Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những hình phạt học sinh kỳ quái

Tạp Chí Giáo Dục

Bắt học sinh tụt quần trong lớp, liếm ghế, nhúng đầu vào nước bẩn, ăn ớt… là cách phản cảm mà một số giáo viên dùng để phạt khi học trò của mình chưa ngoan.
Đi dạy mang theo cả… ớt hiểm
Với hình phạt bắt học sinh (HS) ăn ớt khi nói chuyện riêng trong giờ học, cô N.T.N (giáo viên (GV) Trường THCS T.V.T, Kiên Giang) khiến các em sợ hãi khi nhắc tên. Một HS lớp 7 của trường cho biết: “Em thấy ngày nào đi dạy cô N. cũng mang theo túi ớt hiểm trong cặp. Khi phát hiện HS nào nói chuyện riêng trong giờ học thì hình phạt cho các bạn ấy là ăn ớt hiểm. Vì sợ cay nên nhiều bạn cho ớt vào miệng nuốt chửng nhưng bị cô phát hiện, cô bắt nhai chứ không được nuốt. Có bạn ăn xong miệng sưng phồng, nước mắt, nước mũi chảy tèm lem”.
Có con đang học lớp 6 Trường THCS T.V.T, chị Nguyễn Thị Gái bức xúc: “Có lần đi học về, con khóc, miệng thì ngậm nước. Tôi kiểm tra thì thấy miệng cháu phồng rộp. Hỏi ra mới biết vì nói chuyện trong giờ học nên cháu bị cô giáo bắt ăn ớt. Tôi và một số phụ huynh có con bị phạt rất bức xúc đã gửi đơn lên nhà trường yêu cầu GV cam kết không tái diễn việc này”.
Cần cân nhắc hình thức xử phạt để không xúc phạm học sinh 	
 /// Ảnh: Lam Ngọc
Cần cân nhắc hình thức xử phạt để không xúc phạm học sinh Ảnh: Lam Ngọc

Chị Gái bày tỏ: “Tôi đồng ý là việc con tới trường chưa ngoan thì thầy cô có quyền dạy dỗ nhưng không nên sử dụng những hình phạt kỳ quái. Thiếu gì cách dạy học trò, tại sao lại bắt con tôi ăn ớt. Ngay như người lớn ăn phải chút cay còn không chịu được vậy tại sao lại bắt trẻ con làm thế?”.
Ông N.N.T (GV Trường tiểu học T.L2, Kiên Giang) còn bắt HS tụt quần treo lên cây khi mặc sai đồng phục. Một HS trường này rụt rè nói: “Em cũng từng bị thầy bắt tụt quần treo lên đọt cây trước lớp vì xắn quần đi học”. Sau khi bị ông T. phạt, HS này không chịu đi học và cũng không dám nói với ba mẹ việc này. Cho tới khi bạn cùng lớp tới nhà chọc, mẹ HS này mới biết và bắt con đi học lại.
V.V.H, HS một trường tiểu học ở H.Nghi Lộc, Nghệ An từng bị GV bắt lựa chọn một trong hai hình phạt là nhúng đầu vào hố xí hoặc nhúng đầu vào bể nước ở nhà vệ sinh vì tội không thuộc bài cũ. Ngoài H., còn có 9 HS khác bị phạt tương tự. Tuy nhiên, chỉ có 5 HS thực hiện hình phạt vì thấy nước trong nhà vệ sinh quá bẩn.
Một GV Anh văn ở H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh còn bắt 47 HS của mình liếm ghế khi thấy ghế GV và hai bàn đầu của lớp học bị vẽ bẩn.
Yếu về kỹ năng xử lý tình huống sư phạm
Trước thực tế này, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết: “Trong điều lệ trường học có nhắc rõ trách nhiệm của HS và GV. Khi HS vi phạm, GV cần căn cứ vào các điều lệ này để xử phạt cho phù hợp. Việc GV sử dụng các hình thức phạt như cho ăn ớt hay nhúng đầu vào nước bẩn là hoàn toàn không được sử dụng vì đây là những hình thức xử phạt phản sư phạm. GV sử dụng những hình thức phạt này đã vi phạm điều lệ về trường học và vi phạm đạo đức nhà giáo. Đồng thời, cũng thể hiện năng lực xử lý tình huống sư phạm còn yếu”.
Ông Tuyên nói thêm: “Trong một vài trường hợp cần hiểu rõ hoàn cảnh của HS rồi mới đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp. Nếu HS chưa thuộc bài, GV có thể cho cháu chép phạt. Những em vi phạm nhiều lần có thể mời phụ huynh vô tìm hiểu nguyên nhân. Tuyệt đối nghiêm cấm GV sử dụng các hành vi nhục mạ, xúc phạm nhân phẩm HS”.
Bà Phan Thị Huyền Trang, GV tại Q.8, TP.HCM, cũng chia sẻ: “Trường hợp GV phạt HS ăn ớt khi nói chuyện trong giờ học có thể làm gián đoạn hành vi của em đó tức thời nhưng còn nhiều cách giáo dục phù hợp hơn. Có thể cho HS đó ngồi lên bàn trên gần với bàn GV hoặc “cách ly” cho ngồi riêng một bàn như vậy có thể tình hình sẽ khả quan hơn”.
Nói về vấn đề trên, ông Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, Cần Thơ, chia sẻ: “Làm cho HS thật sự cảm thấy hạnh phúc khi tới trường rất khó, nhưng phải làm và không chỉ dừng lại ở việc treo khẩu hiệu”. Ông nói rõ: “Việc uốn nắn học trò cần có quá trình chứ không thể nóng vội mà để lại những vết xước trong ký ức của các em. Việc sử dụng những hình phạt quái lạ không những không giúp HS nhận ra lỗi của mình mà ngược lại có thể làm cho các em cảm thấy bị o ép, thậm chí là không muốn đến trường”.
Hành hạ thân thể và xúc phạm học sinh
Đây không phải là hình thức phạt, mà là hành hạ thân thể và xúc phạm nhân phẩm HS. Hành vi đó vừa đi ngược với luật Giáo dục vừa đi ngược chuẩn mực đạo đức trong cư xử giữa người với người. Nếu xem HS như con em thì không ai đi bắt các em liếm ghế.
Giáo dục HS bây giờ đúng là rất vất vả, rất khó khăn. Tuy nhiên càng khó khăn thì GV càng phải bản lĩnh và có cách ứng xử tâm lý. Nếu chỉ ứng xử theo sự tức giận bản năng như trên thì chẳng khác nào người lớn chúng ta đã chà đạp lên những mầm non đang lớn và cần uốn nắn.
Phạt là để giáo dục, trách là để HS nhận thức chứ không phải để HS sợ hãi. Ngoài ra, nếu áp dụng các biện pháp phản cảm trên đối với HS trung học, có thể sẽ gây sự phản ứng ngược dữ dội từ các em.
Những hình thức phạt này làm cho ký ức thời đi học của HS sẽ in hằn một vết mực đen không thể nào xóa rửa, dễ khiến các em nảy sinh ác cảm với thầy cô, với lớp học và với việc đến trường. Một số HS bị lạm dụng hình phạt thường xuyên có thể còn có xu hướng bạo lực với bạn bè và người khác.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Lam Ngọc (TNO)

 

Bình luận (0)