Xuất phát từ mong muốn được chia sẻ, truyền tải văn hóa đọc đến với mọi người, đặc biệt là những học sinh, sinh viên vùng sâu, vùng xa, những thanh niên trẻ tuổi thuộc các nhóm: Sách chuyền tay; Sách và hành động; Tiếp bước tương lai; Tủ sách giải trí và giáo dục… đã tham gia vào hoạt động tình nguyện khuyến đọc thông qua nhiều hình thức khác nhau. Các bạn được ví như những “hiệp sĩ” thầm lặng vì cộng đồng.
Bạn Nguyễn Thùy Ngân (đại diện nhóm Tiếp bước tương lai) chia sẻ khó khăn mà nhóm gặp phải trong hoạt động tình nguyện khuyến đọc
Tại buổi tọa đàm “Hoạt động tình nguyện khuyến đọc: kinh nghiệm và giải pháp” do Hội Xuất bản Việt Nam – Đường sách TP.HCM và NXB Trẻ tổ chức mới đây, các nhóm đã có dịp gặp gỡ chia sẻ về việc làm của mình.
Tình nguyện khuyến đọc vì cộng đồng
Hiện trên địa bàn cả nước có hơn 40 nhóm, dự án cộng đồng âm thầm làm nhiệm vụ đưa sách đến gần với người đọc bằng nhiều hình thức như: trao tặng tủ sách cho trường học, địa phương, xây dựng những thư viện cộng đồng, tổ chức những buổi trò chuyện, bàn luận về sách, kích thích khả năng đọc sách, tạo dựng thói quen đọc sách cho sinh viên học sinh và người dân mọi lứa tuổi… Trong số đó có nhóm hoạt động 2 năm, có nhóm hoạt động đã 20 năm. Đã nhiều lúc tưởng chừng bị “đứt gánh” giữa đường nhưng vì niềm khát khao được cống hiến sức trẻ cho cộng đồng các thành viên đã tự động viên nhau để vượt qua. Là thành viên của nhóm Tiếp bước tương lai, bạn Nguyễn Thùy Ngân cho biết: “Hiện nay, nhóm đã đi hết 63 tỉnh thành để xây dựng tủ sách cho 66 trường trung học và thực hiện 70 buổi workshop về sách… con số gấp đôi dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, một khó khăn lớn hiện nay là làm sao lựa chọn được các trường học phù hợp với tiêu chí mà nhóm đặt ra, làm sao nhận được sự đồng ý của nhà trường, của Sở Giáo dục trong khi mỗi tỉnh thành đi qua chỉ có 30% học sinh có niềm đam mê đọc sách, câu hỏi cần được giải quyết đó là làm sao để có thể truyền ngọn lửa đam mê đọc sách đến với thầy cô và học sinh?”.
Mặc dù thành lập được 5 năm nhưng nhóm Sách và hành động cũng vướng phải nhiều thử thách. Bạn Nguyễn Ngọc Đoan chia sẻ: Sách và hành động phát triển khuyến đọc trên khắp cả nước, với 250 câu lạc bộ, bắt đầu từ Hà Nội và phát triển ra các tỉnh thành khác. Dự án vừa gặp khó khăn về cụm Cần Thơ vì thiếu nhân sự, và vừa rồi nhân sự tại khu vực TP.HCM đã phải cử người hỗ trợ và tuyển mới hoàn toàn nhân sự phụ trách khu vực Cần Thơ. Mục tiêu phát triển duy nhất của nhóm là có thể phát triển con người”.
Với Tủ sách giáo dục và giải trí, dự án thành lập năm 1999, có thâm niên 20 năm trong hoạt động tình nguyện khuyến đọc, các nhân sự kế thừa đang xây dựng một kế hoạch phát triển với các hoạt động: Xây dựng thư viện làng, hoạt động khuyến đọc, học bổng Hồ Đắc Duy (trao tặng học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm hỗ trợ các em vượt khó đến trường) nhưng câu chuyện về nhân sự đã khiến nhóm đau đầu vì một số không chịu nổi áp lực công việc nên từ bỏ, câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để tìm được nhân sự tận tâm?
Cần xây dựng tính chính danh
Tại tọa đàm, bà Quách Thu Nguyệt (Phó Giám đốc Đường sách TP.HCM) nhìn nhận: Các cá nhân, dự án, nhóm cộng đồng đều hoạt động trên tinh thần tình nguyện vì hoạt động khuyến đọc trong cả nước. Tất cả đã âm thầm đóng góp trên tinh thần “Đáp đền tiếp nối”, cho đi trước khi nhận. Các hoạt động này rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, các nhóm đã gặp không ít khó khăn vì những nghi ngại, chưa được tin cậy, gặp nhiều lực cản khi tiếp xúc với địa phương, nhà trường, gia đình…
Để các cá nhân, dự án, nhóm cộng đồng thuận lợi trong hoạt động tình nguyện khuyến đọc, cần xây dựng tính chính danh. Để làm được việc này phải có lực đỡ từ tổ chức Hội Xuất bản Việt Nam trong việc công nhận họ với tư cách là hội viên.
Ngoài ra để tạo điều kiện các nhóm cộng đồng khuyến đọc phát triển lâu dài, bền vững, hiệu quả cần có công tác đào tạo: đào tạo về kỹ năng quản trị, vận hành dự án, nhân sự tổ chức; hỗ trợ về công nghệ: kỹ năng, nền tảng platform; đào tạo nguồn nhân lực đỡ đầu các dự án khởi nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế để dự án cộng đồng có thể tự lực mà không cần xin nguồn tài trợ. Bên cạnh đó tạo sự kết nối giữa các nhóm cộng đồng, dự án nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, huy động, khai thác, cộng hưởng nguồn lực hỗ trợ nhau trong hoạt động. Một thành phần rất quan trọng trong hoạt động tình nguyện khuyến đọc đó là sự hỗ trợ của báo, đài vì đây là kênh thông tin giúp mọi người hiểu thêm và tin cậy các nhóm cộng đồng.
Nói về việc khuyến đọc hiệu quả, tiến sĩ – bác sĩ Vũ Phi Yên (tư vấn tâm lý Better Living) gợi ý: Muốn vận động ai đó đọc sách, chúng ta nên gợi ra vấn đề mà người ta thắc mắc rồi đưa sách cho họ đọc. Việc này giúp người đọc nhận thấy rằng đọc sách có hiệu quả, cảm giác “Tôi tìm thấy hiệu quả”. Và để lan tỏa văn hóa đọc, người truyền tải phải là người có đam mê đọc sách. Lúc đó, họ mới đủ lan tỏa cho người khác đam mê đọc sách.
Dưới góc độ là một người có kinh nghiệm trong hoạt động khuyến đọc, anh Nguyễn Thiện Tùng (đại diện dự án Không gian đọc) chia sẻ: “Giúp cho hoạt động khuyến đọc hiệu quả, đó là tìm kiếm những người có tầm ảnh hưởng ở địa phương và gửi tặng sách cho họ, phối hợp họ cùng làm, tạo nền tảng để tổ chức những hoạt động đọc sách liên tục, hiệu quả”.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)