Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Những giá trị sáng tạo của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ vài tuần nữa, 18 đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật xuất sắc của học sinh TP.HCM sẽ tham dự vòng quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Mặc dù kiến thức mới chỉ dừng lại ở bậc trung học nhưng mục tiêu nghiên cứu của các em lại gần gũi với cuộc sống, thể hiện tính thiết thực và có giá trị cao khi áp dụng vào thực tiễn.

Viết chữ bằng sóng điện não

Em Phan Quốc Thắng tiếp tục hoàn thiện sản phẩm chuẩn bị cho vòng thi quốc gia

Đây là trọng tâm của đề tài Nghiên cứu phương pháp viết chữ bằng sóng điện não dành cho người khuyết tật do em Phan Quốc Thắng (học lớp 12A1 Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) thực hiện.

Thắng cho biết: “Chỉ cần đeo thiết bị Emotiv EPOC Headset vào đầu thông qua phần mềm hệ thống chữ cái chớp nháy được lập trình sẵn trên máy tính, người khuyết tật nhìn vào hệ thống chữ cái là những suy nghĩ muốn nói sẽ tự động viết thành chữ”.

Phương pháp ghi nhận được sóng điện não ra đời vào năm 1929. Trong số các thiết bị ghi nhận, Emotiv EPOC của một người Mỹ gốc Việt ra đời năm 2009 có ưu thế hơn vì đơn giản, tiện lợi, giá thành rẻ. Thiết bị hoạt động trên cơ sở phát tín hiệu sóng P300 của não người khi bị kích thích bởi thị giác, thính giác… phục vụ cho giải trí. Dựa trên thiết bị này, Thắng tiến hành giải quyết bài toán giải mã sóng điện não P300 để giúp người khuyết tật có thể thực hiện giao tiếp suy nghĩ của não với máy tính bằng chữ viết. Theo đó, thông qua giao tiếp giữa thiết bị Emotiv EPOC Headset, dữ liệu sóng điện não sẽ truyền về máy tính. Tại đây, một chương trình phần mềm được thiết lập sẽ xử lý tín hiệu này rồi đề xuất hiển thị trên màn hình máy tính các kí tự tương ứng sóng điện não mà người dùng tập trung suy nghĩ và cần thể hiện.

Trước khi thực hiện đề tài, Thắng đã nghiên cứu ứng dụng phần mềm LabVIEW nhằm lập trình đồ thị bảng hiện chữ với hiệu ứng nhấp nháy và xử lý phối hợp các lệnh trong Window. Bên cạnh đó em còn nghiên cứu ứng dụng phần mềm Matlap để lập trình các thuật toán xử lý cấp cao nhằm phân loại dữ liệu, trích xuất thông tin. Thực hiện huấn luyện để thu thập các dạng điện não đồ P300 của người khi nhận các ký tự trong bảng ký tự nhấp nháy… Kết quả là tỉ lệ nhận dạng chính xác kí tự lên tới 87,93%.

ThS. Trần Ngọc Tươi (giáo viên dạy môn vật lý của Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho biết: “Xét về tính kỹ thuật, đề tài này rất mới mẻ, được xem là bước tiến quan trọng bởi thiết bị gọn nhẹ, không cồng kềnh, xử lý thông tin sóng điện não qua ứng dụng lập trình công nghệ tiên tiến. Còn tính nhân văn thì rất cao, mở ra một thế giới giao tiếp bằng suy nghĩ cho những người bị liệt toàn thân, tai biến, run tay… khiến họ không thể giao tiếp, nhưng thị giác, thính giác, não bộ vẫn hoạt động bình thường. Nghiên cứu của Thắng sẽ xóa bỏ mọi rào cản cho họ, giúp họ tiếp cận với thế giới bên ngoài”. Theo thầy Tươi, đề tài này có thể mở rộng nghiên cứu nhận diện hình ảnh, biểu hiện thái độ… phục vụ cho nhiều công việc khác trong cuộc sống.

Chuẩn bị cho vòng thi quốc gia sắp tới, Thắng đang tập trung xử lý, giảm thiểu độ nhiễu thông tin để đạt được tính chính xác cao nhất.

Trang bị kỹ năng bán hàng qua mạng

Hai em Đặng Tú Tài và Đoàn Thị Bích Vân gặp nhau để lên kế hoạch chỉnh sửa đề tài hoàn thiện hơn

Mạng xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt facebook là kênh mà giới trẻ, nhất là học sinh sử dụng để giao tiếp và kinh doanh hàng hóa ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không phải học sinh nào tham gia cũng đều thành công do thiếu kinh nghiệm. Trong khi đó, việc trang bị kỹ năng bán hàng đúng cách, hiệu quả mà việc học không bị ảnh hưởng cho đối tượng này đến nay chưa có tổ chức nào hướng dẫn.

“Hầu hết học sinh tham gia hoạt động bán hàng qua mạng đều tự mày mò, học mót là chính. Đó là lí do để em và bạn (Đoàn Thị Bích Vân – học lớp 10D9), bắt tay vào nghiên cứu đề tài Hiện trạng bán hàng qua mạng: Thực trạng và giải pháp”, em Đặng Tú Tài (học lớp 10D1 Trường THPT Trần Văn Giàu, TP.HCM) cho biết.

Qua khảo sát đối tượng học sinh THPT ở Q.Bình Thạnh, Tài và Vân thấy có nhiều lý do để các bạn học sinh tham gia bán hàng, đó là kiếm thu nhập, muốn được nổi tiếng… Các mặt hàng rất đa dạng, từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm đến thức ăn. Tài cho biết ở trường từng có một học sinh bán giày dép cao cấp, giá thành lên đến hàng triệu đồng/sản phẩm. Ban đầu bạn lấy hàng rất suôn sẻ, nhưng sau đó bị đối tượng bán hàng lừa đảo lấy tiền mà không giao hàng.

Dựa trên các kết quả khảo sát, Tài và Vân đưa ra những định hướng, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng xã hội vào việc kinh doanh. “Chúng em chú trọng hướng dẫn cách kinh doanh, lấy hàng, điều chỉnh thời gian để vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa, vừa đảm bảo việc học tập”, Vân cho biết. Theo đó, hai em khuyến khích những ai thực sự đam mê, có năng lực kinh doanh và biết cách sắp xếp thời gian thì nên tham gia. Ngược lại, vì những lí do khác thì không nên. Hoặc có bạn kinh doanh thành công, quyết định nghỉ học để tập trung buôn bán thì không nên. “Công việc kinh doanh sẽ thành công hơn nếu các bạn được trang bị đầy đủ kiến thức. Dù sao ở tuổi này, việc học vẫn là quan trọng nhất”, Tài nói.

Theo nhiều giáo viên, đề tài Hiện trạng bán hàng qua mạng: Thực trạng và giải pháp bám sát thực tiễn đang diễn ra trong đời sống học sinh, vì thế những hướng dẫn mà nhóm đưa ra được đánh giá cao. Do đối tượng học sinh khảo sát mới dừng lại ở Q.Bình Thạnh nên hiện tại nhóm tập trung mở rộng ra toàn thành phố để kết quả đa dạng và khách quan hơn. Đây cũng là bước đệm giúp hai em chuẩn bị cho vòng thi quốc gia sắp tới.

Trinh Ngọc

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)