Thời gian qua, có một nhóm bạn trẻ đã hợp nhau lại thành lập Câu lạc bộ (CLB) Hành trình đỏ TP.HCM, chuyên làm những việc “không công”, viết nên hành trình cho đi, nhận về của những giọt máu đỏ…
Các bạn trẻ tham gia hiến máu tình nguyện trong chiến dịch của CLB Hành trình đỏ tổ chức |
Bằng những chiến dịch hiến máu, những buổi tọa đàm, gala… CLB không chỉ vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc hiến máu tình nguyện mà còn là cầu nối kịp thời cho những bệnh nhân tan máu bẩm sinh có máu, duy trì sự sống, vượt qua cơn thập tử nhất sinh.
Giọt máu đỏ nghĩa tình
Năm 2013, sau khi tham gia chiến dịch vận động hiến máu xuyên Việt do Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu nhân đạo tổ chức, nhận thấy nhu cầu tiếp nhận máu của người bệnh, nhất là bệnh nhi nhỏ tuổi, đặc biệt những nhóm máu hiếm là rất lớn, Huỳnh Văn Hiếu (sinh năm 1994, hiện công tác tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) đã thành lập CLB Hành trình đỏ TP.HCM với mong muốn có thể trực tiếp kêu gọi, truyền thông người dân hiến máu, làm “đủ đầy” hơn ngân hàng máu. Nhưng khi đó, Hiếu nói, CLB mới chỉ hoạt động theo tính tự phát, không có những kế hoạch dài hơi và bài bản.
“Phải đến năm 2015, sau khi xin giấy phép thành lập CLB của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM thì CLB mới thật sự đi vào hoạt động có hiệu quả. CLB bắt đầu liên kết với các trường ĐH, các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức đơn vị sự nghiệp để tổ chức những buổi tọa đàm, gala, các chiến dịch hiến máu tình nguyện, kêu gọi SV, công nhân, công chức, viên chức, người dân tham gia hiến máu”, chàng Chủ nhiệm CLB chia sẻ.
Đó là PRU tình nguyện, là Giọt hồng từ thành phố mang tên Bác, là Nắng Sài Gòn, là Tôi nhóm máu O… là những chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện gây được tiếng vang, tạo được niềm tin và gọi được hàng ngàn giọt máu nóng. “Mỗi một chiến dịch, các thành viên CLB đều luôn cố gắng tạo ra những điểm nhấn, sự mới lạ trong không gian hiến máu để người dân có thể cảm thấy hứng thú, bớt căng thẳng khi đi tham gia hiến máu. Như Nắng Sài Gòn được CLB bài trí theo phong cách Sài Gòn xưa, mang sự nhẹ nhàng, hoài cổ. Đi hiến máu mà vẫn có thể chụp được hình đẹp, check in trên facebook thì ai mà chả thích”, Hiếu hóm hỉnh.
Thành viên CLB Hành trình đỏ trong buổi tọa đàm về hiến máu tình nguyện với SV Trường ĐH HUTECH |
Đặc biệt, trong đó chiến dịch Tôi nhóm máu O đã kịp thời huy động được một lượng lớn đơn vị nhóm máu O cho ngân hàng máu. “Trong thời điểm mà truyền thông và ngành y đang nói về sự khan hiếm của nhóm máu O, không đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận máu trong xã hội, CLB đã ngay lập tức thực hiện chiến dịch này, thu được 139 túi máu (90% là nhóm máu O) mỗi túi có dung tích từ 250-450ml máu. Không chỉ người dân TP.HCM mà ngay cả người dân các tỉnh lân cận cũng lặn lội lên Sài Gòn để tham gia”, Hiếu hồ hởi chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động và huy động máu ở các trường ĐH, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, CLB còn tự đứng ra tổ chức những hoạt động đi sâu, len lỏi vào các khu dân cư. Đó là những ngày rong ruổi chở loa phát thanh đến từng góc phố, từng con đường, đến từng nhà dân để vận động. “Thật ra, ý thức hiến máu tình nguyện của người dân còn chưa cao. Rất nhiều người, chưa thật sự hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu. Người dân không hiểu rằng tại sao mình phải hiến máu tình nguyện và e sợ khi hiến máu sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe”, chàng Chủ nhiệm CLB trải lòng.
