Tại TP.HCM, những giờ học đổi mới đang càng ngày càng tiệm cận hơn với thực tế. Học sinh không chỉ được trang bị kiến thức mà còn biết ứng dụng vào thực tế cuộc sống, học để hiểu, để thực hành…
Tiết học pha chế của học sinh Trường THCS Nguyễn Du
Đến trường… học nấu ăn, pha chế
Năm học này, học sinh khối 6, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) lần đầu tiên được tham gia vào tiết học pha chế trong môn mỹ thuật. Bước ra ngoài những mảng màu thuần túy từ sách giáo khoa, môn học trở nên sinh động hơn khi các em được tự tay pha cho mình những thức uống như Machiato, Latte, Orio đá xay, trà sữa…, chuyên nghiệp như một nhà pha chế thực thụ.
Tự mình pha chế một ly trà sữa thơm ngon, Tú Anh (học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Du) vô cùng hào hứng. Bạn nhờ giáo viên chụp hình và gửi cho ba mẹ đang làm việc ở cơ quan với lời nhắn: “Cuối tuần này con sẽ vào bếp đãi ba mẹ món trà sữa ngon mê ly. Đây là ly con tự pha ở trường, ngon lắm ba mẹ”. “Không chỉ được học cách thức chế biến các thức uống quen thuộc, qua những giờ học pha chế chúng em còn học thêm nhiều kiến thức về đồ uống, dinh dưỡng để lựa chọn đồ uống đảm bảo sức khỏe. Giờ học thú vị hơn rất nhiều so với việc chỉ ngồi trong lớp và học về mỹ thuật”, Tú Anh thích thú.
Khẳng định yêu cầu đổi mới hiện nay không “chừa” một môn học nào, thầy Nguyễn Thông – giáo viên mỹ thuật, Trường THCS Nguyễn Du cho hay, càng các môn học mang tính sáng tạo lại càng đóng vai trò giúp học sinh được trải nghiệm, phát huy các phẩm chất, năng lực, hỗ trợ các môn học khác… “Ở môn mỹ thuật không chỉ đơn thuần là vẽ. Việc trải nghiệm môn học gắn liền với nhiều hoạt động trong đời sống như trang trí các vật dụng, học cắm hoa, pha chế… Chính những trải nghiệm mới mẻ này sẽ góp phần hình thành kỹ năng, giáo dục các giá trị sống cho học sinh, nhất là biến các giờ học nhàm chán trở nên thú vị để các em thích thú mỗi ngày đến trường”, thầy Nguyễn Thông bày tỏ.
Tương tự, học sinh khối 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) phấn khởi khi năm học này có những tiết học trải nghiệm nấu ăn, chế biến ngay trong trường. Trong tiết học, học sinh được tự tay làm những món ăn yêu thích như bánh chuối chiên, cuốn bò bía, milo dầm…
“Mỗi tuần một tiết nấu ăn, chúng em đều rất háo hức chờ đợi. Không còn là những tiết học thông thường mà chúng em được trải nghiệm, được học thêm một món ăn mới, có thêm các kỹ năng mới, cùng làm cùng thưởng thức… Thực sự là rất vui”, Thanh Hương, học sinh lớp 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân bày tỏ.
Cô Ngô Thị Hồng Ngọc – giáo viên công nghệ, Trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay, trong đổi mới giáo dục, mỗi môn học đều hướng đến tính trải nghiệm tiệm cận với thực tế. Qua mỗi tiết học thay vì đặt ra câu hỏi rằng học sinh học được những kiến thức nào thì người giáo viên phải đặt ra câu hỏi rằng: các em vận dụng được vào thực tế như thế nào…
“Các tiết dạy về nấu ăn cũng vậy, qua mỗi bài học luôn nhằm trang bị cho các em những kiến thức về thực tế, vận dụng vào cuộc sống. Để kết thúc một tiết trải nghiệm các em có thể tự mình nấu được một món ăn cho gia đình, bạn bè mình cùng thưởng thức. Đây là những kiến thức kỹ năng sống vô cùng hữu ích, đặc biệt đối với học sinh khối 12”, cô Ngọc chia sẻ.
Học đang ngày càng tiệm cận thực tế
Thay vì ngồi trong lớp học, giờ học toán của học sinh lớp 2, Trường TH Phan Văn Trị (Q.1) được diễn ra ngoài sân trường, ở dưới những tán cây. Học sinh được chia thành từng nhóm, cùng tìm những cây xanh để thực hiện đo đạc, tính toán, trải nghiệm…
Giờ học hôm nay, các em học sinh sẽ thực hiện tìm những cây xanh có trong trường mình và so sánh chiều cao của cây với chiều cao của bản thân, với chiều cao của cột cờ và so sánh chiều cao của các cây với nhau.
“Cây cau, cây phượng, cây trầu bà, lưỡi hổ, bàng, nguyệt quế là những cây có trong trường em. Cây phượng, cây cau thì cao hơn em nhưng lại thấp hơn cột cờ; cây trầu bà thì thấp hơn em và cũng thấp hơn cột cờ…” – sau một hồi tính toán, đo đạc cùng các bạn, Bảo Khôi (học sinh lớp 2, Trường TH Phan Văn Trị) cho hay. Sau đó, bạn nắn nót ghi vào trong vở.
Giờ học nấu ăn của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân
Cô Nguyễn Thị Hồng Yến – Hiệu trưởng Trường TH Phan Văn Trị đánh giá, việc học hiện nay của học sinh đang càng ngày càng tiệm cận hơn với thực tế cuộc sống. Các giờ học không còn bị bó gọn trong khuôn viên lớp học mà đã mở rộng ra ngoài sân trường, bên ngoài lớp học, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho học sinh, giúp các em thích thú hơn khi học tập và trang bị được thêm nhiều kỹ năng…
“Tận dụng chính các thiết chế văn hóa của nhà trường mà giáo viên ứng dụng vào trong tiết học. Có thể đơn giản chỉ là những cây xanh trong trường, một khoảng sân rộng… đều có thể biến những tiết học truyền thống trở nên sinh động. Ngoài việc trang bị kiến thức cho học sinh, các tiết học thực tế còn là cơ hội để học sinh phát huy được phẩm chất, năng lực như mục tiêu Chương trình GDPT 2018 đặt ra. Điều quan trọng là mỗi giờ học trở thành niềm vui, hứng khởi cho học sinh”, cô Hồng Yến bày tỏ.
Là tác giả và cũng là chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 2, 3, bộ Chân trời sáng tạo, TS. Trịnh Cam Ly nhấn mạnh, việc đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ giúp giáo viên nhàn hơn chứ không phải là tạo thêm việc cho giáo viên. Dựa vào đặc thù học sinh, đặc thù nhà trường mà tiết học được đổi mới sao cho phù hợp, tận dụng từ chính những thiết chế có sẵn trong trường để tiết học trở nên thú vị, sinh động, kéo học sinh tham gia…
“Đổi mới giáo dục không hẳn phải là thay đổi hoàn toàn song cũng không phải là sự rập khuôn, sao chép. Nếu nhìn nhận sai hoặc khiên cưỡng, thầy cô sẽ tự đeo thêm gông vào cổ mình, vô tình tạo thêm áp lực cho bản thân và học sinh khi đổi mới. Một giờ học đạt hiệu quả là giờ học học sinh học như chơi, chơi như học khi khám phá kiến thức…”, TS. Trịnh Cam Ly chỉ rõ.
Đỗ Khương Yến
Bình luận (0)