Đỗ ĐH-CĐ là niềm hạnh phúc của hàng triệu tân sinh viên (SV). Thế nhưng, ngay sau đó là nỗi lo toan về hàng chục khoản phí đầu năm học.
Bên cạnh học phí là khoản thu cố định và bắt buộc, các trường ĐH-CĐ còn đưa ra nhiều khoản thu khác “không đóng không được”. Những khoản phí này mỗi trường mỗi kiểu, trường có, trường không. Chẳng hạn trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thu lệ phí hồ sơ 90 ngàn đồng/SV, trong khi trường ĐH Tôn Đức Thắng có phí nhập học là 270 ngàn đồng, trường ĐH Văn Hiến thu khoản phí này 100 ngàn đồng.
Cũng là tiền bảo hiểm thân thể (tự nguyện), nhưng trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội thu 180 ngàn đồng/4 năm học/SV (45 ngàn đồng/năm), còn trường ĐH Văn Hiến, ĐH Hoa Sen 30 ngàn đồng/năm/SV. Về tiền khám sức khỏe, các trường khác chỉ thu từ 25-30 ngàn đồng, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lại thu khoảng 130 ngàn đồng.
Một SV của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Ngoài học phí, bảo hiểm y tế, tụi em còn phải đóng thêm 400 ngàn đồng tiền giáo trình và tài liệu học tập dùng chung cho cả khóa 4 năm. Ngoài ra em còn phải đóng 900 ngàn đồng tiền ký túc xá (đóng nguyên năm) và tiền thế chấp tài sản”. Tân SV trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM còn rối bù bởi các khoản thu khác như: đồng phục học lý thuyết: 350 ngàn đồng, sử dụng tiện ích ngoài giờ: 50 ngàn đồng, tiền làm thẻ, hồ sơ: 60 ngàn đồng, tiền niên liễm năm học (một loại phí thường niên để giải quyết những phát sinh như mất thẻ SV…): 30 ngàn đồng.
Giải thích về khoản tiền giáo trình và tài liệu học tập, TS Đỗ Văn Dũng – Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Thay vì những năm trước SV lên đọc giáo trình, tài liệu ở thư viện dù phí thấp nhưng không được dùng sách đó suốt khóa học, thì nay trường thu phí để mỗi học kỳ SV sẽ nhận được một bộ sách khoảng hơn chục cuốn dùng cho suốt khóa học mới trả lại”. Khoản tiền thế chấp tài sản ở ký túc xá, theo ông Dũng, là do SV hay làm hỏng đèn, giường, tủ, thậm chí đốt giường khi đánh bài, nhậu nhẹt… Riêng tiền khám sức khỏe trường thu cao vì “khám đúng tiêu chuẩn chứ không khám qua loa, cộng thêm việc thử nước tiểu để nếu phát hiện SV nào bị nghiện ma túy sẽ cho thôi học, tránh ảnh hưởng đến những SV khác”, ông Dũng cho biết.
Trong khi đó, điều 105, Luật Giáo dục năm 2005 quy định: “Ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, người học và gia đình người học không phải đóng khoản tiền nào khác”.
Theo Mỹ Quyên
(TNO)
Bình luận (0)