Bà Dương Thị Trúc Bạch, đại diện Hội Khuyến học thành phố trò chuyện cùng các em học sinh được nhận học bổng “Gương sáng học đường” |
Tuy phải vừa đi học vừa đi làm thêm để phụ giúp gia đình nhưng nhiều em học sinh được nhận học bổng “Gương sáng học đường” của Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến (TP.HCM) vẫn luôn nỗ lực hết mình, giữ niềm tin về một tương lai tươi sáng.
1. Nhìn dáng người gầy yếu của em Võ Hoàng Tuấn (học sinh lớp 10A4), nhiều người không khỏi lo ngại cho công việc em đang làm. Nhưng rồi mọi người chỉ nhận được một nụ cười cùng câu trả lời rất khiêm nhường của em: “Hoàn cảnh thôi ạ. Đã mưu sinh trong cuộc sống thì phải làm được”. Ba mất khi em còn là cậu học trò lớp 8, để lại cho mẹ 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Tất cả chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào khoản tiền lương công nhân ít ỏi, bấp bênh của mẹ. Vừa nuôi con, vừa phải trả khoản tiền nợ do chạy chữa thuốc thang cho chồng trước đây nên mẹ em phải làm quần quật suốt ngày. Nhưng cảnh nhà vẫn thiếu trước hụt sau, bữa rau bữa cháo là chuyện thường thấy trong căn nhà vốn đã vắng bóng người đàn ông trụ cột. 14 tuổi, Hoàng Tuấn bắt đầu tập tành bươn chải với công việc bưng bàn ghế, chén đĩa cho một gia đình chuyên làm dịch vụ nấu ăn ở gần nhà. “Mỗi lần phụ bưng bàn ghế như vậy, chủ cho em mấy chục ngàn đồng đủ để mua đồ ăn trong ngày hoặc tiền mua sách vở thêm cho mấy anh em. Mùa cưới hay các ngày lễ tết, người ta tổ chức tiệc đông thì số tiền nhận được cũng nhiều hơn nên vất vả thế nào em cũng chịu được”, Hoàng Tuấn tâm sự.
Vừa đi học vừa đi làm nhưng Hoàng Tuấn không quên trách nhiệm của đứa con lớn trong gia đình là phải làm gương cho hai em học tập. 9 năm liền, em luôn là học sinh giỏi, từng đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện môn sinh học năm học 2012-2013. Ở nhà, Hoàng Tuấn hay chỉ bảo bài vở cho hai em, luôn khuyên bảo hai em phải phấn đấu học hành để thay đổi hoàn cảnh, số phận sau này.
2. Chiếc xe hủ tiếu gõ nơi góc đường gần Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến những ngày nghỉ, ngày lễ lại rộn rã tiếng nói của cô học trò nhỏ Nguyễn Huỳnh Như (học sinh lớp 12A2). Cũng phải thôi bởi chiếc xe ấy là tài sản duy nhất nuôi 5 miệng ăn trong gia đình Huỳnh Như. Những hôm bán không hết, mấy anh em trong nhà sẽ phải ăn hủ tiếu thay cơm. Gặp ngày mưa, mấy mẹ con chỉ biết nhìn nhau thở dài vì khách vắng, ế ẩm, thu nhập bấp bênh. Nhưng cũng từ chiếc xe hủ tiếu đó mà cô bé Huỳnh Như đã nuôi ý chí học hành, quyết tâm thi đậu ĐH để thay đổi số phận đã dành cho mình.
Ba mẹ chia tay từ khi em mới học lớp 3. Từ đó, 5 mẹ con dắt díu nhau từ Rạch Giá (Kiên Giang) lên TP.HCM sinh sống. “Hồi mới lên thành phố, nhiều người cứ tưởng mẹ trông giữ trẻ khi thấy mấy anh em chơi đùa với nhau. Lúc đó, em hụt hẫng lắm, nhưng chính mẹ là người đã động viên em cố gắng, cho em điểm tựa để phấn đấu học tập. Để đỡ đần mẹ, em đã xin làm phụ bàn cho một tiệm bán cá viên chiên trước cổng trường. Ban đầu, em cũng ngại lắm mỗi khi bạn bè hỏi thăm, nhưng giây phút nhận được tiền công do chính mình làm ra đã khiến em thay đổi suy nghĩ. Số tiền ấy tuy ít ỏi nhưng cũng đủ để em giúp mẹ trang trải những khoản chi tiêu nhỏ nhặt trong gia đình”, Huỳnh Như bày tỏ.
3. Giống như Huỳnh Như, chiếc xe bán cháo nơi góc đường Nguyễn Ảnh Thủ (Hóc Môn) buổi sáng của ba mẹ cũng là nguồn thu nhập nuôi sống mấy anh em Trần Văn Hưng (học sinh lớp 12A1). Mỗi ngày, ba mẹ em phải dậy từ lúc 2 giờ sáng để nấu cháo, sửa soạn cho công việc bán cháo. Rời xe cháo, mẹ em nhận thêm việc cắt chỉ quần áo cho một số cơ sở may gần nhà. Số tiền kiếm thêm từ công việc này thật ra cũng chỉ đủ thuốc thang cho căn bệnh về xương mà bà mắc phải 3 năm nay đang ngày một trầm trọng. Không chỉ thế, gia đình Hưng còn gặp khó khăn hơn khi cơn bão số 10 mới đây đã làm tốc mái, sập nhà bếp của gia đình bà ngoại ở Quảng Ngãi. Vậy là số tiền tằn tiện chi tiêu hàng ngày lại bị bớt thêm một khoản để gửi về cho ngoại sửa nhà. Thương ba mẹ vất vả, ngoài việc lo dọn dẹp nhà cửa, Hưng còn phụ mẹ cắt chỉ, xếp quần áo hay phụ giúp ba bán cháo trong những ngày nghỉ… Nhiều người nhận xét “Hưng đảm đang không kém gì một cô gái”. Không chỉ thế, những ngày hè, Hưng còn theo chân một số anh trong xóm đi làm phụ hồ, kiếm thêm tiền để mua sách vở, đóng học phí đầu năm học. Vất vả là thế, nhưng suốt 11 năm đi học, Hưng luôn nỗ lực hết mình để trở thành học sinh giỏi, là tấm gương để các em noi theo.
Bài, ảnh: Linh Vy
Bình luận (0)