Cô Lê Thị Hòa dạy học cho các trẻ bất hạnh
|
Ở Hà Nội, người ta đã quen với những lớp học tình thương, những lớp học cho trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề, lớp học cho trẻ nghèo ven sông, ven bãi. Nhưng có lẽ, mới có ít người biết đến lớp học tình thương ở chùa Hương Lan, Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội. Đó là lớp học của những đứa trẻ đặc biệt, những đứa trẻ sinh ra đã gánh phần thiệt thòi cho cả gia đình.
Lớp học nơi cửa Phật
Nằm cách trung tâm TP.Hà Nội không xa, nhưng ở xã Đông Sơn này, cái nghèo vẫn bủa vây tứ phía. Người dân vì lo vật lộn với cuộc sống mưu sinh nên những đứa trẻ sinh ra chẳng may “lỗi số” thường ít được quan tâm đến nơi đến chốn. Phần đông những đứa trẻ bị tật nguyền nơi đây thường không có cơ hội đến trường. Thương các em, cô Lê Thị Hòa, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Đông Sơn đã sáng lập ra lớp học tình thương này. Từ suy nghĩ ấy, đi đến đâu có trẻ khuyết tật, học sinh ngồi nhầm lớp cô ghi lại địa chỉ. Khi được 7 cháu, cô về xin phép gia đình chồng cho mở lớp tại nhà. Lớp học đặc biệt của cô là trẻ khuyết tật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau một thời gian, lớp đông dần. Ngôi nhà nhỏ của cô không đủ chỗ cho các cháu ngồi. Vì vậy, cô phải mượn phòng khách của chùa Hương Lan (Đông Hựu, Đông Sơn, Hà Nội), làm phòng dạy học cho các cháu. Ngày 20-7-2007, lớp học tình thương chính thức được khai giảng tại chùa Hương Lan. Lúc đó lớp có 44 cháu, gồm: 7 cháu khuyết tật, 32 cháu ngồi nhầm chỗ và 5 cháu đã bỏ học vì không theo được chương trình ở trường. Đến nay, lớp học của cô Hòa đã có 56 học sinh đến từ 8 xã trong huyện Chương Mỹ. Nhớ lại 5 năm trước, cô Hòa kể: “Ngày đó, tôi vận động được 3 cô tổng phụ trách từ các trường THCS và 7 cô giáo ở Trường Tiểu học Đông Sơn, cùng về dạy. Sau một năm, số học sinh ngồi nhầm lớp trở về hòa nhập với nhà trường cũ, cũng là lúc 7 giáo viên của trường nghỉ dạy.
Lại một lần nữa, cô Hòa lại đi vận động giáo viên. Lần này, cô vận động được 6 giáo viên của Trường Tiểu học Đông Sơn (trong đó có 3 giáo viên đã nghỉ hưu).
Cô Đỗ Thị Nhàn, giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn (Chương Mỹ – Hà Nội) hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng đã gắn bó với lớp học tình thương từ khi lớp được thành lập đến nay, chia sẻ: Các cháu ở đây có hoàn cảnh rất đáng thương. Đứa lành lặn tay chân thì đầu óc có vấn đề. Còn đứa không có vấn đề về đầu óc thì tay chân lại khuyết tật. Gia đình các cháu cũng nghèo, nghèo hơn cả mình nên chẳng quan tâm được cho các cháu. Thậm chí, có gia đình còn coi các cháu là “đồ bỏ đi”. Thương lắm! Mình muốn các cháu được hòa nhập với thế giới bên ngoài”. Cũng như cô Nhàn, cô Hòa, một số sinh viên Trường CĐ Thương mại, khi nghe tin đã tình nguyện về dạy cho các em.
Văn Đình Tưởng, sinh viên Trường CĐ Thương mại Hà Nội, tâm sự: “Khi em biết ở chùa Hương Lan có những lớp học dành cho trẻ khuyết tật đang thiếu giáo viên, em đến ngay. Từ đó, sáng thứ bảy, chủ nhật nào em cũng đạp xe đạp 14 cây số (từ Ba La xuống Chương Mỹ) để đến dạy cho các em. Ngoài em ra, còn có một số bạn ở Trường CĐ Cộng đồng. Nhìn các em, thương lắm! Mọi vất vả, khó khăn em quên hết, vì em thương các em và đam mê với “nghề” tình nguyện”.
