Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những giáo án sáng tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là những giáo án điện tử của một số giáo viên mà chúng tôi đã “gom nhặt” được qua các hội thảo chuyên đề “Dạy học tích cực trong trường THCS” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức trong thời gian qua. Tuy chưa có “phần hồn” của một bài giảng trình chiếu trên màn hình lớp học nhưng các sản phẩm này đã thể hiện được tính năng ưu việt của giáo án điện tử: công phu, phong phú hình ảnh và có yếu tố sáng tạo.
Những đứa con tinh thần  
Mở giáo án điện tử của cô Nguyễn Thị Kim Phượng – giáo viên Trường TH Kỳ Đồng, Q.3 ra, chúng tôi được “làm quen” với bài dạy Một số dân tộc ở Tây nguyên trong chương trình địa lý lớp 4. Ở phần kiểm tra bài cũ, sau 2 câu hỏi phát vấn (phần trình bày các cao nguyên) và câu hỏi gợi mở (phần nhận xét), giáo viên còn chuẩn bị sẵn một đáp án bằng Bản đồ Tây nguyên giúp học sinh “định vị” ra 5 cao nguyên chính của vùng đất này. Bản đồ này đã có trong SGK nhưng rất bé nhỏ nên không có “lực hút” đối với học sinh bằng bản đồ mà giáo viên đưa lên “trình chiếu công khai” trong cả lớp. Để minh họa cho mục Tây nguyên là nơi có nhiều dân tộc chung sống, giáo viên đã tìm cách sưu tầm hình ảnh đồng bào các dân tộc: Gia-rai, Xơ-đăng, Ba-na, Ê-đê, Mông… giúp học sinh nhận biết qua trang phục, đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán… So với tấm ảnh nhà rông Tây nguyên mà cô đưa vào chung một mục thì các hình ảnh này công phu và sinh động hơn nhiều. Các slide này không miêu tả dàn trải mà được chia theo từng nhóm, giúp học sinh nhận diện một cách tổng quát nhưng không bị rối. Nhờ những bức ảnh sưu tầm giới thiệu về các loại nhạc cụ dân tộc như cồng, chiêng, đàn tơ-rưng… mà học sinh có thể nhận biết các loại đàn hoặc tên gọi của chúng mà trước đây có thể các em bị nhầm lẫn.
Giáo án bài Châu Á của thầy Trần La San và bài Lâm nghiệp và thủy sản của cô AnhThư -Trường TH Kỳ Đồngcũng là “đứa con tinh thần” mà các thầy cô đã phải tốn nhiều công sức và thời gian để cho ra đời. Mở đầu tiết học Châu Á, bằng nhiều hình ảnh “trên non dưới nước”, giáo viên dẫn học sinh cùng “du lịch” một vài vùng đất trên thế giới. Nếu mới xem lướt các slide này chúng ta vẫn chưa hiểu ý đồ của tác giả khi giới thiệu thắng cảnh bãi biển, đồng bằng, trung du, núi cao… nhưng khi kết thúc đoạn phim bằng dòng chữ “Cảnh đẹp châu Á” thì người xem mới thấy lộ ra ý đồ tác giả khi sử dụng hệ thống hình ảnh trực quan. Lược đồ các châu lục mà giáo viên đưa vào trong giáo án giúp các em vừa ôn lại kiến thức cũ vừa có “tầm nhìn” bản đồ thế giới bao quát hơn. Đây cũng là một cách giáo viên “dọn đường” để đưa các em đến gần hơn với bài mới.
Giúp bài giảng thêm sinh động
Công phu nhất là đoạn phim về lễ hội cồng chiêng. Đây chính là “phần hồn” sinh động nhất mà chắc chắn học sinh sẽ thích thú. Khi trình chiếu trên bục giảng chắc chắn thiết bị hiện đại của công nghệ thông tin sẽ phát huy được hiệu ứng tích cực của nó. Học sinh không chỉ được “mục sở thị” từ màn hình trình chiếu, mà qua đó các em còn hiểu thêm lòng say mê nghệ thuật và sự sáng tạo của người lao động qua các loại nhạc cụ đơn giản nhưng vô cùng độc đáo.
Thay vì trình bày các số liệu từ trên xuống như phương pháp dạy truyền thống, giáo viên lại bỏ công sức ra lập Bảng số liệu về diện tích và dân số các châu lục để giới thiệu cho học sinh. Sang phần đặc điểm tự nhiên, trong giáo án lại xuất hiện những hình ảnh “cùng du lịch” nhưng đã được “địa phương hóa” như vịnh biển Nhật Bản, bán hoang mạc Ca-dắc-tăng, đồng bằng Indonesia, rừng Tai-ga Liên bang Nga, dãy núi Hy-ma-lay-a… Cách điệp hình ảnh này rõ ràng vừa mang tính quy nạp vừa có hệ thống khái quát. 
Do hiệu ứng tích cực của các thiết bị hiện đại nên ở phần củng cố bài học, giáo viên đều đưa vào các trò chơi như: Ô chữ kỳ diệu, Thế giới quanh ta, Thiên nhiên kỳ thú, Chinh phục thử thách… Tuy mang bóng dáng của các game show truyền hình như Kim tự tháp, Đường lên đỉnh Ô-lym-pia, Chiếc nón kỳ diệu nhưng đây là một cách vừa học vừa chơi rất phù hợp với lứa tuổi cấp tiểu học. Không chỉ đến với học sinh bằng thị giác, các giáo án điện tử này còn được đưa vào một số bản hòa tấu làm nền như Chiếc thuyền nan, Trái đất này của chúng mình… Nhờ cách lồng ghép này vào các slide cần thiết mà nhiều hình ảnh tĩnh đã được âm nhạc thổi hồn.
Qua từng “trang” giáo án này, chúng ta thấy rất rõ công sức và sự sáng tạo của giáo viên; đồng thời cũng không thể phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin đối với việc đổi mới phương pháp giảng dạy nói chung và cấp THCS nói riêng.
Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)