Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những giai điệu tạc hình Tổ quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước, khơi dậy khát vọng cống hiến, nhiều chương trình nghệ thuật lớn trong dịp Quốc khánh 2-9 được chuẩn bị công phu với mong muốn một lần nữa nhắc nhớ lịch sử hào hùng của dân tộc bằng âm nhạc.

Các nghệ sĩ luyện tập cho chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc. Ảnh: TUẤN MINH

Các nghệ sĩ luyện tập cho chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc. Ảnh: Tuấn Minh

Kết nối lịch sử bằng nghệ thuật

Giai điệu Tổ quốc được tổ chức tối 27-8 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), là chương trình nghệ thuật lớn quy tụ sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài năng. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông, chỉ đạo nghệ thuật của chương trình Giai điệu Tổ quốc, chia sẻ, chương trình là sự tổng hòa của các loại hình ca, múa, kịch và xiếc. Những tác phẩm được lựa chọn ra đời ở từng dấu ấn lịch sử, minh chứng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam qua mỗi thời kỳ. Thông qua đó, chương trình truyền tải thông điệp: văn hóa với sức sống trường tồn, đã tạo bản sắc riêng cho mỗi quốc gia, dân tộc. Nghệ thuật chính là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần và tạo sức mạnh mềm cho người dân thêm tin yêu, đóng góp công sức xây dựng đất nước.

“Giai điệu Tổ quốc sẽ là kết tinh văn hóa dân tộc thông qua các tác phẩm nghệ thuật truyền thống đặc sắc, các ca khúc nổi tiếng qua nhiều thời kỳ đã in dấu sâu đậm trong trái tim khán, thính giả cả nước. Mỗi tiết mục đều được đầu tư dàn dựng kỹ lưỡng, kết hợp âm nhạc cùng vũ đạo và những hiệu ứng ánh sáng, kỹ thuật hiện đại; hình thức trình diễn phong phú, nhiều màu sắc, vừa truyền thống vừa dung dị, thiêng liêng”, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh.

Chương trình Giai điệu Tổ quốc gồm 3 phần: Hồn Việt, Đất nước và Vinh quang Việt Nam. Cùng với những ca khúc đi cùng năm tháng, trong chương trình còn có một số sáng tác mới và những tổ khúc múa lớn, được dàn dựng công phu. Đặc biệt, các tiết mục được kết hợp với nghệ thuật sắp đặt tạo thành các đại cảnh hoành tráng, luôn có sự biến đổi sắc màu trên sân khấu, khai thác yếu tố nghệ thuật trang phục cùng âm nhạc, thể hiện khát vọng yêu nước, đấu tranh vì hòa bình của dân tộc.

Chia sẻ về chương trình, tổng biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, các tiết mục múa được ê kíp tính toán, dàn dựng để khán giả cảm nhận được dòng chảy văn hóa, truyền thống từ bao đời nay được hun đúc; khắc họa diện mạo, hình hài đất nước, diễn giải nguồn cội của tình yêu quê hương trong tâm thức người dân Việt Nam.

Âm nhạc thể hiện tình yêu quê hương

Lần đầu ra mắt công chúng năm 2009, hòa nhạc Điều còn mãi diễn ra vào 14 giờ ngày 2-9 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) – thời khắc Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với công chúng yêu nhạc vào dịp Quốc khánh 2-9. Năm nay, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sẽ đảm nhận vị trí Giám đốc âm nhạc. Anh chia sẻ: “Điều còn mãi 2023 lấy nhạc giao hưởng làm nền tảng nhưng cũng không quên việc tôn vinh giá trị dân tộc và không bỏ qua yếu tố thời đại”.

Bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng đi cùng năm tháng như: Bóng cây Kơnia (Phan Huỳnh Điểu), Trăng sáng đôi miền (An Chung), Áo mùa đông (Đỗ Nhuận), Đất nước lời ru (Văn Thành Nho), Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến), Tổ quốc yêu thương (Hồ Bắc)… được phối khí mới, hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi năm nay còn giới thiệu những ca khúc mới được nhiều người trẻ yêu thích như: My kool Việt Nam (Thanh Bùi), Những trái tim Việt Nam (Phương Uyên)… Lần đầu tiên, Điều còn mãi sẽ được chỉ huy bởi Đồng Quang Vinh – một nhạc trưởng trẻ, tài năng và có nhiều thành công trong việc chỉ huy ở cả hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc cũng như lĩnh vực âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh bày tỏ niềm hạnh phúc khi lần đầu tham gia Điều còn mãi 2023: “Được tham gia biểu diễn trực tiếp cho khán giả trong nước với vai trò nhạc trưởng của Điều còn mãi là một điều vô cùng vinh dự”. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cũng cho biết, đã chuẩn bị từng chi tiết để âm nhạc truyền tải được đúng ý tưởng của tác giả nguyên gốc lẫn tác giả phối khí, mang tới những tác phẩm vừa có niềm tự hào quá khứ, vừa đậm hơi thở mới của thời đại.

Nghệ sĩ saxophone An Trần chính là một trong những yếu tố mới trong năm nay. An Trần sinh năm 2004, nghệ sĩ trẻ nhất tham gia chương trình, cô cũng là con gái của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. Chia sẻ về Mẹ yêu con, một nhạc phẩm gắn với nhiều nghệ sĩ tên tuổi, An Trần cho biết: “Các ca sĩ đi trước hát bằng tình cảm của người mẹ dành cho con, còn tôi thể hiện tiếng lòng của người con với đấng sinh thành. Vì thế, tôi mong truyền tải ca khúc với tinh thần nhẹ nhàng, hồn nhiên và cảm xúc nhất qua tiếng kèn saxophone”.

Với nhiều nghệ sĩ, hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi giống như một hồi ức, một giấc mơ bằng âm nhạc của người Việt về tình yêu đối với Tổ quốc và tình yêu thương con người.

Theo Mai An/SGGPO

Bình luận (0)