Và những nỗi lo
Hiện nay, sĩ số lớp học tình thương đã lên 56 cháu. Mỗi học sinh ở đây đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Những học sinh khuyết tật tay chân không nhiều, nhưng bị đao, não và tự kỉ nặng lại rất phổ biến. Có cháu đến lớp dạy bài hát thì thuộc, xem tranh thì biết, nhưng không học được chữ. Có cháu khi phân tích xong đọc được, nhưng hỏi lại thì quên.
Vì vậy, giáo viên cần phải có sự kiên trì và tình yêu thương. Gần 6 năm giảng dạy, cũng là gần 6 năm các cô đôi lúc phải “đánh vật” để mang lại tri thức cho học trò. Em Cấn Thị Khuê, là một trong những trường hợp đặc biệt, chân tay co rút rất khó cử động, qua 4 năm, năm nay đã được lên lớp bốn, viết chữ đẹp và rất thuần thục.
Hay như cô học trò Nguyễn Thị Phượng (12 tuổi). Theo lời kể của cô Hòa, khi cô đưa Phượng từ chợ về em suy nhược nặng, da xanh bủng, môi thâm, người gầy đét và bốc mùi chua. Cô biết hoàn cảnh của Phượng sơ sài qua lời kể của người bà ngoại. Phượng quê ở Hòa Bình, bố mất sớm, mẹ mắc chứng bệnh trầm cảm, không nuôi nổi em. Bà ngoại mang em đi cho khắp các nhà mà không ai lấy. Hai bà cháu rắt ríu nhau xuống tận Chương Mỹ, gặp ai bà cũng chào cho đứa cháu. Cho đến khi gặp cô Hòa, Phượng mới có chỗ dừng chân. Cô đưa em về nhà cho tắm rửa, mặc quần áo mới và cho ăn.
“Nhìn cháu vừa ăn vừa khóc mà tôi cũng đau lòng không cầm nổi nước mắt. Cháu không biết thịt, cá thế nào vì chưa bao giờ được ăn cả”, cô Hòa nghẹn ngào nhớ lại. Phượng được các sư chùa Hương Lan nhận nuôi và cho đi học. Sau một thời gian ở chùa, với sự chăm sóc của các sư thầy, sự dạy bảo tận tình của các cô giáo ở lớp học, Phượng hồng hào hơn hẳn, nhanh nhẹn và chăm ngoan.
Không chỉ dạy chữ, cô Hòa và các cô giáo ở lớp tình thương còn lo công việc cho các em. Hai em Nguyễn Thị Xuyên và Nguyễn Thị Miền, sau khi học biết đọc, biết viết đã được cô giáo Hòa và sư thầy Thích Đàm Tiền xin cho làm may ở Phú Xuyên với mức lương 1,4 triệu đồng/tháng.
Nhìn các con mỗi ngày một khôn lớn, cô Hòa vừa mừng lại vừa lo. Cô lo cho các em không biết tương lai của chúng sẽ ra sao bởi cô chỉ dạy cho chúng được cái chữ, trình độ giảng dạy chỉ có hạn, sau khi các em học hết lớp năm, ai sẽ dạy dỗ tiếp các em. Không những thế, hiện nay, lớp chỉ có một phòng học với diện tích khoảng 30m2, với 10 bộ bàn ghế. Hơn nữa, ngày học của các em là thứ bảy và chủ nhật. Nếu hai ngày này rơi vào ngày rằm, mùng một, các cháu không học được, vì quá ồn ào.
Những nỗi lo của các cô ở lớp học này cứ ngày càng tăng lên. Bởi mọi điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng việc dạy và học ở đây ngày càng bị thu hẹp lại do sĩ số tăng. Nhưng có lẽ, ít ai biết rằng, đã 5 cái Tết qua và chuẩn bị bước sang cái Tết thứ 6, các giáo viên ở lớp học này chưa một lần được tặng quà Tết. Phần thưởng của các cô luôn là những bông hoa điểm tốt của học trò.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Đã 6 năm trôi qua, lớp học của những cô giáo nơi đây chưa một lần có hoa, chưa một lần được tặng quà Tết. Niềm vui của các cô chỉ đơn giản là học trò của mình biết đọc, biết viết. |
Bình luận (0)