Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức thực hành môn tin học |
Việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh (HS) sau THCS sẽ tiết kiệm chi phí giáo dục THPT, đồng thời tăng số lượng HS học nghề để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao; qua đó giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia và gia đình.
ThS. Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng, đã đưa ra ba giải pháp cho công tác phân luồng, hướng nghiệp đạt hiệu quả hơn.
Tăng cường giới thiệu về ngành nghề cho HS
Theo đó,trường phổ thông cần điều chỉnh các hoạt động giáo dục hướng nghiệp theo tinh thần giới thiệu về các ngành nghề có trong xã hội thay vì chỉ giới thiệu về các chương trình đào tạo của các cơ sở GD-ĐT sau trung học. Đồng thời, cần mở rộng giới thiệu ngành nghề ở bậc THCS; việc giới thiệu có thể được thực hiện trong giờ chính khóa (thay cho môn học nghề phổ thông hiện tại) hay ngoại khóa (qua các buổi giới thiệu về các cơ sở kinh tế trên địa bàn).
Giúp HS nhận thức đúng năng lực, nguyện vọng của chính mình
Cụ thể là cần tăng cường công tác tư vấn cho HS và phụ huynh về năng lực của các em, tốt nhất là ngay từ bậc THCS thông qua các cán bộ tư vấn và tài liệu tư vấn. Giúp HS hiểu được các cơ hội, thực tế và đòi hỏi đối với các em sau khi tốt nghiệp THCS. Ngoài ra, nên mở rộng các dịch vụ trắc nghiệm năng lực, các bài trắc nghiệm về khả năng tư duy và kĩ năng thực hành đối với HS…
Phân luồng ngay cả khi HS trúng tuyển vào ĐH
Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kỳ thi ĐH 3 chung và xác định điểm sàn. Thực tế có nhiều HS đạt trên điểm sàn nhưng cũng không trúng tuyển vì các em đăng ký vào những trường có điểm trúng tuyển quá cao. Ngoài ra, khi Bộ GD-ĐT cho phép học liên thông từ bậc học thấp lên bậc học cao đã thu hút nhiều HS học TCCN, CĐ với mong muốn sau đó tiếp tục học liên thông lên ĐH. Sau một vài năm, bộ điều chỉnh quy định tuyển sinh liên thông làm nản lòng HS, một số em không học nghề nữa và quyết tâm ôn tập để thi ĐH vào năm sau gây ra lãng phí trong đào tạo.
Từ thực tế này, chúng ta cần khuyến khích HS học nghề ngắn hạn trước khi học ĐH. Tất cả thí sinh đã dự kỳ thi ĐH 3 chung có điểm từ mức điểm sàn xét tuyển CĐ, ĐH trở lên đều được bảo lưu thời gian từ 3 năm (sàn CĐ) đến 4 năm (sàn ĐH) theo ba trường hợp sau: Thứ nhất, thí sinh đủ điểm trúng tuyển vào ĐH, CĐ có thể được bảo lưu từ 3 đến 4 năm nếu đi học TCCN, CĐ. Trong vòng 1 năm sau khi có bằng tốt nghiệp TCCN, CĐ, sau khi tìm được việc làm, thí sinh có thể sử dụng kết quả bảo lưu để học liên thông ngay (đối tượng này miễn thi đầu vào vì đã trúng tuyển vào trường từ trước). Quy định này mang lại nhiều lợi ích như chỉ cần học nghề 2 năm là có thể tham gia vào thị trường lao động, giảm áp lực về tài chính cho gia đình; sau khi tốt nghiệp thì các em vừa đi làm vừa đi học tiếp lên CĐ và ĐH, thị trường lao động được tiếp ứng thêm nhiều lao động do thời gian đào tạo nghề ngắn…; thí sinh có điểm thi ĐH trên điểm sàn quy định nhưng không đủ điểm trúng tuyển ngay sẽ được bảo lưu điểm thi để học TCCN, CĐ trước. Sau khi học xong, những đối tượng này được thi liên thông lên ĐH ngay (nếu có nhu cầu) mà không cần phải chờ đủ 3 năm như những đối tượng khác. Các môn thi tuyển sinh liên thông là những môn cơ sở, chuyên ngành theo ngành học. Quy định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và thí sinh như thí sinh đã đạt điểm sàn thì cũng đủ khả năng để học ĐH, nhất là sau khi đã học xong nghề, họ không phải tiếp tục ôn thi ĐH, tăng lượng HS học nghề, sớm cung cấp cho thị trường lao động…; thí sinh có điểm thi ĐH, CĐ dưới điểm sàn quy định sẽ không được bảo lưu điểm thi. Sau khi học xong TCCN, CĐ, những đối tượng này phải chờ đủ 3 năm mới được thi liên thông lên ĐH. Các môn thi tuyển sinh liên thông là những môn cơ sở, chuyên ngành theo ngành học. Nếu muốn thi ngay thì phải thi văn hóa cùng kỳ thi ĐH 3 chung.
Dương Bình (ghi)
Bình luận (0)