Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những giờ học sinh động trên sân chơi

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh) tham gia các trò chơi dân gian

Từ năm học 2008-2009 đến nay, các trường trên địa bàn TP.HCM đã đưa trò chơi dân gian và các làn điệu dân ca vào giờ chơi, giờ sinh hoạt trong trường học. Đây là một hoạt động nhằm đẩy mạnh phong trào “Trường học thân thiện – học sinh tích cực” và đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Rèn luyện đa kỹ năng
Tiếng trống trường vừa điểm giờ ra chơi, Bích Ngọc (học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, quận 11) đã kéo bạn đến hành lang khu vui chơi của trường chơi trò chơi ô ăn quan. Bích Ngọc hớn hở kể: “Từ khi có những trò chơi dân gian vào trường học, giờ ra chơi mấy bạn gái không còn ngồi im lìm nữa, các bạn trai thì không còn cảnh rượt đuổi, chen lấn nhau. Em thấy hầu hết bạn nào cũng hăm hở chơi các trò chơi dân gian”.
Sân trường ở các trường tiểu học và trung học không còn cảnh học sinh chen lấn, rượt đuổi nhau trong các giờ ra chơi mà thay vào đó là sự rộn rã của những nhóm học sinh túm tụm lại chơi trò chơi ăn ô quan, cờ vua, cờ tướng, cờ cá ngựa, nhảy lò cò… Những trò chơi dân gian không đơn thuần như các trò chơi khác mà nó còn giúp học sinh rèn luyện rất nhiều kỹ năng.
Thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh) cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang áp dụng các trò chơi dân gian, phục hồi những trò chơi tập thể cho các em như: chơi kéo co, nhảy bao bố, đi hành quân… Những trò chơi này có tính tập thể, cộng đồng cao, giúp các em học cách chia sẻ trong cuộc sống. Song hành với việc học cách chia sẻ thì các trò chơi dân gian còn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tự tin, linh hoạt, nhanh nhẹn… những kỹ năng mà tôi cho là không thể thiếu đối với cuộc sống với nhiều biến đổi như ngày hôm nay. Đồng thời, muốn giáo dục các em, không có con đường nào nhanh bằng con đường để các em tự diễn và tự nhận thức”.
Cùng với rèn luyện những kỹ năng cho cuộc sống, các trò chơi dân gian theo như ý kiến của nhiều học sinh thì còn có thể trang bị cho các em nhiều kỹ năng trong học tập. Em Ngọc Dung (học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh) kể: “Những trò chơi như cờ cá ngựa, cờ tướng, ô ăn quan… chúng em phải suy nghĩ, tính toán nhiều khi chơi. Nó giống như một cuộc đấu trí giữa bạn này với bạn khác. Vì vậy, em nghĩ chơi những trò chơi này sẽ rèn luyện thêm kỹ năng tính toán cho mình”. Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng nhà trường cũng rất tâm đắc với tâm sự này của các em. Cô cũng cho rằng tính toán nhanh là kỹ năng cần thiết đối với nhiều môn học, trò chơi dân gian chắc chắn sẽ giúp các em rèn luyện tính nhanh nhẹn, tháo vát.
Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Để giúp trường học phát triển theo xu hướng tiên tiến và hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc thì cần vận dụng tích hợp những trò chơi dân gian vào các giờ sinh hoạt hay trong lúc giảng dạy. Nhiều giáo viên cho rằng, nếu chúng ta làm tốt điều này sẽ giúp học sinh có hướng đi đúng đắn, có được một cách nhìn toàn diện về tính dân tộc và hiện đại. Vì vậy trò chơi dân gian không chỉ là một sân chơi lý thú mà nó còn là nơi phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.
Cô Nguyễn Thanh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp) khẳng định: “Để phát huy truyền thống dân tộc, không có cách nào hay hơn là áp dụng trò chơi dân gian vào trường học. Ngoài việc đưa các trò chơi dân gian vào trường học, chúng tôi thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống. Chẳng hạn như năm nào trường cũng tổ chức lễ hội Quang Trung vào dịp cuối năm, tại lễ hội này học sinh được tham gia các trò chơi dân gian lớn mang tính tập thể cao và thi hát dân ca, kể chuyện, hò vè… qua đó các em được ôn luyện, trau dồi thêm kiến thức về lịch sử dân tộc. Vì vậy việc chơi mà học cũng được phát huy…”.
Tại một số trường quốc tế cũng đang áp dụng vào sân chơi cho các em học sinh nước ngoài. Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên bộ môn tiếng Việt ở một trường tiểu học quốc tế cho biết: “Trong khi giảng dạy tiếng Việt cho các em học sinh, tôi thường áp dụng những trò chơi dân gian như ô ăn quan, cờ cá ngựa… giúp các em rèn luyện tính nhanh nhẹn, thông minh. Đồng thời, thường xuyên đưa ra những câu ca dao, hò vè gần gũi trong phần luyện từ và câu để học sinh dễ hiểu hơn. Lớp tôi giảng dạy vừa có học sinh người Việt, vừa có học sinh người nước ngoài. Đặc biệt, tôi thấy rằng những em học sinh nước ngoài cũng rất hứng thú với việc tìm hiểu các trò chơi dân gian, những câu hò vè. Tôi dự tính sẽ làm một lễ hội tổ chức các trò chơi dân gian Việt Nam cho các em. Tôi nghĩ đây cũng là một cách làm tốt để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong một nền giáo dục tiên tiến, hội nhập”.
DƯƠNG BÌNH

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)