Đặc biệt, theo Hiếu, ở Việt Nam hiện đang có tới trên 10 triệu người đang mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, trong khi bệnh này cực kỳ nguy hiểm phải truyền máu suốt đời để duy trì sự sống. “Việc tuyên truyền cho người dân biết đến căn bệnh là đang cấp bách hơn bao giờ hết”.
“Mệnh lệnh” từ những cuộc điện thoại đặc biệt
“Con chị 2 tuổi, mổ tim bẩm sinh ở Viện Tim TP.HCM phải truyền máu O mà BV hiện đang không có. Em giúp chị, cứu lấy con chị”.
“Con chị bị bệnh tan máu bẩm sinh phải truyền nhóm máu O tại BV Nhi đồng 2. Nhưng BV hiện cũng đang có tới 6 bé nữa cũng mắc bệnh tan máu bẩm sinh chưa thể truyền máu vì thiếu máu. Bác sĩ nói phải đợi đến 1, 2 tuần…”.
Đó là hai trong số nhiều cuộc điện thoại “cầu cứu” đến CLB từ phụ huynh những bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh đang rất cần máu. Hiếu nói rằng, mỗi lần nhận được những cuộc điện thoại đặc biệt như thế, nó như một trách nhiệm lại như một mệnh lệnh không thể chối từ, thúc giục CLB hành động. “Những chiến dịch vận động hiến máu kịp thời. Thậm chí, CLB còn cử những tình nguyện viên hiến máu đến thẳng BV, trực tiếp hiến máu kịp thời cho bệnh nhân sau những cú điện thoại như thế”.
Sinh năm 1989 nhưng đã có tới 30 lần hiến máu tình nguyện, bạn Ngô Thùy Dung (đang công tác tại BV Phạm Ngọc Thạch) cho rằng, hiến máu không những không khiến bản thân hao hụt sức khỏe mà còn giúp cơ thể thêm khỏe mạnh. “Có thể với những người khỏe mạnh như mình thì không cần nhưng với những bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhi nhỏ tuổi và thuộc các nhóm máu hiếm hay mắc bệnh tan máu bẩm sinh phải truyền máu suốt đời thì một giọt máu thôi cũng đã giúp họ duy trì được sự sống”. |
Hành trình đỏ TP.HCM hiện có khoảng 30 tình nguyện viên, đang là SV, là giáo viên, là công nhân… hoạt động hoàn toàn “không công”, chỉ bằng duy nhất đam mê thiện nguyện cộng đồng. “Có rất nhiều cách để làm thiện nguyện và Hành trình đỏ cũng là một cách. Khi huy động được những giọt máu nóng, kịp thời cứu sống những bệnh nhân cần, nhìn thấy những giọt nước mắt hạnh phúc, những nụ cười mãn nguyện của người nhà bệnh nhân, của cả những người tham gia hiến máu đó là niềm động viên an ủi lớn nhất, tiếp sức thêm cho CLB”, chàng Chủ nhiệm xúc động.
Tuy nhiên, Hiếu cũng nói rằng, từ những chiến dịch, bên cạnh những sự “vỡ ra” hiểu hơn về hoạt động hiến máu tình nguyện vẫn còn nhiều người dân còn “mù mờ”. “Một lần khi vận động hiến máu ở Công viên 23-9, CLB đã bị một người dân mắng xối xả khi cho rằng hoạt động này thật vớ vẩn. Bên cạnh đó, nhiều người đặt ra câu hỏi là tại sao hiến máu tình nguyện mà khi tiếp nhận máu lại phải mất tiền? Khi đó, CLB chỉ giải thích rằng đó chỉ là chi phí để chi trả cho hoạt động tách chiết, bảo quản, vận chuyển máu đến giường bệnh”.
Bài, ảnh: Yến Quân
Bình luận (0)