chân trên con đường học vấn nên thầy Quyền đành chấp nhận hy sinh để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho vợ. Chính vì thế mà các công trình nghiên cứu khoa học của PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha luôn được đánh giá cao từ lúc đăng ký cho đến ngày phản biện. Đặc biệt, gần đây có nhiều công trình mang tính nhân văn đối với trẻ khuyết tật của cô Ly Kha đều có sự góp sức từ gia đình nhỏ của cô.

Bây giờ, hai vợ chồng thầy cô thật sự hạnh phúc khi thấy cô con gái Phạm Hải Lê đang nối nghiệp cha mẹ, có những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị như: Cúp từ điển điện tử hỗ trợ cho học sinh khiếm thị, hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên khoa tiểu học đạt giải nhất, giải ba cấp trường. Những bước đi của cô giáo Hải Lê đang có sự dìu dắt và định hướng của người mẹ. Sinh nhật năm nay ngoài những lời chúc và những bó hoa tươi thắm từ bạn bè, đồng nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha còn nhận từ cô con gái đầu lòng – Phạm Hải Lê – những câu thơ chứa chan tình cảm và sâu nặng nghĩa ân: “Chưa một lần con làm thơ tặng mẹ/ Chỉ thích làm kể những chuyện đâu đâu/ Về tình yêu, về thầy cô, bè bạn/ Mà quên đi dáng mẹ dãi dầu”. Đối với vợ chồng PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha và thầy Phạm Đức Quyền đây là món quà tinh thần vô cùng quý giá không có gì quý giá hơn về một mái ấm gia đình: “Con muốn nói con là người hạnh phúc/ Bởi vì con vẫn có mẹ và bố trên đời”.

Bài, ảnh: Quang Phan

Nhiều người cho rằng, tình yêu thời sinh viên thường cảm tính nên khó kéo dài nhưng đối với vợ chồng cô Ly Kha thì lại khác, sau khi tốt nghiệp Trường ĐHSP Vinh họ vẫn dành những gì tốt đẹp nhất cho nhau. Không ở lại quê đi dạy, cô Ly Kha vào tận Đồng Tháp viết tiếp “bản tình ca” dang dở để sau đó cả hai nên vợ nên chồng.  

 

Bình luận (0)