Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những khát khao bình dị mà chính đáng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngay sau kì thi TN THPT kết thúc, hàng triệu bạn trẻ khăn gói rời bỏ đồng quê, gia đình lên Sài Gòn, về trung tâm các tỉnh thành phố để trọ học thêm, luyện thi với hi vọng và mong mỏi duy nhất là bước qua kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN sắp tới một cách vững vàng. Đó là mong muốn, khát khao cháy bỏng của mỗi sĩ tử cũng như kì vọng chính đáng của bất kì bậc sinh thành nào khi cho con em ăn học 12 năm ròng rã. Vì mong muốn con em thành đạt nên các bậc cha mẹ đã hi sinh cả đời mình cho con em được đến trường. Đối với những gia đình khấm khá thì nỗi lo ít hơn. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì chật vật vô cùng. Để con em đến trường, gánh nặng quằn vai cha mẹ. Không ít phụ huynh bán mặt cho đất bán lưng cho trời làm lụng vất vả ở cánh đồng quê góp nhặt từng đồng cho con đến trường. Có em học sinh đến trường nhờ vào chiếc xe ba gác, những cuốc xe ôm sớm khuya của ba. Cũng có bạn bao nhiêu năm đi học cũng đồng nghĩa với từng ấy năm (và nhiều hơn nữa) ba hoặc mẹ ngập lặn dưới đồng ruộng bắt từng con ốc, hái từng cọng rau bán kiếm tiền… chắt chiu tằn tiện cho con có cái chữ với đời. Để cho con cái được lên thành thị làm quen với không khí náo nhiệt trước mùa thi và có cơ hội làm quen với trường thi, ôn luyện, có phụ huynh bán cả mấy tạ thóc, có người gom góp hết tiền tích lũy heo đất cả đời dành dụm, có người bán cả trâu bò, gà lợn, có không ít gia đình phải chạy đôn chạy đáo vay mượn (kể cả vay nóng với lãi suất cao)… Tất cả các bậc cha mẹ ấy đều có hi vọng rất chính đáng rằng con em sẽ cố gắng hết sức mình và sẽ có kết quả tốt trong kì thi quyết định sắp tới, rồi chính sự học của con cái sẽ giúp chúng có điều kiện tốt hơn cả trong học tập, rèn luyện, trưởng thành, cống hiến, tiến thân trong xã hội ngày càng tiến sâu vào hội nhập toàn cầu. Trong xu thế toàn cầu hóa mà kinh tế tri thức là lựa chọn hàng đầu của các nước phát triển thì ai ai cũng hiểu rằng sự học quan trọng hơn bao giờ hết. Không học đến nơi đến chốn sẽ khó có cơ hội việc làm, sẽ không có điều kiện phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội. Hiểu được điều đó, đa số các bạn trẻ ý thức được mình cần phải làm gì, phấn đấu ra sao cho không phí công sức của cha mẹ, không uổng phí 12 năm sách đèn cực khổ. Có bạn trẻ ngày đi học tối làm thêm đủ mọi việc để kiếm tiền phụ với gia đình trang trải chi phí học hành. Có bạn chi tiêu dè xẻn, ăn cơm bụi, ngủ mái hiên nhà dân, ở nhờ vào nhà trọ bạn bè anh chị sinh viên các năm trước. Có bạn linh động hơn thì đến các trung tâm hỗ trợ sinh viên tìm nhà trọ miễn phí, giá rẻ nương náu cho qua kì thi bởi các bạn hiểu rằng để bản thân mình được lên Sài Gòn học, bố mẹ phải vất vả bội phần.
Cuộc hành trình đến với giảng đường đại học, cao đẳng, các trường TCCN còn lắm gian nan vất vả với bộn bề những lo toan, không chỉ kiến thức mà cả chi phí đời thường, sinh hoạt tối thiểu đối với con em vùng quê xa xôi hẻo lánh. Chính vì vậy, chủ trương ghép kì thi hai trong một theo lịch trình đến năm 2010 của Bộ GD-ĐT đang được xã hội mong đợi – quyết định cuối cùng của lãnh đạo ngành và Chính phủ. Mong lắm một quyết định đúng đắn từ Chính phủ để những khát khao cháy bỏng bình dị mà chính đáng của hàng triệu phụ huynh và HS mỗi năm được thực hiện một cách nhẹ nhàng, giảm gánh nặng, giảm áp lực không cần thiết.
Nguyễn Văn Cải
(GV Trường THPT Quang Trung, Củ Chi, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)