Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những gia vị giàu chất chống ôxy hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Gia vị là thành phần không thể thiếu, giúp gia tăng hương vị và màu sắc cho món ăn. Ngoài ra, đây cũng là những loại thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ vào lượng chất chống ôxy hóa dồi dào.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu dùng gia vị thường xuyên thì khả năng chống ôxy hóa của gia vị còn cao hơn phần lớn các loại rau xanh và trái cây mà chúng ta dùng hàng ngày. Theo kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng, hoạt động chống ôxy hóa trong gia vị cao gấp 2.300 lần so với trái cây và cao hơn khoảng 3.600 lần so với các loại rau xanh.
Chất chống ôxy hóa ngăn chặn hoạt động của các gốc tự do. Sự phản ứng của các phân tử ôxy hóa ở mức cao có thể gây ra những tổn hại cho các tế bào và mô. Sau đây là danh sách những loại gia vị có hàm lượng chất chống ôxy hóa cao nhất.
1. Nghệ
Nghệ (Curcuma longa) là loại gia vị không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của các nước thuộc vùng Nam Á và Trung Đông. Nghệ chứa nhiều chất curcumin, vốn được xem là chất giảm đau khá hiệu quả. Đây cũng là gia vị được sử dụng phổ biến trong việc điều chế các loại thuốc trị bệnh viêm khớp, Alzheimer…
2. Đinh hương
Tên khoa học là “Syzygium aromaticum”, đinh hương được dùng nhiều trong chế biến thực phẩm của người dân thuộc vùng Nam Á và nhiều nước trên thế giới. Gia vị này có khả năng làm giảm đau và vẫn được sử dụng trong phần lớn các loại thuốc trị đau răng. Đinh hương còn rất giàu chất eugenol, có công dụng chữa trị những rắc rối về tiêu hóa, ung thư, liệt dương…
3. Hạt thì là
Hạt thì là có tên khoa học là “Cuminum cyminum”, thuộc dòng họ của loại thảo dược Apiaceae. Hạt chứa nhiều chất sắt và tinh dầu, được dùng để bào chế các loại thuốc điều trị bệnh về tiêu hóa, đường ruột. Trong ẩm thực, hạt thì là là gia vị phổ biến của người Ấn Độ, Trung Đông, Ý, Tây Ban Nha, Cu Ba và người Mỹ gốc Mêxicô.
4. Tiêu đen
Tiêu đen thuộc dòng họ tiêu, có tên khoa học là “Piper nigrum”. Loại gia vị này còn được gọi là vàng đen vì có giá trị kinh tế cao. Ngày nay, chúng là gia vị được sử dụng phổ biến ở nhiều nước. Từ xa xưa, tiêu đen đã là một phương thuốc truyền thống được dùng để chữa trị các bệnh ho, cảm lạnh hay cảm cúm… Chúng cũng có tác dụng cải thiện sự trao đổi chất, tuần hoàn máu trong cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa và chữa chứng nấc cụt.
5. Quế
Quế thuộc giống Cinnamomum. Vỏ cây quế được dùng để ướp thực phẩm hoặc cho vào món ăn trong quá trình đun nấu nhằm làm tăng mùi thơm và vị ngọt cho món ăn. Trong lớp vỏ này có rất nhiều tinh dầu và những hợp chất hóa học khác như eugenol, ethyl cinnamate, beta-caryophyllene, linalool và methol chavicol. Nghệ vẫn được dùng để điều trị bệnh cảm, đái tháo đường tuýp 2 và căng thẳng do quá trình ôxy hóa.
6. Mùi tây
Mùi tây có tên khoa học là Petroselinum, là loại gia vị khá phổ biến ở vùng Trung Đông, châu Âu và châu Mỹ. Về khả năng chữa bệnh, mùi tây thường được dùng để kiểm soát chứng huyết áp cao, tăng cường “sức khỏe” cho bàng quan, cải thiện chức năng của thận và làm tăng khả năng hấp thu mangan của cơ thể.
7. Bạch đậu khấu
Thuộc dòng họ nhà gừng và có mùi rất thơm, bạch đậu khấu được sử dụng để chữa trị nhiều bệnh khác nhau như tăng cường sự khỏe mạnh cho tim và phổi, giúp cơ thể khử độc, kích thích sự hoạt động của thận, cải thiện khả năng tuần hoàn máu…
8. Gừng
Gia vị này còn có tên là Zingiber offcinale, được người châu Á rất ưa chuộng trong nấu nướng. Trong y học, gừng vẫn được dùng để chữa trị tiêu chảy, táo bón, sỏi mật, tiểu đường…
9. Oregano (dạng khô)
Đây là một loại lá gia vị thuộc họ bạc hà, tên khoa học là “Origanum vulgare”. Chúng được sử dụng rộng rãi trong quá trình nấu nướng, chế biến món ăn của người châu Âu và là thành phần quan trọng trong món pizza. A-xít phenolic và các flavonoid đã mang lại công dụng chống ôxy hóa cho oregano. Những thành phần hóa học có trong lá oregano bao gồm carvacrol, thymol, limonene, pinene, ocimene và caryophullene. Đây cũng là những thành phần phổ biến trong các loại thuốc khử trùng, thuốc trị co thắt, thuốc làm toát mồ hôi, long đờm và dễ tiêu.
10. Nhục đậu khấu
Nhục đậu khấu thuộc họ Myristica, là gia vị xuất hiện nhiều trong văn hóa ẩm thực của người châu Á. Nhờ vào lượng chất chống ôxy hóa dồi dào, nhục đậu khấu vẫn được dùng để chế tạo các loại thuốc làm dịu thần kinh.
Hồng Xuân / Phụ Nữ
(Theo ifood.tv)

 

Bình luận (0)