Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2016-2017 tại TP.HCM vừa kết thúc, mặc dù điểm đầu vào của các trường THPT ở huyện Bình Chánh rất thấp, nhưng nhiều học sinh ở trường tôi năm nay cũng không thi tuyển.
Thí sinh xem lại đề thi trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT tại TP.HCM vừa qua. Ảnh: Yên Hà |
Đó là những học sinh có học lực tương đối thấp cùng với một số em ham chơi không muốn tiếp tục bị “đày ải” trên ghế nhà trường phổ thông. Ai cũng nghĩ với điểm chuẩn thấp (năm học 2015-2016, có trường chỉ lấy 13 điểm) thì có gì khó đâu mà không thi, không tiếp tục học để lấy cái bằng tốt nghiệp THPT!
Tuy nhiên, các em chọn cho mình một lối đi rất khác với đa số bạn bè, đó là vào trường nghề. Nhưng để có những học sinh chạy “ngược dòng” như thế không hề dễ dàng gì. Những giáo viên chủ nhiệm, bộ môn năm này qua năm khác tiếp xúc và nắm rõ thiên hướng của học sinh mình đã cho các em thấy tất cả những hướng đi mà các em có thể có được.
Có thể khẳng định, với tính sĩ diện, “ham” bằng cấp của rất nhiều phụ huynh gần như khó chấp nhận con cái đi theo con đường này. Họ nghĩ con mình còn quá nhỏ để bước vào đời vào nghề, không chắc có làm nổi trò trống gì không. Mặc dù cũng có một số phụ huynh có suy nghĩ tích cực cho rằng học một cái nghề làm vốn là điều hay, nhưng mới 14-15 tuổi liệu các em có đầy đủ nhận thức để theo suốt sự lựa chọn của mình không? Vì vậy đa phần họ tiếp tục cho con đi học THPT dù là loại hình trường lớp nào. Còn một số phụ huynh có cách nhìn tiêu cực cho rằng, mấy đứa lêu lổng học hành không ra gì nên phải đi học nghề, không biết học nghề có làm đàng hoàng và làm tốt công việc được chăng.
Những suy nghĩ trên của các bậc phụ huynh không phải không có lý và hơn ai hết những người trong ngành giáo dục rất trân trọng. Song, phải nhận thấy thực tế rằng các em học sinh hay các cá thể trong xã hội luôn có năng khiếu, lợi thế, thế mạnh… ở các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Người thì có tài về toán, người có năng khiếu khoa học, người có năng khiếu thể thao, người thích thực nghiệm… Bởi thế, không thể đồng nhất một cách nhìn thiện cận rằng thất bại trong công việc này sẽ không đủ tầm ở một công việc khác, không có năng khiếu bẩm sinh thì không thành tài… Điều này khẳng định học vấn không là thước đo duy nhất về giá trị con người.
Và, khi biết bao cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp vì không phù hợp với đòi hỏi yêu cầu của doanh nghiệp thì các em học sinh học nghề đã tự tay kiếm ra đồng tiền cho bản thân và gia đình, tự tay gián tiếp tạo ra năng suất lao động, giảm phụ thuộc gia đình. Lợi cả nhiều đường.
Phải nhắc lại một hướng đi trong xã hội tương lai mà hiện tại đã thấy là một xã hội học tập suốt đời và ai cũng có cơ hội tiếp xúc với những kiến thức bất tận. Như thế có nghĩa là một ngày nào đó, các cá nhân có nhu cầu thay đổi công việc hay kiếm tìm thử thách mới trong một lĩnh vực khác thì họ sẽ luôn thực hiện được. Ví dụ, học sinh có thể vừa học nghề vừa có thể có bằng THPT sau hai năm học ở trường nghề, và một ngày nào đó có nhu cầu thi ĐH, các em vẫn bình đẳng như các đối tượng khác.
Vậy nên, hiện tại các học sinh hết lớp 9 đi học nghề là chuyện bình thường. Nhưng cũng phải nói lại một điều để củng cố cho những luận bàn ở trên là thị trường lao động phải minh bạch, thông tin về nhu cầu sử dụng lao động phải công khai, cơ quan Nhà nước phải có khả năng dự báo chính xác về các đầu việc mà doanh nghiệp đặt hàng, có khả năng điều tiết và hướng nguồn lao động dịch chuyển từ khu vực này tới khu vực khác trong sự vận động của thị trường. Điều đó cho thấy các cơ quan chức năng trong Bộ LĐ-TB&XH rất quan trọng, nếu bộ này không làm được những công việc trên có chất lượng thì sự cố gắng phân luồng của ngành giáo dục đổ sông đổ biển.
Nguyễn Minh Thanh
(Giáo viên Trường THCS
Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM)
Bình luận (0)