Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những học sinh làm sạch môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Ở một xóm nhỏ tít miền quê xa tận xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, có một nhóm sáu bạn học sinh tìm ra cách xử lý, làm sạch nguồn nước bằng những vật liệu bỏ đi.

Quỳnh Như (trái) cùng Hữu Tài (giữa) và Minh Trung tiến hành một thí nghiệm dùng bã mía lọc nước thải – Ảnh: Minh Tâm
Đề tài nghiên cứu của các bạn vừa rồi đã đoạt giải ba trong cuộc thi quốc gia về Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước 2009 do Bộ Giáo dục – đào tạo, Bộ Tài nguyên – môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN tổ chức.
Chung ý tưởng
Tụi nhỏ… điên khùng!
Khi bắt tay vào thí nghiệm, cả nhóm thống nhất: lấy mẫu phải chọn nơi đặc trưng nhất, tức nơi… dơ nhất! Nhiều bà con trong vùng mắc cười khi thấy ngày lễ, chủ nhật có một nhóm học trò “không biết điên khùng gì mà cứ bịt mũi lội xuống ao nồng nặc mùi nước thải trộn lẫn nước tiểu, phân gia súc… để múc nước”! Các bạn bảo nước càng hôi, càng dơ thì nghiên cứu càng chính xác.

“Ở vùng quê, cô bác có thói quen cái gì bỏ đi cũng trút, thảy ra sông, kênh rạch. Nhiều đoạn sông dơ quá, bốc mùi hôi. Cứ mãi thế này thì ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Làm thế nào để hạn chế sự ô nhiễm nguồn nước?”. Nhóm bạn Võ Nguyễn Tường Vi, Nguyễn Văn Trọng và Huỳnh Tấn Đạt (Trường THPT An Lạc Thôn) đã khởi đầu đề tài nghiên cứu “Xử lý nước thải bằng hệ thống lọc sinh học” từ trăn trở như thế.

Còn nhóm của Lê Thụy Quỳnh Như, Lý Minh Trung và Nguyễn Hữu Tài (cũng thuộc Trường THPT An Lạc Thôn) bắt đầu đề tài nghiên cứu “Hệ thống xử lý nước thải trong các hộ chăn nuôi” từ những ngày quan sát mé mương, kênh rạch… phát hiện thấy nơi nào bà con xả bã mía xuống nước thì khu vực đó nước màu trong hơn, ít mùi hôi hơn những nơi khác. Các bạn ồ lên và đoán rằng bã mía có khả năng thu giữ chất thải, lọc mùi hôi.
Các bạn trẻ thôi thúc bởi ý nghĩ đó nên mạnh dạn trình bày ý tưởng gửi trường xin tạo điều kiện giúp nghiên cứu. Thầy Nguyễn Ngọc Hải, trưởng bộ môn sinh – hóa, rất thú vị khi thấy tất cả tuy học khác lớp nhưng ý tưởng lại trùng nhau, nên đã kết thành một nhóm và hướng dẫn cách làm một nghiên cứu khoa học.
Trước khi tiến hành nghiên cứu, tất cả đều đi khảo sát thực tế. Quỳnh Như, lớp 12A1, nói: “Qua phỏng vấn hàng chục hộ chăn nuôi vừa và nhỏ ở hai xã An Lạc Thôn, Xuân Hòa, nhóm em giật mình khi cô bác trả lời “khi quét dọn chuồng trại, tống thẳng mọi thứ từ tấm cám, phân gia súc… trực tiếp xuống ao để nuôi cá” nhưng không chịu làm vệ sinh ao. Lâu ngày lượng chất thải đọng nhiều dưới đáy ao, cá tiêu thụ không hết làm ao trở thành nơi chứa chất thải, phát sinh ô nhiễm. Ao dơ, nước ô nhiễm nên nhiều nơi cá chết”.
Chọn nghề trong tương lai
Quỳnh Như bộc bạch: “Nhóm em gặp vô số thất bại, như làm thí nghiệm xong lần đầu nước vẫn còn mùi hôi, chất cặn trong nước thải vẫn còn. Hóa ra do mình… ngu, dùng bã mía tươi lọc nên không hiệu quả. Thế là đi xin bã mía đem phơi khô. Kết quả có khá hơn, nước đã hơi trong, mùi hôi giảm”.
Thừa thắng xông lên, cả nhóm bàn: vậy xé nhỏ bã mía để tăng độ mềm, tơi xốp, giúp tính năng lọc chất thải của bã mía càng tăng? Quả đúng như vậy. Và thêm một đóng góp khác: xơ dừa cũng mềm, tơi xốp giống như bã mía, sao không làm thử? Kết quả là xơ dừa cũng có thể lọc chất thải, nhưng bã mía tốt hơn.
Thầy Hải nói: “Sau khi áp dụng vào thực tế, mẫu nước các em làm qua kiểm tra tại phòng thí nghiệm của nhà trường đã đạt tiêu chuẩn về an toàn. Thầy trò mới gửi các mẫu nước đến Trung tâm Kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thuộc Sở Khoa học – công nghệ TP Cần Thơ kiểm định. Đến khi nghe kết quả mới thở phào sung sướng: thành công. Nước sau khi lọc bằng bã mía, xơ dừa bảo đảm các chỉ số an toàn cho môi sinh, môi trường”.
Nghiên cứu thành công, cả nhóm bàn tính chuyện triển khai cách làm cho bà con trong vùng. “Đơn giản lắm – Hữu Tài cho biết – Trước các chuồng trại chăn nuôi, hay các nơi thải nước sinh hoạt, bà con nên đào một cái hố, dùng cây sậy, tràm đóng thành hàng rào chắn một đầu nước thoát. Sau đó nẹp chặt bã mía, xơ dừa xuống hố. Các vật liệu này sẽ lọc, hạn chế được mùi hôi, giảm thiểu ô nhiễm khi nước được thải trực tiếp xuống ao hoặc ra kênh rạch”.
Tài cho biết thêm: nước thải sau khi được xử lý đạt độ an toàn có thể tái sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Còn lục bình, xơ dừa, bã mía có thể ủ làm phân bón cho cây trồng, giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất. Từ nghiên cứu, nhóm của Như cũng đã định hình, chọn nghề trong tương lai cho mình. Như và Tài sẽ thi vào ngành tài nguyên môi trường, còn Trung dự định vào ngành công nghệ thực phẩm…
MINH TÂM (TTO)

Bình luận (0)